Sunday, October 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTình hình Hong Kong nóng trở lại khi hàng nghìn người dân...

Tình hình Hong Kong nóng trở lại khi hàng nghìn người dân xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh, báo hiệu diễn biến phức tạp

Bắt đầu ngày 24/5, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất, khiến cảnh sát phải phun hơi cay để giải tán, song bất thành. Tình hình khiến dư luận nhớ lại những phức tạp xảy ra cách đấy ít lâu khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Sự tức giận, lo ngại của người dân dẫn đến biểu tình

Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong hôm nay tập trung tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền. “Mọi người có thể bị truy tố hình sự chỉ vì lời nói hoặc vì công khai phản đối chính quyền”, người biểu tình Vincent, 25 tuổi, nói. “Tôi nghĩ người Hong Kong rất thất vọng vì chúng tôi không nghĩ điều này đến quá nhanh và quá lỗ mãng như vậy. Nhưng chúng tôi không ngây thơ đến mức tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đơn giản ngồi không và không làm gì. Mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn ở đây”. Đến 14h (13h giờ Hà Nội), người biểu tình chiếm đường Gloucester, trong khi những người khác giơ biểu ngữ phản đối và trưng cờ Mỹ. Những người khác phản đối cảnh sát chống bạo động, la hét “Độc lập Hong Kong. Con đường duy nhất”.

Giao thông tại đường Hennessy bị chặn sau khi người biểu tình đổ ra đường. Nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong, người có mặt tại hiện trường, cho biết đã lên kế hoạch đấu tranh và tiếp tục vận động để được hỗ trợ từ nước ngoài. “Khi Bắc Kinh tuyên bố dự luật, đã đến lúc phải chống lại”, Wong nói. Nhà hoạt động Tam Tak-chi đã bị bắt bên ngoài cửa hàng bách hóa Sogo ở Vịnh Causeway. Tam nói rằng ông đang “đối thoại y tế” và có y tá góp mặt, không vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người do Covid-19, song cảnh sát khẳng định Tam tổ chức tụ tập trái phép và bắt ông. “Đấu tranh cho tự do! Đứng với về phía Hong Kong!”, Tam hô vang khi bị bắt đi. Sau khi Tam bị bắt, hơn 100 người đã tụ tập bên ngoài Sogo, hô “Độc lập Hong Kong là lối thoát duy nhất!”.

Xu hướng phản đối của người dân leo thang

Cảnh sát chống bạo động sau đó phun hơi cay vào người biểu tình, buộc họ phải giải tán. Một số người ném đồ vật, bao gồm ô, vào cảnh sát. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra theo mô hình tương tự nhiều cuộc biểu tình năm 2019. Trước đó một ngày, cảnh sát khuyến cáo người dân không tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập trái phép nào, cho hay họ đã huy động đủ sĩ quan để hành động quyết đoán. Các nhóm cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ đã bắt đầu tập trung tại các địa điểm gần cửa hàng bách hóa trước buổi trưa.

Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật

Biểu tình diễn ra hai ngày sau khi dự luật an ninh được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, nói rằng nó đi ngược lại mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, “gây nguy hiểm cho quyền và tự do” tại đây. Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.

Maria Tam, cố vấn luật Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc, hôm qua khẳng định lực lượng thực thi pháp luật của đại lục sẽ không hoạt động ở Hong Kong nếu không có “sự chấp thuận” của chính quyền địa phương. “Tôi không lo lắng việc bất kỳ ai bị cảnh sát từ đại lục bắt và đưa về Trung Quốc để điều tra hoặc xử phạt”, Maria Tam nói. “Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra”. Dự luật dự kiến được thông qua vào 28/5, ngày bế mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền xây dựng luật an ninh chi tiết và ban hành ở Hong Kong mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong. Hội đồng Lập pháp sẽ thảo luận dự luật an ninh vào ngày 27/5.

Các quốc gia thể hiện quan ngại về động thái của TQ

Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh và EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong. Các nước kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền, tự do cũng như quyền tự trị cao của Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phản ứng cứng rắn” nếu Trung Quốc ban hành luật này. Trong khi đó,Trung Quốc cũng ra các tuyên bố lên án việc các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và khẳng định quyết tâm thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”. Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể đang muốn thổi bùng vấn đề Hong Kong lên để đánh lạc hướng dư luận khỏi các chỉ trích về dịch bệnh Covid-19.

Các thượng nghị sĩ Mỹ dự kiến đưa ra một bản đánh giá theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKDA), nhằm xem xét liệu thành phố còn đủ mức độ tự trị với Trung Quốc đại lục để được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt hay không.Trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ giúp Hong Kong không chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, cũng như là điều kiện quan trọng để đặc khu hưởng các ưu đãi thương mại khác. Nếu vị thế thương mại đặc biệt này bị hủy bỏ, một loạt tập đoàn, công ty có thể rời khỏi Hong Kong. Hôm 21/5, một số nghị sĩ Mỹ cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong, bởi hành vi này bị coi là “vi phạm trắng trợn” Tuyên bố chung Trung – Anh.

Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, Trung Quốc có thể đang đánh cược vào giả định rằng Covid-19 đã làm suy yếu khả năng, cũng như quyết tâm gây sức ép của cộng đồng quốc tế với họ về vấn đề Hong Kong. Nước Anh là ví dụ điển hình, khi họ vừa rời Liên minh châu Âu và ngày càng phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Những người biểu tình Hong Kong từng ngăn chặn được việc ban hành luật an ninh theo Điều 23 của Luật Cơ bản năm 2003, hay gây sức ép buộc chính quyền phải rút dự luật dẫn độ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, chưa rõ họ có thể làm gì để ngăn luật an ninh mới được quốc hội Trung Quốc ban hành. Dù một số nhà hoạt động Hong Kong tuyên bố sẽ lại tiếp tục kêu gọi biểu tình chống luật an ninh mới, bình luận viên Griffiths cho rằng khả năng thành công của họ là rất thấp. “Động thái của Bắc Kinh diễn ra giữa lúc Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV lây lan, đồng nghĩa với việc người dân sẽ e ngại tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ như năm ngoái”, Griffiths viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới