Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam hứng ô nhiễm kép từ TQ: Do cơ chế

Việt Nam hứng ô nhiễm kép từ TQ: Do cơ chế

Việt Nam đang hứng ô nhiễm kép từ các nhà máy nhiệt điện đốt than không chỉ ở trong nước mà còn từ các nhà máy điện than Trung Quốc tràn sang.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp

Muốn có điện phải chịu ô nhiễm

Theo nhận định của PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ – Môi trường (ENTEC), nhu cầu về điện của Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh, nguồn điện năng từ các nhà máy nhiệt điện đốt than là rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà máy nhiệt điện trong cung cấp điện không thể tránh khỏi ô nhiễm khí thải. Đây là cái giá chúng ta phải đánh đổi khi sản xuất điện bằng đốt than.

Trong các nhà máy nhiệt điện mới của ta được xây dựng hầu hết cũng đã có đầu tư các thiết bị xử lý khí thải khá hiện đại như thiết bị lọc bụi tĩnh điện song vẫn không thể tránh khỏi ô nhiễm.

Hiện tại, đa phần các dự án nhiệt điện của ta đều đang sử dụng các công nghệ, thiết bị từ phía các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo đánh giá của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp, trên 50% các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam có sử dụng công nghệ của Trung Quốc, số còn lại là có sử dụng công nghệ của nước khác tiên tiến hơn.

Đánh giá chung về công nghệ của Trung Quốc, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, công nghệ và thiết bị của Trung Quốc thì lạc hậu hơn và tuổi thọ cũng thấp hơn so với các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Đức…  Công nghệ xử lý chất thải ra môi trường của Trung Quốc cũng không được triệt để. Do vậy, khí thải từ các nhà máy sử dụng công nghệ này cũng sẽ nhiều hơn và có chứa nhiều độc tố hơn.

Vậy vì sao các nhà thầu Trung Quốc luôn hiện hữu trong các dự án của ta? Đó là do cơ chế của ta khi thực hiện đấu thầu quốc tế, đấu thầu công khai nhưng không xét chọn tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.

 “Ta đã lựa chọn nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực là các nhà thầu Trung Quốc. Nếu xét về mặt công nghệ, công nghệ của Trung Quốc cũng thua kém, xét về mặt kinh tế, tôi càng cho là không đúng. Bởi sau khi trúng thầu các công trình xây dựng của ta, các nhà đầu tư Trung Quốc luôn trì trệ trong thực hiện dự án, hay tìm cách làm dự án của ta gặp rắc rối, hoặc viện đầy đủ các loại phát sinh và lý do để tăng giá. Xét cho cùng, cũng ngang giá so với các nhà thầu nước ngoài tiên tiến khác. Điều này ta đã chứng kiến biết bao lâu nay?

Tuy vậy, một số công trình ta bị ràng buộc về mặt kinh tế từ phía các nhà thầu Trung Quốc như định hướng cho ta vay tiền, ép thực hiện dự án. Điều này cũng ảnh hưởng tới cơ chế và quản lý của ta”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.

Bên cạnh đó, quản lý nhà máy nhiệt điện của ta cũng có vấn đề. Trước khi phê duyệt dự án đều đã có các báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường mới được triển khai. Nhưng nhiều nhà máy làm các báo cáo này đều rất đẹp, đầy hứa hẹn nhưng nếu buông lỏng kiểm tra thì khi phát hiện sự cố, ô nhiễm thì mới thành “việc đã rồi”.

Các hệ thống xử lý bụi như SO2, NOx… thì tiêu tốn nhiều năng lượng, phải tốn nhiều tiền. Do vậy, việc quản lý các hệ thống này còn phụ thuộc vào “cái Tâm” của người quản lý nhà máy. Những nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích trước mắt từ việc cho ngừng hệ thống xử lý này thì chắc chắn sẽ tìm cách để vi phạm và đồng thời gây ô nhiễm không thể kiểm soát cho môi trường ví dụ như ngắt thiết bị lọc vào ban đêm, thời điểm không có ai kiểm tra, kiểm soát, nâng cao cột khói để tăng phát tán, phát tán chậm hơn…

Cuối cùng, công trình dự án là của nhà nước hay được nhà nước phê duyệt để phục vụ nhân dân lại gây ô nhiễm và mình nhân dân phải gánh chịu. Không chỉ từ các nhà máy nhiệt điện của ta, một vấn đề quan trọng nữa mang tầm cỡ quốc gia mà chúng ta không thể xem nhẹ đó là việc tràn khí thải nhà máy điện than ở phía Đông Nam và Nam Trung Quốc tràn sang Việt Nam gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vùng biên giới. Đây là một vấn đề không mới song cũng nan giải.

Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện có nhiều loại khác nhau như NOx, SO2… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ hô hấp của con người, thậm chí có thể gây ung thư.

Trên thế giới, xu hướng chung ở các nước là xây dựng các nhà máy có thể gây ô nhiễm ở vùng biên giới. Không chỉ bởi địa hình mà nó còn ảnh hưởng đến yếu tố môi trường. Đó là các nhà máy của họ, nằm trên đất nước họ, việc can thiệp, kiện cáo, đề nghị, yêu cầu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và mang tầm cỡ quốc gia. Cũng phải nói thêm nữa ở đây là xu thế nước lớn nước nhỏ.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này nên việc can thiệp đối với chúng ta là một vấn đề khó. Giải pháp trước mắt ta có thể đưa ra là đàm phán, giao lưu nghiên cứu khoa học với nước bạn nhằm cảnh báo, đề nghị giảm thiểu, chú trọng ô nhiễm môi trường chung.

