Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã xuyên tạc vấn đề...

Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã xuyên tạc vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 25/3/2012, mạng Nhân dân, Tân Hoa xã đăng bài “Việt Nam tại sao lại gây tranh chấp, nói không thành có về Tây Sa” của Nguyễn Tông Trạch, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 26/3/2012, mạng Nhân dân lại đăng bài “Việt Nam, xin đừng đùa với lửa ở Tây Sa” của Nhiệm Nhan, Trưởng nhóm Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ban Quốc tế, Nhân dân Nhật báo.Các bài báo cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa và vùng biển phụ cận và hoàn toàn không có tranh chấp về Tây Sa”.

Thực tiễn quốc tế cho thấy trong các tranh chấp lãnh thổ xảy ra trên thế giới, các bên tranh chấp đều khẳng định lãnh thổ đang bị tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và đưa ra các chứng cứ để bảo vệ yêu sách của mình. Cho dù là ở bàn đàm phán trực tiếp hay khi vụ việc được xét xử ở trước trọng tài quốc tế, tòa án quốc tế thì điều mấu chốt và quyết định vẫn là các chứng cứ. Như vậy, để làm sáng tỏ mức độ xác thực của lập luận nêu trong các bài báo trên, thiết nghĩ không có gì tốt hơn là xem xét các bằng chứng của Việt Nam và Trung Quốc.

Các bằng chứng của Trung Quốc…

Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không ngừng khẳng định như vậy khi đề cập đến Biển Đông. Cho nên việc các tác giả hai bài báo mà Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đăng tải tiếp tục nhắc lại rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo này cũng không phải là cái gì bất thường. Nhưng điều quan trọng nhất là những bằng chứng cụ thể để chứng minh cho tuyên bố đó là gì thì không thấy Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đưa ra. Ai cũng biết Trung Quốc có một kho sử liệu đồ sộ nhất thế gian. Nếu quả thực Trung Quốc đã từng thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sử sách và bản đồ cổ của Trung Quốc chắc chắn phải thể hiện điều này. Các bộ sử của Trung Quốc như Sử ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tấn Thư, Nam Tề Thư, Tùy Thư, Cựu Đường Thư, Tống Sử, Nguyên Sử, Minh Sử,… đều khẳng định điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Châu Nhai tức đảo Hải Nam. Các bộ sử đó cũng không có các bằng chứng về việc nhà Hán, nhà Tống, nhà Đường, nhà Nguyên, nhà Minh cho đến nhà Thanh tiến hành các hành động để thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo. Các bản đồ của Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ XX cũng không thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc. Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã lý giải thế nào về việc sử liệu và bản đồ Trung Quốc không có ghi chú nào về các hoạt động chủ quyền của họ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Ảnh minh họa: IE.

Sử liệu Trung Quốc cho thấy chỉ từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc mới bắt đầu đòi chủ quyền đối với hai quần đảo. Cụ thể là vào năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn cho quân đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa. Kể từ đó, các bản đồ của Trung Quốc mới vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó vào những năm 50 của thế kỷ XX, họ lại cho quân chiếm nửa phía tây của quần đảo Hoàng Sa và chiếm nửa còn lại của quần đảo này từ tay chính quyền Sài Gòn vào năm 1974. Năm 1988, họ cho quân chiếm một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909 là hoạt động mang tính chủ quyền đầu tiên mà Nhà nước Trung Quốc tiến hành đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, đối với Trung Quốc thời điểm then chốt trong tranh chấp này là năm 1909. Nếu đến thời điểm đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là mảnh đất vô chủ, chưa thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào khác thì việc đổ bộ của Lý Chuẩn là bằng chứng về việc Trung Quốc thiết lập chủ quyền đối với hai quần đảo. Điều đáng tiếc cho Trung Quốc là đến thời điểm năm 1909, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã không còn là đất vô chủ nữa, mà đã hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do đó, từ góc độ luật pháp quốc tế, sự kiện đổ bộ của Lý Chuẩn lên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi bất hợp pháp, không đem lại cho Trung Quốc bất kỳ danh nghĩa nào.

…và các bằng chứng của Việt Nam

Để chứng minh cho chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà nước Việt Nam đã công khai một loạt chứng cứ liên quan đến hai quần đảo này.

Một là, ít ra từ thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhà Nguyễn đặt vào địa phận tỉnh Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi). Bằng chứng về sự quy thuộc này được Đỗ Bá chú giải trong tập bản đồ “Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” vẽ vào thế kỷ XVII; trong cuốn “Phủ biên tạp lục” nói về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi rõ đảo Đại Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc phủ Quảng Ngãi.

