Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaHãy minh bạch: Chính quyền Trung Quốc không phải là dân tộc...

Hãy minh bạch: Chính quyền Trung Quốc không phải là dân tộc Trung Hoa!

Dân tộc Trung Hoa và chính quyền đương thời quả thật không thể được đánh đồng, chính vì không phân biệt được rõ ràng nên người dân Đại lục đã chịu biết bao khổ cực.

Phân biệt rõ dân tộc Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có thể khiến thế giới ứng xử hợp tình hợp lý hơn, cũng lại có thể khiến người dân Trung Hoa dần nhận ra bản chất của ĐCSTQ mà tự mình đứng dậy tìm lại huy hoàng.

Văn minh 5.000 năm và kẻ cầm quyền không hợp pháp 100 tuổi

Văn minh Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Còn ĐCSTQ thành lập năm 1921, tính đến nay chưa tới 100 năm.

 ĐCSTQ ra đời không phải là “theo thiên ý” (quân quyền thần thụ), cũng không phải là từ bầu cử dân chủ. Để duy trì tính hợp pháp của sự thống trị, trong lịch sử tồn tại của mình ĐCSTQ luôn tuyên truyền cố gắn mình với dân tộc để lợi dụng tinh thần yêu nước của người dân. 

Khi Mao Trạch Đông chết, rất nhiều người Trung Quốc đã khóc cay đắng trước chân dung của Mao và tự hỏi “Không có Mao Chủ tịch, Trung Quốc sẽ ra sao?”. Mấy chục năm sau ĐCSTQ lại phát động một đợt tuyên truyền mới làm cho nhân dân một lần nữa lại lo lắng tự hỏi: “Không có Đảng Cộng sản thì Trung Quốc sẽ ra sao?”.

Trung Quốc đã trải qua 5.000 năm lịch sử của rất nhiều triều đại mà không có ĐCSTQ. Thực tế, không có một đất nước nào trên thế giới ngừng phát triển xã hội chỉ vì sự sụp đổ của một thể chế nào đó. Tuy nhiên sau hàng thập kỷ dưới sự thống trị của ĐCSTQ, các đường lối chính trị của ĐCSTQ có mặt ở khắp mọi nơi đã làm cho nhân dân không còn có thể nhận thức được cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có ĐCSTQ.

Tuy nhiên, không có Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã không sụp đổ. Vậy nếu không có ĐCSTQ, Trung Quốc có sụp đổ không?

Trung Quốc xưa coi văn hóa Thần truyền là bảo vật, ĐCSTQ phá hoại văn hóa Thần truyền

Trung Quốc từng được gọi là mảnh đất Thần Châu, văn hóa Trung Quốc từng được cho là do Thần truyền thụ, sự uyên thâm của các triết lý Đạo gia, Nho gia và sau này là Phật gia đặt nền móng cho nền văn hóa huy hoàng và ngày nay vẫn còn được nhiều quốc gia lân cận giữ gìn trong văn hóa của mình. Tam giáo đã từng đưa triều đại nhà Đường (618 – 907) lên đến đỉnh cao của thời thịnh thế.

 Mặc dù đất nước Trung Quốc đã trải qua nhiều lần biến động bởi chiến tranh, nhưng nền văn hóa Trung Quốc đã cho thấy một sức sống mãnh liệt, và tinh hoa của nó đã liên tục được truyền lại cho đời sau. Sự hòa hợp giữa trời và người (thiên nhân hợp nhất), niềm tin ở hiền gặp lành và ác giả ác báo (thiện ác hữu báo), hay những khái niệm như Trung, Hiếu, Tiết là tiêu chuẩn làm người trong xã hội, và những đức hạnh như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã đặt nền tảng đạo đức cho mỗi người và toàn xã hội.

Với những nguyên tắc này, văn hóa Trung Hoa xưa trọng điểm là thể hiện ra sự thành thật (Chân), lương thiện (Thiện), hòa ái và bao dung (Nhẫn). 

7 điểm phân biệt Trung Hoa và chính quyền Trung Quốc

Tranh vẽ Hiên Viên Hoàng Đế – người được xem là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa. Ảnh chụp màn hình Youtube.

Nhưng sau khi Trung Cộng cướp chính quyền, ĐCSTQ làm ra những việc như phản cánh hữu đàn áp những tinh anh văn hóa, Cách mạng Văn hóa hủy diệt văn hóa truyền thống, hủy diệt văn vật. 

Thâm hiểm và hèn hạ hơn, ĐCSTQ còn lạm dụng, lén lút thay đổi văn hóa truyền thống, cố ý làm nổi bật những phần đồi bại trong lịch sử của Trung Quốc, những điều xảy ra khi con người ta xa rời các giá trị truyền thống, như tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình hoàng tộc, việc sử dụng các thủ đoạn và âm mưu, và việc thực hiện chế độ độc tài, chuyên quyền. Từ đó khiến người ta khi nhìn ra bản chất bạo lực, gian xảo của ĐCSTQ thì lại cho rằng đó cũng là kế thừa từ lịch sử Trung Hoa đầy tật đố và tranh đấu.

Có người nói văn hóa là huyết mạch của dân tộc, văn hóa không còn thì dân tộc đó danh tồn thực vong (chỉ còn cái danh mà thực chất dân tộc đã không còn). Khi tinh hoa văn hóa của dân tộc đã không còn, thì mạch máu sinh mệnh của dân tộc cũng đi đến bước tuyệt diệt.

 Người Trung Hoa dùng chính đạo để trị quốc, ĐCSTQ dùng bạo lực và lừa dối

Các quân vương Trung Hoa cổ đại trị quốc đều có tham khảo những cuốn sách như “Dịch kinh”, “Đạo đức kinh” hay “Luận ngữ”… để làm đạo lý trị quốc. “Dịch kinh” là học thuyết thể hiện mối liên hệ giữa Trời và người, dạy người thuận theo đạo Trời mà hành xử, đức dày tải vật. “Đạo đức kinh” giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo và Đạo thuận theo tự nhiên”. “Luận ngữ” giảng về Trời, đất, quân vương, quân sư, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín.

Hoàng đế và quan lại chân chính trong văn hóa truyền thống đều hiểu vị trí của mình là để dẫn dắt dân chúng đi theo chính đạo, giúp dân có đời sống thịnh vượng, thiện lương. Người trị quốc hợp đạo đều phải hiểu “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quan trọng nhất, sau đó là đất nước, cuối cùng mới là vua).

Còn ĐCSTQ đã dựng lên chế độ thống trị bằng khủng bố thông qua con đường “bạo lực cách mạng”. Lần lượt từng giai cấp đều bị ĐCSTQ “động tới”. Chỉ ba tháng sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ đã thực hiện cải cách ruộng đất tiêu diệt giai cấp địa chủ. Nhưng những chủ nhân mới của đồng ruộng sau đó cũng chẳng trở thành chủ nhân thực sự. Nông sản được thu mua theo hệ thống thống nhất trên toàn quốc, do đó những sản phẩm này không được đưa ra thị trường để trao đổi. Thêm vào đó ĐCSTQ đã thiết lập một hệ thống đăng ký hộ khẩu nhằm ngăn cản việc nông dân đi đến các thành thị để tìm việc và sinh sống. Những người bị phân loại là dân nông thôn không được phép mua thóc lúa tại các cửa hàng của nhà nước và con cái của họ cũng bị cấm, không được đi học ở thành phố. 

Sau đó lại đến cải cách công thương để tiêu diệt giai cấp tư sản dân tộc sở hữu nhiều tài sản. Trong lúc thực thi các “phong trào cải cách” này, ĐCSTQ sử dụng nhiều chiến lược như đàn áp phản cách mạng, cải tạo tư tưởng, chiến dịch Tam phả, Ngũ phản và thanh trừng những người “phản cách mạng”.

Năm 1956, Mao Trạch Đông lấy cảm hứng từ “Sự kiện Hungary” kêu gọi các nhà trí thức Trung Quốc giúp Đảng chỉnh đốn. Cuộc vận động này được gọi là “vận động trăm hoa”, với khẩu hiệu “trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận”, với mục đích nhử những “phần tử chống Đảng” lộ diện. Trong bức thư của ông ta gửi các lãnh đạo Đảng cấp tỉnh năm 1957, Mao Trạch Đông đã nói ra ý định của mình là “dụ rắn ra khỏi hang”. Không lâu sau đó ĐCSTQ khởi xướng một cuộc đấu tranh “chống cánh hữu”, tuyên bố 540 nghìn người mà đã dám bày tỏ quan điểm của mình là “cánh hữu” và tiến hành bắt bớ, đàn áp họ.

 Năm 1966, Cách mạng Văn hóa đã trở thành một thảm kịch với lý luận: “Người tốt đánh người xấu là đích đáng. Người xấu đánh người xấu là vinh dự. Người tốt đánh người tốt là hiểu nhầm” của Mao Trạch Đông. 

Trong hơn 20 năm liên tục đàn áp tàn khốc Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân ra mật lệnh: “Đánh chết không có tội, đánh chết được coi là tự sát”, “Không tra thân phận, trực tiếp hỏa thiêu”; “Bôi nhọ danh dự, vắt kiệt kinh tế, hủy hoại thể xác”. Hơn thế nữa còn một tay che Trời khi cho phép cưỡng bức mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công, nghịch thiên phản đạo vượt quá bao kẻ tà ác trong lịch sử, được coi là “Tội ác xưa nay chưa từng có trên hành tinh này”.

Từ năm 1949 đến nay, đàn áp phản cách mạng, cải cách ruộng đất, tam phản, ngũ phản, cải tạo công thương, trấn áp tôn giáo, nạn đói, phá tứ cựu, Đại Cách mạng Văn hóa, Lục Tứ (cuộc thảm sát ngày 04 tháng 06), bức hại Pháp Luân Công… đã giết hại biết bao người Trung Quốc.

Giết người và tẩy não đã được sử dụng đồng thời để đàn áp bất cứ niềm tin trái ngược nào với ĐCSTQ. Họ cố gắng tiêu diệt những người bất đồng chính kiến và các tầng lớp xã hội đối lập, sử dụng bạo lực và lừa dối để bắt toàn thể nhân dân Trung Quốc trở thành những đầy tớ trung thành và ngoan ngoãn dưới ách nô dịch tàn bạo.

 

Văn hóa Trung Hoa có đức tin hướng thiện, ĐSCTQ miệng nói vô thần nhưng thần thánh hóa lãnh tụ

Văn hóa truyền thống Trung Quốc là tin Thần, bái Thần lễ Phật, thờ cúng Trời đất, Thiên nhân hợp nhất. Tam giáo bổ sung và dung hòa nhau. Thiện của Phật gia, Chân của Đạo gia chỉ đạo con người tu luyện xuất thế; còn Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho gia là đạo đức và chuẩn tắc làm người.

Thế giới quan của Trung Quốc truyền thống là hữu Thần luận, tức là tin có sự tồn tại của Thần, vạn vật đều có linh, trên đầu ba thước có Thần linh. Hơn nữa Trung Quốc truyền thống còn tin rằng Thần tạo ra vạn vật, tin có Thiên đường địa ngục, thiện ác hữu báo, chuyển sinh luân hồi. Đó là xu hướng của hầu như tất cả các quốc gia văn minh ngày nay trên thế giới, đa số dân chúng đều có đức tin, và vì thế có thể ước thúc đạo đức, hành vi chuẩn mực, có lợi cho sự phát triển của xã hội.

Thế giới quan của ĐCSTQ là chủ nghĩa vô Thần, báng bổ Thần Phật, đấu Trời đấu đất, bức hại những người tu luyện chính đạo. ĐCSTQ cho đập phá các nhà thờ, lễ đường, tượng Phật, thay ảnh Đức Mẹ bằng ảnh chủ tịch nước… mồm nói vô thần nhưng lại thần thánh hóa lãnh tụ của mình.

Gần 100 năm tồn tại của chính thể này so với 5.000 năm văn vật của dân tộc Trung Hoa quả là nhỏ bé. 90 triệu đảng viên của chính thể này (tính đến 2017) so với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc lại càng nhỏ bé hơn. Bằng những chiêu thuật đánh đồng dân tộc với chính quyền, yêu nước là yêu đảng (ĐCSTQ), chính thể này đã tận dụng được sức dân, thế nước hùng mạnh của một dân tộc đã từng rất huy hoàng, nhưng đáng buồn thay lại dẫn dắt dân tộc đó tới chỗ biến dị đến kỳ cục khiến phần còn lại của thế giới cũng phải kinh ngạc.

Ngày nay người dân Trung Quốc đi ra thế giới phần lớn đều nhận được sự kỳ thị và dè chừng bởi thứ văn hóa méo mó của mình. Nhưng họ cũng là nạn nhân bởi đã sống và chịu đứng quá lâu dưới sự cai trị khắc nghiệt của ĐCSTQ. 

Có thể nói ĐCSTQ đã bắt cóc 1,4 tỷ dân làm con tin dưới trướng mình, nhưng cũng lại sợ nhất sức mạnh từ sự thức tỉnh của 1,4 tỷ dân này. Phân biệt rõ ràng người dân Trung Hoa và ĐCSTQ, có thể khiến thế giới đối xử công bằng hơn, vị tha hơn và có trách nhiệm hơn với vận mệnh dân tộc Trung Hoa. Cũng lại có thể khiến người dân Trung Hoa dần nhận ra bản chất của ĐCSTQ mà tự mình đứng dậy tìm lại huy hoàng.

RELATED ARTICLES

Tin mới