Đối với một số nước, nếu có kiện tụng từ các quốc gia láng giềng thì họ sẽ chấp nhận bồi thường. Song trong trường hợp của nước ta là Trung Quốc thì điều này là vấn đề thật khó.

Các biện pháp di dân, trồng rừng… cũng có thể cho là biện pháp mang tính đề phòng, song với một không gian rộng lớn bị tràn khí thải sang thì thực chất khó thể thực hiện hiệu quả.

Giảm ô nhiễm phụ thuộc vào cơ chế, quy hoạch

TS. Phạm Khang Tổng Thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam khẳng định: “Tất cả các nhà máy nhiệt điện mới và quy mô lớn ở Việt Nam mà tôi có tham gia dự án của họ đều được trang bị thiết bị lọc bụi tĩnh điện, là thiết bị đồng bộ với các thiết bị khác của nhà máy và có công suất là 90-95%, thậm chí lên 99%.”

Nếu các thiết bị đó hoạt động đúng công suất, đảm bảo đúng chế độ thì hoàn toàn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Nếu có ô nhiễm môi trường xảy ra thì thứ nhất là do sự cố, nhưng nhà máy vẫn hoạt động. Thứ hai là nhà máy không cho hoạt động thiết bị này. Song điều thứ hai là khó xảy ra.

“Anh không thể vận hành một nhà máy nhiệt điện đốt than mà lại không vận hành hệ thống lọc này bởi lượng bụi thải ra rất lớn”, TS. Phạm Khang cho biết.

Viet Nam hung o nhiem kep tu Trung Quoc: Do co che
Hệ thống lọc xử lý bụi tĩnh điện hoàn toàn có thể kiểm soát, quản lý được.

Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý được vận hành hệ thống này ở các nhà máy. Ống khói của các nhà máy nhiệt điện luôn có một hệ thống giám sát tự động hay còn gọi là giám sát online. Hệ thống này sẽ đo lượng bụi và một số các chất SO2, NOx… bằng tự động và sẽ có ghi chép lại. Nếu thanh kiểm tra, chúng ta hoàn toàn có thể biết được việc này.

Bên cạnh đó, nếu việc nhà máy không dùng hệ thống này thì ngay bằng mắt thường thì ta có thể nhận biết được bởi lượng bụi thải ra là cực lớn.

TS. Phạm Khang cũng cho biết, đối với các thiết bị và công nghệ của các nhà máy nhiệt điện đang và mới được xây dựng ở nước ta thì đa số là có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong quá trình thẩm định đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng của thì nhà đầu tư đều cam kết là sử dụng thiết bị công nghệ mới.

“Song việc họ có dùng thiết bị cũ để tân trang hay không là điều có thể xảy ra”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nhận định. “Điều này cần phải có sự vào cuộc quản lý của các lực lượng chức năng”.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng đưa ra một số giải pháp, đứng về mặt quy hoạch, chúng ta hoàn toàn có thể cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu song cần phải có quá trình, quy trình thẩm định giá nghiêm túc, thậm chí có thể sang nước bạn để xem xét công nghệ, thiết bị… Ngoài ra, nếu việc đấu thầu quốc tế công khai được lựa chọn tiêu chí chất lượng hay công nghệ đặt làm tiêu chí hàng đầu, thì ta có thể thoát khỏi cái mác nhà thầu Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực.

Việc quy hoạch nhà máy cũng cần phải được rõ ràng, cách xa khu dân cư và quản lý cũng phải thật nguyên tắc, không để tình trạng xây dựng chưa xong nhà máy đã bị nhân dân bức xúc, kiện cáo.

Bên cạnh đó, ngoài phát triển nhiệt điện đốt than, cũng cần nghiên cứu và phát triển hệ thống nhà máy phát điện khác đảm bảo nhu cầu điện trong dân bởi nếu chỉ chú trọng phát triển nhà máy điện đốt than và dù có sử dụng công nghệ nào thì chúng ta cũng sẽ khó thoát khỏi ô nhiễm.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhận xét, hiện tại, đối mặt với vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới từ phía Trung Quốc tràn sang Việt Nam, chúng ta chưa có cách nào để can thiệp với phía Trung Quốc bởi giữa hai nước chưa hề có một hiệp định về kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới nào, các nghiên cứu khoa học của chúng ta vẫn còn nặng về lý thuyết, các bằng chứng hệ thống quan trắc và số liệu quan trắc thực tế của ta còn chưa đầy đủ để chứng minh rằng khí thải này từ phía Trung Quốc tràn sang. Thậm chí nếu có chứng cứ thực tế để đưa ra tố cáo, chúng ta còn dễ bị tố cáo ngược lại.

Trong trường hợp có một hiệp định chung, vấn đề bụi, khí độc từ cả hai phía tràn sang nhau thì sẽ có cơ chế để đàm phán hai bên để đàm phán và xử lý. Ngoài ra, không có cách nào để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm này.

RELATED ARTICLES

Tin mới