Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVăn hóa biển Trung Hoa

Văn hóa biển Trung Hoa

Hơn ba thập kỷ qua, nổi lên “vấn đề Nam Hải” – như cách gọi Trung Quốc, Biển Đông như cách gọi Việt Nam, Biển Tây như cách gọi Philippines, Biển Nam Trung Hoa như của người phương Tây, hay Biển Đông Nam Á như cách gọi gần đây – sự can dự của Trung Quốc bắt đầu từ khi nào?

Biển là của chung thiên hạ. Tự thời cổ xưa, người Đông Nam Á, người Trung Quốc, người Ba Tư, người Ấn Độ, người châu Âu đã đi lại trên Biển Đông để giao thương buôn bán. Dân chài Việt Nam cũng như dân chài Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác đều đánh bắt hải sản sống nhờ vào biển này, đâu có ai đề ra luật lệ.

Một số các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày nay hoặc những tài liệu có nguồn gốc từ chính phủ Trung Quốc thường trích các sách địa lý từ thời Đông Hán, Tây Hán để làm điểm tựa cho danh nghĩa Trung Quốc đối với Nam Hải. Đọc kỹ lại sẽ thấy chúng đều là các mô tả về các nước ngoài, các đất đai, biển nằm ngoài Trung Quốc do các nhà thám hiểm Trung Quốc ghi lại, mở rộng tầm nhìn về địa lý của Trung Quốc.

 

Chứ còn bản đồ của đế chế Trung Hoa Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ phát hành năm 1894, lãnh thổ Trung Quốc ở cực nam chỉ mở rộng đến đảo Hải Nam. Quyển Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu (tức Hải Nam -TQ), ở vĩ tuyến 18o13 Bắc”.


Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Internet.

Trung Quốc chỉ thực sự mưu tính khẳng định quyền của họ tại Hoàng Sa từ năm 1909, sau khi giật mình trước việc người Nhật Bản hai năm trước đó đưa ra yêu sách đối với Đông Sa, rồi tuyên bố sáp nhập vào Đài Loan. Một số nỗ lực gián đoạn của người Trung Quốc các thời kỳ sau này chỉ chứng tỏ sự muộn màng của Trung Quốc can dự vào Biển Đông Nam Á mà thôi. Ngay cái bản đồ mơ mơ hồ hồ về đường lưỡi bò 9 đoạn mà họ rêu rao là được công bố năm 1947 – so với Đại Nam nhất thống bản đồ do Vương triều nhà Nguyễn Việt Nam công bố khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam ở phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam – thì cũng đã chậm tới 109 năm. Thậm chí còn chậm hơn 300 năm, nếu kể từ thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên của nhà nước Đại Việt (1613-1635) hàng năm đưa chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa). Một tài liệu cổ là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn năm 1776 mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa và đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền Đại Việt bằng cách thường xuyên cử các đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải ra các đảo ngoài khơi bờ biển Trung Nam Bộ Việt Nam khai thác biển và xác lập chủ quyền Đại Việt.

Nói thêm về cái đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đang sử dụng để khẳng định chủ quyền của họ đối với 80% Biển Đông. Nếu theo đòi hỏi này, biển miền trung Việt Nam mất tới ¾ và biển miền Nam mất tới 2/3. Có người nhận xét: Hóa ra, theo đòi hỏi của Trung Quốc, lội biển ra đến đầu gối đã là lãnh hải Trung Quốc(!). Còn Philippines, cách Hải Nam 2000 km, mà đường lưỡi bò liếm sát bờ biển, đến mức Tổng thống nước này thốt lên, từ mấy nghìn hòn đảo, nước ông có thể chỉ còn vài chục hòn đảo. Đòi hỏi tới mức ấy là quá tham lam. Đó là ăn người chứ đâu “cùng thắng”. Trung Quốc thường phê phán chủ nghĩa thực dân đế quốc đè nén Trung Quốc áp bức hàng thế kỷ. Ngày nay, Trung Quốc đang áp dụng “ngoại giao pháo hạm”, dùng thuyền to súng lớn áp đặt đòi hỏi chủ quyền, như lời nhận xét của một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc “đụng một chút là hô hào bắn bắn giết giết”. Còn đâu “thế giới hài hòa” và “cùng tồn tại hòa bình”?

Nhân đây lại nhớ đến mấy chuyện. Trong hai cuộc hội thảo tại Hà Nội năm 2009-2010, một học giả Trung Quốc nhận xét rằng: Người Việt Nam các thế kỷ trước lấy đâu ra thuyền lớn mà ra hoạt động tại các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nói thế là nói bừa, thiếu hiểu biết lịch sử Việt Nam. Dân chài Việt Nam cũng như dân chài Hải Nam vẫn dùng thuyền tam bản hoặc thuyền nan ra khơi đánh bắt hải sản, đến tận Hoàng Sa. Nhưng công nghệ đóng tàu thuyền của các vương triều Việt Nam, đặc biệt Đàng Trong, thế kỷ 16-17-18 đã rất phát triển nhờ tiếp thu kỹ thuật đóng tàu Tây phương. Các sử gia phương Tây đề cập đến một số trận hải chiến giữa hạm đội Hà Lan và thủy quân của Chúa Nguyễn 1643-1644. Các sự kiện này chứng tỏ Việt Nam đã có lực lượng hải quân hiệu quả và rất chú trọng việc kiểm soát biển. Thuyền buôn Việt Nam thời đó đi lại giao thương buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác đâu có xa lạ gì.

Lại nói, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường khẳng định chung chung rằng rất nhiều di vật tìm thấy trên các đảo đều chứng minh rằng Tây Sa và Nam Sa “từ lâu đời đã là lãnh thổ Trung Quốc”. Về điều này, một giáo sư người Nga nhận xét, thế thì nếu người ta tìm một bình rượu của Napoleon ở thủ đô nước Nga hóa ra Moscow là thuộc lãnh thổ Pháp ư!

Trăm lời nói hay về đạo lý không bằng một việc làm đúng đạo lý. Sự thật lịch sử giản dị như chân lý vậy./.

Xuân Nghi

RELATED ARTICLES

Tin mới