Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông TQ lại giở trò mèo với Nepal, Kyrgyzstan và Kazakhstan

Truyền thông TQ lại giở trò mèo với Nepal, Kyrgyzstan và Kazakhstan

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục khiêu khích, gây hấn ở Biển Đông, Hoa Đông và khu vực biên giới với Ấn Độ. Trong một động thái mới, truyền thông Trung Quốc lại đang “chĩa mũi rìu” dư luận vào Nepal, Kyrgyzstan và Kazakhstan.

Theo đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng đỉnh Everest “nằm trong vùng tự trị Tây Tạng của Trung Quốc”. Thông điệp này sau đó đã được xóa và thay bằng nội dung đỉnh Everest “nằm tại biên giới Trung Quốc – Nepal”. Không những vậy, China Daily (11/5) còn ngang nhiên cho biết một nhóm nhà leo núi Trung Quốc đang chuẩn bị lên đỉnh núi Everest theo lối leo núi có sẵn nếu điều kiện thời tiết cho phép. Nhóm này có nhiệm vụ đo đạc và xây dựng một tuyến đường leo lên đỉnh Everest từ hướng Bắc. Đã có một tuyến đường leo lên đỉnh Everest được xây dựng ở hướng Nam và do Nepal quản lý. Các chuyên gia và nhà leo núi thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và đội leo núi quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu chuyến leo núi để đo độ cao của đỉnh Everest đã được Trung Quốc khởi động từ ngày 30/4. Được biết, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nepal liên quan tới đỉnh Everest bắt đầu vào những năm 1960. Khi đó, Thủ tướng Nepal Bishweshwar Prasad Koirala tuyên bố chủ quyền với đỉnh núi này trong chuyến thăm tới Trung Quốc. Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là từng đề nghị chia đôi Everest thành 2 nửa, phần phía Nam thuộc về Nepal trong khi phía Bắc do Trung Quốc quản lý. Ngoài ra, Bắc Kinh đề xuất đổi tên đỉnh Everest thành núi hữu nghị Trung Quốc-Nepal. Hành động trên của truyền thông Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Nepal.

Không chỉ nhận vơ chủ quyền đối với đỉnh Everest của Nepal, truyền thông Trung Quốc cũng gây ra những tranh cãi về chủ quyền với nhiều nước láng giềng như Mông Cổ, Kyrgyzstan hay Kazakhstan. Trang Tuotiao.com, trụ sở ở Bắc Kinh, gần đây đăng bài viết có tựa đề “Tại sao Kyrgyzstan không quay về với Trung Quốc sau khi độc lập?”. Bài viết giải thích rằng thời Đế quốc Mông Cổ, 510.000 km vuông của Kyrgystan (tương đương toàn bộ lãnh thổ nước này) là một phần lãnh thổ Trung Quốc nhưng bị đế quốc Nga chiếm giữ. Bài viết cho rằng cũng như Mông Cổ, Kyrgystan từng là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi đó, trang Sohu.com (cũng đặt trụ sở ở Bắc Kinh) cũng cho đăng bài viết có tựa đề: “Tại sao Kazakhstan háo hức quay về với Trung Quốc?”, trong đó có nội dung cho rằng “Kazakhstan nằm trên phần lãnh thổ mà trước đây thuộc về Trung Quốc”. Trước những tuyên truyền lố bịch, nhận vơ chủ quyền của Trung Quốc, Chính phủ Kazakhstan (14/4) đã triệu Đại sứ Trung Quốc Zhang Xiao đến để phản đối nội dung này.

Được biết, Trung Quốc là một trong những quốc gia có bộ máy tuyên truyền, định hướng thông tin, dư luận đồ sộ, hoạt động nhất quán. Trung Quốc sử dụng tuyên truyền như một mặt trận, thậm chí một “phương thức đấu tranh”, nhằm tạo ra những lợi thế về nhận thức trong dư luận, hỗ trợ cho các mặt trận thực địa, quân sự, pháp lý và ngoại giao của nước này nhằm xâm chiếm chủ quyền của các nước láng giềng.

Quy trình quản lý và triển khai cho thấy sự tập trung và thống nhất với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của chính quyền. Hạt nhân của bộ máy tuyên truyền ở Trung Quốc là Ban Tuyên truyền trung ương Đảng (PD-CCP) nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Đây được coi là cơ quan hạt nhân chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình tuyên truyền cả trong nước và ra nước ngoài của Trung Quốc. Các Trưởng, Phó Ban của PD-CCP đều là những thành viên kiêm nhiệm, vừa đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong PD-CCP là kênh Đảng, đồng thời vừa đảm nhiệm các vị trí như Bộ trưởng, Thứ trưởng của các bộ ngành liên quan. Điều này tạo ra cơ chế kép “Đảng – Chính quyền” trong quá trình triển khai chính sách tuyên truyền của Trung Quốc.

Xét về tuyên truyền đối ngoại, Ban Tin tức Quốc vụ viện (SCIO) với tên gọi khác là Ban tuyên truyền đối ngoại TW Đảng thuộc Quốc vụ viện nhưng nằm dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên truyền TW Đảng là cơ quan đầu não trong giám sát thực thi và chỉ đạo hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc. Ngoài ra, những chủ thể quan trọng trong bộ máy tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc còn có Tổng cục Xuất bản Tin tức Trung Quốc, Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia, Tổng cục Phát thanh – Truyền hình Quốc gia. Các cơ quan cấp Bộ phối hợp về mặt nội dung còn có Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục, Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin,…

Về cơ chế tuyên truyền, để tạo được sự thống nhất trong tuyên truyền từ trung ương xuống địa phương và từ chính phủ đến các bộ ban ngành, hay nói cách khác là cơ chế kép trong tuyên truyền, từ năm 2004, Trung Quốc thực thi cơ chế “ba tầng tin tức” và cơ chế “người phát ngôn”. Cơ chế “ba tầng tin tức” là để chỉ tầng tin tức từ Quốc vụ viện, tầng tin tức từ các bộ ban ngành và tầng tin tức chính quyền địa phương; tương tự như vậy, các bộ ban ngành và các tỉnh thành của Trung Quốc đều thiết lập cơ chế “người phát ngôn” để thống nhất tiếng nói của Đảng. Ban Tin tức Quốc vụ viện là cơ quan hạt nhân nắm giữ vai trò điều phối cơ chế 3 tầng và cơ chế người phát ngôn này. Chính nhờ cơ chế này mà Trung Quốc có sự thống nhất trong tuyên truyền từ Đảng cho đến chính phủ và đến các bộ ban ngành và địa phương, rồi ra đến các cơ quan nghiên cứu, truyền thông, báo chí.

Hiện nay, cách thức tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc rất đa dạng, nhiều cấp độ hướng đến nhiều tầng lớp và bao trùm lên quảng đại người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Để làm được điều đó, Trung Quốc rất kiên trì và nhất quán trên mặt trận thông tin, sẵn sàng đầu tư lớn để kiểm soát các nền tảng truyền thông đại chúng. Về cách làm, Trung Quốc sử dụng nhiều nguồn phát cả chính thức và không chính thức, cả Trung Quốc và quốc tế, thông qua nhiều phương tiện, công cụ khác nhau để kể “câu chuyện của Trung Quốc” cho nhiều đối tượng khác nhau. Có thể kể đến các kênh tuyên truyền sau đây:  Báo, tạp chí nghiên cứu, ấn phẩm in hiện nay vẫn là một trong những kênh tuyên truyền truyền thống phổ biến nhất của Trung Quốc. Phát thanh, truyền hình vẫn là một kênh được đầu tư lớn. Hiện nay ở Trung Quốc có 187 đài truyền hình và 2.269 đài phát thanh và truyền hình bao phủ rộng khắp 98,88% cả nước Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư lớn đến thiết lập hệ thống truyền hình quốc tế kết hợp TV và radio thành kênh hợp nhất. Kênh internet, gồm các websites, mạng xã hội như Weibo, Weixin,… cũng trở thành những công cụ tuyên truyền hết sức nhanh chóng và tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân của Trung Quốc. Theo thống kê, hiện nay ở Trung Quốc người dùng di động truy cập tin tức qua Weixin chiếm 35% và qua Weibo chiếm đến 20%. Do đó, việc lan toả tin tức “chủ quyền” qua những trang mạng xã hội này trở nên phổ biến, không những thế, những ứng dụng mạng xã hội này ở Trung Quốc có quy trình kiểm soát thông tin bên ngoài chặt chẽ do đó tránh được những luồng tin từ nước ngoài lan toả ở Trung Quốc cũng như có sự thống nhất trong luồng thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới ở Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” thông qua nhiều dạng sản phẩm, hoạt động và sự kiện như thông qua các hội thảo quốc tế, hội chợ du lịch, sự kiện thể thao, thông qua các triển lãm, cuộc thi, các chuyến thăm quan, các tác phẩm phim ảnh, nghệ thuật… Tại các hội thảo trong nước và quốc tế, Trung Quốc vẫn tận dụng vai trò chủ nhà, vai trò nhà tài trợ để định hình chương trình nghị sự, nắm vai trò dẫn dắt để tuyên truyền về “chủ quyền” theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới