Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCác viện nghiên cứu biển đảo của TQ lấy đâu ra kinh...

Các viện nghiên cứu biển đảo của TQ lấy đâu ra kinh phí để hoạt động

 Nhằm tìm cách “biện minh” cho yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Chính quyền Trung Quốc đã hậu thuẫn và đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ cho các viện nghiên cứu trong nước hoạt động.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có rất nhiều Quỹ hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính cho các dự án nghiên cứu luật quốc tế liên quan vấn đề Biển Đông, trong đó nổi lên là 03 Quỹ sau: Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia (NSSFC), Quỹ Hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Quỹ Hỗ trợ của Bộ Tư pháp. Trong đó, Quỹ NSSFC thường đưa ra các thông báo thường niên và một danh sách gợi ý các chủ đề nghiên cứu về các đề xuất nghiên cứu có thể được tài trợ.

Thông qua việc sử dụng một cách chiến lược nguồn kinh phí, cũng như các biện pháp khác, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách tăng cường nghiên cứu về các lĩnh vực luật quốc tế và các vấn đề có liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Những nguồn động lực này không chỉ ảnh hưởng tới các học giả đã được nhận tài trợ, mà còn cả những học giả đang hình thành đề cương nghiên cứu với mong muốn được nhận tài trợ, được thăng quan tiến chức hoặc mong muốn đạt được những chứng nhận thành công về mặt học thuật. Ở nhiều trường luật, việc được cấp NSSFC hoặc các nguồn tài trợ nghiên cứu chính phủ khác là một điều kiện tiên quyết để đăng ký làm giáo sư và là một yếu tố quan trọng để đạt được những giải thưởng nhất định, ví dụ như giải thưởng trong “Kế hoạch Hỗ trợ các tài năng xuất chúng trong Thế kỷ mới” của Bộ Giáo dục Trung Quốc. 

Theo thống kê không đầy đủ, danh sách các chủ đề nghiên cứu được các quỹ trên tài trợ cho thấy, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các học giả luật quốc tế tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực nhất định liên quan tới lợi ích quốc gia, bao gồm chủ yếu là luật kinh tế quốc tế và luật biển quốc tế. Và trong phạm vi các chủ đề này, chính phủ Trung Quốc thường khuyến khích các học giả phát triển cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc trong các nghiên cứu của mình. Chính phủ Trung Quốc cũng thường định hướng cho giới chuyên gia các khía cạnh của luật biển, hướng vào chủ nghĩa dân tộc nhằm đảm bảo “lợi ích” của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Danh sách các chủ đề được khuyến nghị bao gồm: “Các nghiên cứu về việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông thuộc phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc” và các đề xuất nghiên cứu được tài trợ bao gồm: “Nghiên cứu pháp lý về việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông và Cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan” và “Nghiên cứu về chiến lược pháp lý bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa dưới những hoàn cảnh mới”, “Luật Biển Đông và quan hệ quốc tế”; “Tài nguyên môi trường Biển Đông”; “Hợp tác an ninh và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông”; “Luật quốc tế và tranh chấp Biển Đông”, “Con đường tơ lụa trên Biển” thế kỷ 21… Các chủ đề nghiên cứu được khuyến nghị đôi lúc chỉ mang tính ngắn hạn bởi vì những chủ đề này có mục đích hướng vào các nhu cầu cấp bách của Trung Quốc hơn là đặt ra các kế hoạch cho các vấn đề tiềm tàng trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu của các Quỹ trên được Chính quyền Trung Quốc sử dụng để hoạch định các chính sách liên quan. Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Thông tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc Wang Xiaohui, cho biết các kết quả từ việc nghiên cứu này có thể được sử dụng hữu hiệu trong quá trình đưa ra các quyết định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc cho rằng Chính phủ “hậu thuẫn” thành lập, cung cấp tài chính cho các trung tâm nghiên cứu về Biển Đông và cấp kinh phí nghiên cứu về luật quốc tế liên quan vấn đề Biển Đông là nhằm “tăng cường trao đổi học thuật và thể chế đồng thời đẩy mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định chung trên biển giữa các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Giám đốc NISCSS Ngô Sỹ Tồn khẳng định các Trung tâm trên sẽ là nền tảng cho các thảo luận liên quan đến Biển Đông, là một mô hình hợp tác nghiên cứu hàng hải giữa các nước trong khu vực. Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định, việc Trung Quốc thành lập các Quỹ hỗ trợ tài chính để nghiên cứu về luật biển là động thái tiếp theo nằm trong chuỗi chiến lược củng cố yêu sách “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông, từng bước phản bác lại lập luận cũng như chứng cứ pháp lý của các nước khác liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Nhìn chung, việc Trung Quốc tăng cường quy mô, nguồn kinh phí cho các Quỹ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu về luật biển là để tạo điều kiện thúc đẩy giới chuyên gia tích cực nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, từng bước củng cố “yêu sách chủ quyền” của Trung Quốc đối với khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới