Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinTướng thân tín của ông Tập vấp phải "sóng ngầm" trong quân...

Tướng thân tín của ông Tập vấp phải “sóng ngầm” trong quân đội?

Trang Đa Chiều (Mỹ) đưa tin, trước thềm hội nghị đảng Trung Quốc lần thứ 5 khóa XVIII diễn ra vào tháng 10, giới phân tích đang chú ý đến những biến động trong quân đội nước này.

Tướng Lưu Nguyên tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2015. Ảnh: Chinanews.

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng đều đã “ngã ngựa” và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới tuyên bố mở ra cuộc “đại cải tổ” cắt giảm 300.000 quân hôm 3/9 vừa qua.

Trong cuộc cải cách của ông Tập, tiền đồ của Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục hậu cần quân đội Trung Quốc – nhân vật đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng trong quân đội Trung Quốc – nhận được nhiều sự quan tâm.

Học giả Trung Quốc Trương Mộc Sinh – cựu Giám đốc tạp chí Thuế vụ Trung Quốc – hôm 7/10 cho biết, ông thường bị giới quan sát hiểu lầm là “quân sư của Lưu Nguyên”.

“Tôi không phải là ‘quân sư’ của ông ấy. Lưu Nguyên trí tuệ hơn tôi nhiều. Ngay khi Lưu thấy Cốc Tuấn Sơn (cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần quân đội Trung Quốc) có vấn đề, ông ấy đã khẳng định 2 ‘hổ lớn’ (Quách, Từ) chắc chắn có vấn đề.

Lưu Nguyên từng 2 lần viết lời tựa cho sách của tôi, nhưng ông ấy viết sách còn hay hơn tôi nhiều,” Trương Mộc Sinh chia sẻ trên tờ Singtao Daily (Hồng Kông).

Trước đó, một số thông tin lan truyền tại Trung Quốc dẫn lời của ông Trương hồi đầu năm 2015 rằng “đối diện tình trạng kinh tế đi xuống, Trung Quốc có ‘một bộ bài tốt’, không thể cho phép kết thúc tồi tệ”, cáo buộc ông này “chỉ trích ông Tập Cận Bình”.

Đáp lại, Trương Mộc Sinh khẳng định: “Những người không đồng quan điểm cố ý lợi dụng phát ngôn của tôi để nhằm vào Lưu Nguyên, gây mâu thuẫn trong giới cầm quyền Trung Quốc.”

“Bởi đối diện với cuộc cải cách thể chế quân đội sắp tới, nhiều người e ngại Lưu Nguyên thăng tiến.” – ông cho biết.

Trương giải thích, sau khi Quách-Từ “ngã ngựa”, trong hệ thống quan chức thuộc quân đội Trung Quốc còn tồn tại không ít quan chức dính líu vào đường dây mua quan bán chức của 2 “hổ béo” này. “Đó là những người lo sợ Lưu Nguyên” – ông Trương nói.

Năm 2014, trước hội nghị đảng Trung Quốc lần 4 khóa XVIII, Trương Mộc Sinh từng khẳng định trong một bài diễn thuyết rằng tình trạng tham nhũng trong quân đội nước này không chỉ có Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn.


Ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố mở ra cuộc cải cách lớn đối với quân đội Trung Quốc, cắt giảm 300.000 quân nhân.

Ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố mở ra cuộc cải cách lớn đối với quân đội Trung Quốc, cắt giảm 300.000 quân nhân.

“Cánh tay phải” của Tập Cận Bình trong quân đội

Truyền thông Trung Quốc cho hay, trong giai đoạn Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu còn đương chức, tướng Lưu Nguyên gần như “đơn thương độc mã” thách thức Cốc Tuấn Sơn – thân tín trong đường dây Quách, Từ.

Lưu Nguyên được ghi nhận là “người hùng chống tham nhũng quân đội” khi vạch trần hiện trạng tham nhũng trong lực lượng vũ trang Trung Quốc và khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời trao cơ hội gia tăng kiểm soát đối với quân đội cho bộ máy lãnh đạo của ông Tập.

Tướng Lưu Nguyên không xuất thân từ quân đội Trung Quốc mà ông chỉ tham gia lực lượng này “giữa chừng”.

Đa Chiều đánh giá, tướng Lưu là cầu nối giữa Trung ương Trung Quốc và quân đội và có được sự tin cậy của Tập Cận Bình.

Trong danh sách những nhân vật “cốt lõi” của ông Tập mà tờ New York Times (Mỹ) nêu ra mới đây cũng có tên Lưu Nguyên. Ông được kỳ vọng phát huy hiệu quả lớn hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách quân đội nếu được bầu vào Quân ủy Trung ương tại hội nghị tháng 10.

Sau khi thông tin Bắc Kinh tiến hành cải cách trong quân đội được công bố, hãng Reuters (Anh) hồi cuối tháng 9 cho biết trong lực lượng vũ trang Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện những “cơn sóng” bất mãn đến từ các quân nhân lo bị “mất miếng cơm, manh áo”.

Báo Giải phóng quân Trung Quốc hôm 29/9 cứng rắn nhấn mạnh, “quyết định cắt giảm 300.000 biên chế quân đội đã được tuyên bố. ‘Nỗi đau cải cách’ và ‘hiệu ứng chấn động’ sẽ dần hiện hữu rõ rệt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới