Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ trao giải cho chuyên gia tham gia phát triển tên lửa...

TQ trao giải cho chuyên gia tham gia phát triển tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Cự Lang 3

Nghiên cứu phát triển tên lửa Cự Lang 3 (JL-3) nằm trong danh sách 10 đề cử nhận Giải thưởng Quốc gia về Sáng chế Nổi bật. Giải thưởng Quốc gia về Sáng chế Nổi bật được hình thành từ năm 2017 và tổ chức 3 năm một lần. Những cá nhân và tổ chức nhận giải trong năm 2017 liên quan đến công trình nghiên cứu về hệ thống vệ tinh BeiDou, tên lửa Long March-5…

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết nghiên cứu phát triển tên lửa JL-3 nằm trong danh sách 10 đề cử nhận Giải thưởng Quốc gia về Sáng chế Nổi bật. Trung Quốc chưa từng xác nhận chính thức việc phát triển tên lửa JL-3, nhưng Hải quân Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa này.

Theo giới truyền thông, Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-3 với tầm bắn hơn 12.000 km, có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ từ Trung Quốc. Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa này trong năm 2018 và 2019. Tên lửa JL-3 ước tính có thể phối hợp với tàu ngầm thế hệ mới Lớp 096 trong năm 2025. Trong cuộc thử nghiệm gần đây nhất, vào tháng 12/2019, Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm hạt nhân Lớp 094. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc dự định trang bị JL-3 cho tàu ngầm lớp 096 và quá trình này có thể mất vài năm để hoàn thiện. Tên lửa tiền nhiệm của JL-3 là JL-2 có tầm bắn 7.400 km, được triển khai trên tàu ngầm hạt nhân Lớp 094A, dành cho hoạt động tuần tra trong năm 2015. Vũ khí này là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sở hữu năng lực hạt nhân trên biển.

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang sở hữu đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược (mang tên lửa đạn đạo liên lục địa) gồm bốn chiếc thuộc dự án 094/094G, được trang bị tên lửa đạn đạo 3 tầng nhiên liệu rắn Cự Lang 2 (JL-2) – loại tên lửa cũng được coi là mới phát triển thành công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xuất hiện một tổ hợp các tàu ngầm thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược thực sự có khả năng hoạt động tác chiến, bởi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 được đưa vào biên chế trong những năm 1980 có lẽ mới chỉ là tàu ngầm thử nghiệm công nghệ.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc tìm mọi cách phát triển JL-3 là do: (1) Thứ nhất là tên lửa đạn đạo JL-2 thiếu tin cậy. Cho dù trên thực tế, JL-2 có tầm phóng khá lớn (được cho là khoảng từ 7.400-8.000 km), nhưng khả năng sử dụng nó để ngăn chặn Mỹ vẫn còn hạn chế, bởi độ tin cậy và khả năng dẫn đường của JL-2 bị giới chuyên gia đánh giá là quá kém. Thêm vào đó, công nghệ nén nhiên liệu của Trung Quốc còn hạn chế nên kích thước và trọng lượng của tên lửa quá lớn. Việc thử nghiệm JL-2 là một quá trình dài, kèm theo nhiều thất bại và chậm trễ. Một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng đến mức nó suýt dẫn đến thảm họa đánh chìm tàu ngầm phóng thử khi nó rơi ngược trở xuống làm tàu hỏng nặng. Chương trình JL-2 chỉ đạt được bước đột phá và vượt qua khủng hoảng vào năm 2012. Tuy nhiên, giới quân sự nước này không hề đặt trọn sự tin tưởng vào loại tên lửa đạn đạo này. (2) Thứ hai là tầm phóng của JL-2 quá ngắn. Căn cứ và khu vực tác chiến của tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trung Quốc nằm trong khu vực Biển Đông. Đây là khu vực thích hợp nhất để tuần tra các vùng biển gần Trung Quốc. Đối với những loại tàu này, lối ra Thái Bình Dương từ các vùng biển ven bờ sẽ là một vấn đề nan giải khi tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải vượt qua những eo biển hẹp nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng tác chiến chống ngầm rất mạnh của Mỹ và Nhật Bản.

Theo chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Lý Kiệt, năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể một khi tên lửa JL-3 đạt tới tầm bắn thiết kế. Bên cạnh đó, các ICBM phóng từ trên mặt đất của Trung Quốc có tầm bắn 12.000 km. Với tầm bắn này, tên lửa Trung Quốc có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Mỹ chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Ông Lý Kiệt  cho rằng, nếu Trung Quốc có thể cải tiến khả năng tấn công của JL-3, Bắc Kinh sẽ nắm thêm ưu thế mặc cả trong các vấn đề quân sự, chính trị và kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự ở Hong Kong Tống Trung Bình nhận định, trong vòng 4 năm tới, Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu trên bởi đây là khoảng thời gian các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đi vào hoạt động. Đây cũng là lúc tên lửa JL-3 đạt được tầm bắn như thiết kế. Trung Quốc chỉ muốn chứng minh năng lực phòng thủ hạt nhân quốc gia. Trung Quốc sẽ không tham gia cuộc đua vũ trang với Nga và Mỹ bằng cách phát triển hàng ngàn đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đắt đỏ. Cũng theo ông Tống Trung Bình, Bắc Kinh sẽ chỉ phát triển số lượng ít SSBN và SLBM bởi mục tiêu chính của Trung Quốc là đảm bảo quân đội có khả năng phản công hạt nhân hùng mạnh và hiệu quả nhất trong trường hợp quốc gia bị vũ khí hạt nhân tấn công. Ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh nhấn mạnh, có thể Trung Quốc sẽ không bắt kịp về số lượng nhưng quốc gia này sẽ tập trung vào nâng cấp công nghệ để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nga trong lĩnh vực tàu ngầm hạt nhân và tên lửa. Tên lửa JL-13 có thể tấn công Mỹ dù không phải là mọi khu vực trên lãnh thổ Mỹ.Trên thực tế, Nga và Mỹ đã nắm trong tay những công nghệ tối tân hơn trang bị cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hải quân Mỹ sở hữu 18 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio với 14 chiếc có khả năng mang theo 24 tên lửa Trident I. Song Mỹ cũng đang phát triển các tàu ngầm tối tân hơn lớp Columbia với khả năng mang theo 16 tên lửa hiện đại nhất Trident II. Còn hải quân Nga đang vận hành 10 tàu ngầm hạt nhân và 3 trong số tàu ngầm lớp Borei thế hệ mới có thể mang theo 16 tên lửa Bulava trên mỗi tàu.

RELATED ARTICLES

Tin mới