Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngGiới nghiên cứu Việt Nam: TQ dùng “trung tâm nghiên cứu khoa...

Giới nghiên cứu Việt Nam: TQ dùng “trung tâm nghiên cứu khoa học” để âm mưu độc chiếm Biển Đông

Sau khi Trung Quốc đưa vào vận hành trái phép hai trung tâm nghiên cứu khoa học trên đá Chữ Thập và đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giới nghiên cứu trong nước cho rằng Bắc Kinh vẫn đang âm mưu kiểm soát, độc chiếm Biển Đông.

Vừa qua, Trung Quốc đã đưa hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) vào hoạt động. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang vật lộn với cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tân Hoa Xã cho hay, việc xây dựng các trạm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển/hàng hải đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven Biển Đông.

Bản tin dẫn lời một nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết “cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu” được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu, được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa. Truyền thông Trung Quốc ngang ngược tuyên truyền rằng việc xây dựng các trạm nghiên cứu của CAS nằm trong kế hoạch “thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven Biển Đông”. Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu này cũng sẽ giúp “cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định , trong khi cả thế giới đang dồn sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc lại âm thầm tiến hành các hoạt động “nghiên cứu” khoa học ở Biển Đông cho thấy đây là hành động nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc; đồng thời khẳng định “đó là hành động có chủ đích, thể hiện bản chất thâm hiểm, cơ hội chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc rất giỏi sử dụng những tình huống như này, vốn đã được kiểm chứng trong chiều dài lịch sử”. Ông bày tỏ quan điểm đồng tình với chuyên gia an ninh hàng hải Tiến sĩ Collin Koh (chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) rằng, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra, Bắc Kinh vẫn dành sự quan tâm tới các điểm nóng trên Biển Đông. Và Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẵn sàng tác chiến bất chấp dịch bệnh do coronavirus. Cùng với đó là vấn đề, Bắc Kinh sử dụng bình phong “khoa học dân sự” để tuyên bố yêu sách trên Biển Đông. Đó là một trong những phương thức mà Trung Quốc thường làm, mà thế giới có thể bỏ qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng như hiện nay.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh “Trung Quốc vẫn luôn nói một đằng, làm một nẻo trên Biển Đông. Cho nên kinh nghiệm của chúng ta từ xưa đến nay là đừng nghe những lời hoa mỹ của họ, vì sự thật khác xa như vậy. Đối với hành động đặt 2 trạm nghiên cứu trên đảo Subi và Đá Chữ Thập, chúng ta cần nói thẳng vào vấn đề: Đó là hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam”. Vì vậy, hành động đặt trạm nghiên cứu này cũng nằm trong chiến lược “gặm nhấm” Biển Đông của Trung Quốc. Trong tương lai, Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục sử dụng chiến thuật này hoặc thay đổi sang một hình thức “chiếm đoạt” khác. Chúng ta phải hết sức cảnh giác, không được lơ là trước âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc.

Được biết, đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân đạo phi pháp. Trung Quốc đã biến những đảo nhân tạo này thành các tiền đồn có cảng, đường băng và cơ sở liên lạc nhằm mở rộng khả năng kiểm soát hoạt động của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông. Tại đá Chữ Thập, từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên đá Vành Khăn. Tháng 1/2018 Trung Quốc điều hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đến đá Vành Khăn. Tại đá Subi, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, xây dựng kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000m. Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên đá Subi. Tính đến nay, Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong số 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa. Cơ sở hạ tầng tương tự cũng được triển khai tại đá Vành Khăn và Chữ Thập, bao gồm vị trí đặt tên lửa, đường băng dài 3 km, nhà kho lớn và một loạt thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự nước ngoài và thông tin liên lạc.

RELATED ARTICLES

Tin mới