Hai là, cùng với việc quy thuộc hành chính, chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải ra khai thác hai quần đảo này. Các đội này gồm khoảng 70 lính và một số dân huyện đảo Lý Sơn đi ra hai quần đảo từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Tiếp đó, nhà Nguyễn tiến hành đo đạc khảo sát, vẽ bản đồ, dựng miếu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Tất cả các hoạt động này được ghi tường tận trong bộ sử Đại Nam Thực lục tiền biên và Đại Nam thực lục chính biên do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn năm 1844 và năm 1848 cũng như trong bộ sách Đại Nam Nhất thống chí – bộ sách địa lý Việt Nam cũng do Quốc Sử quán nhà Nguyễn soạn năm 1882. Cụ thể, quyển 52 của bộ Đại Nam Thực lục chính biên ghi năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (tức năm 1816), vua phái thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy. Quyển 104 ghi tháng 8 năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mạng thứ 14 (tức năm 1833), vua lệnh cho Bộ Công phái người ra dựng miếu, lập bia; quyển 154 ghi tháng 6 năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (tức năm 1835) dựng đền thờ ở đảo Hoàng Sa, tỉnh Quảng Ngãi; quyển 165 ghi năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (tức năm 1836), ngày Mồng Một tháng Giêng, vua chuẩn kiến nghị của Bộ Công phái cai đội Phạm Hữu Nhật đi dựng bia ở Hoàng Sa. Các bia này được mô tả là bia gỗ, dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc có ghi “Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân cách đội trưởng Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trong năm đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Ngoài ra, điều đáng lưu ý là nhiều tài liệu cổ của phương Tây cũng ghi rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ví dụ như bài “Ghi chép về địa lý nước Cochinchina” xuất bản năm 1837 và An Nam đại quốc họa đồ xuất bản năm 1838 của Giám mục J. L. Taberd.

Ba là, sau khi đô hộ Việt Nam, Lào và Campuchia, Pháp tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp đã đặt các đảo ở hai quần đảo trong các tỉnh ở đất liền. Từ 1934 cho quân đóng ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và sau đó ở một số đảo ở Hoàng Sa. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương và chính quyền Sài Gòn quản lý phía Nam vĩ tuyến 17, do đó Pháp bàn giao hai quần đảo cho chính quyền Sài Gòn. Năm 1975, Nhà nước Việt Nam đã tiếp quản các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Các bằng chứng nêu trên cho thấy từ thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Do đó, việc Lý Chuẩn cho quân đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909 là sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào những năm 50, 70 của thế kỷ XX cũng như chiếm một số đảo đá san hô ở quần đảo Trường Sa năm 1988 cũng chính là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Trước các hành động xâm lược đó của Trung Quốc, Pháp đã từng phản đối vào các năm 1931, 1932, 1947, chính quyền Sài Gòn đã từng phản đối (năm 1956, 1974), Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (1974) và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối (Sách trắng 1979, 1981, 1988, v.v…).

Bốn là, Việt Nam đã có chủ quyền thực sự đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ mấy trăm năm nay. Từ năm 1909 Trung Quốc bắt đầu nêu yêu sách đối với hai quần đảo, sau đó chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Cho nên dẫn đến câu chuyện tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này của Việt Nam. Thời điểm nảy sinh tranh chấp là từ khi Lý Chuẩn đổ bộ lên Hoàng Sa. Trước đó, hoàn toàn không có tranh chấp về hai quần đảo. Đó là sự thật. Bây giờ, Trung Quốc rêu rao rằng trước đây không hề có tranh chấp về Hoàng Sa. Một điều mà họ cố tìm cách bưng bít là năm 1975, khi tiếp đoàn đại biểu Việt Nam ở Bắc Kinh, chính Đặng Tiểu Bình đã nói với Đoàn Việt Nam rằng giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), sau này hai bên sẽ giải quyết. Việt Nam đã nhiều lần nêu bằng chứng này với phía Trung Quốc. Chắc chắn, Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã có thừa điều kiện để thẩm định độ chân thực về câu chuyện ý kiến của Đặng. Nếu Đặng không hề nói vậy thì tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nhân Dân Nhật báo, Tân Hoa xã không lên tiếng bác bỏ.

Việc Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đăng tải lập luận “không hề có tranh chấp về Tây Sa” và “Việt Nam gây tranh chấp, nói không thành có về Tây Sa” là một điều không gây bất ngờ cho ai. Bởi vì xuyên tạc sự thật và vu cáo Việt Nam vốn dĩ là quốc sách, chủ trương nhất quán của Ban lãnh đạo Bắc Kinh. Để che giấu bản chất xâm lược, bá quyền của họ, Bắc Kinh không thể có cách nào khác là đổi trắng thay đen. Ban lãnh đạo của hai cơ quan thông tấn hàng đầu này của Trung Quốc không thể làm khác sự chỉ đạo của thượng cấp. Là những người được học hành, chắc rằng cũng có lúc họ tự ván lương tâm và thấy hổ thẹn vì những việc họ luôn làm với Việt Nam. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ buộc phải nhắm mắt để duyệt bài. Nhân tính không bằng trời tính. Điều mà Nhân dân nhật báo và Tân Hoa xã không ngờ là càng đăng nhiều tin bài xuyên tạc sự thật họ càng làm cho thế giới thấy rõ hơn bộ mặt tráo trở của Trung Quốc. Chân lý hết sức rõ ràng: Trong vũ trụ chỉ có một mặt trời. Trên trái đất này chỉ có một kẻ chuyên lật lọng, nói không thành có trong vấn đề tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Trung Quốc./.

RELATED ARTICLES

Tin mới