Gần đây, Washington đã gióng hồi chuông cảnh báo hồi kết của chính sách tiếp xúc lâu nay của Mỹ đối với Trung Quốc. Không chỉ có người đứng đầu Nhà Trắng mà các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã có nhiều bài phát biểu “không khoan nhượng” đả phá Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hệ tư tưởng chuyên chế của Đảng độc quyền.
Sự kiện nóng nhất là hôm 21/7 vừa qua, Mỹ đã ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Houston. Washington đã cáo buộc Tổng lãnh sự quán Houston trong việc đẩy mạnh các nỗ lực gián điệp rộng lớn hơn của ĐCSTQ tại Mỹ. Hành động này đã khiến các nhà quan sát tuyên bố một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc đã khởi động.
Kể từ năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có cách tiếp cận chiến lược rõ ràng với Trung Quốc. Tuy nhiên, có sự linh hoạt về chiến thuật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi các điều kiện kinh tế trước đây và tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ tỏ thái độ cứng rắn chống lại Trung Quốc. Những hành động “điên cuồng” và những phát ngôn “tóe lửa” của chính quyền Mỹ đối với ĐCSTQ kể từ tháng 5/2020 không liên quan nhiều đến việc thúc đẩy cơ hội tái đắc cử của ông Trump. Dường như bước ngoặt ngoại giao của Washington hướng tới mục tiêu buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm trong việc lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy mưu đồ thống trị và phá vỡ cam kết quốc tế về Hồng Kông.
Các chính sách lớn về Trung Quốc của Mỹ bao gồm chiến tranh thương mại, xử phạt các công ty viễn thông do nhà nước hậu thuẫn và các quan chức Trung Quốc. Mỹ cũng đã đình chỉ miễn trừ đặc biệt của Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia của Trung Quốc. Lập luận của Mỹ dường như còn thiếu một chiến lược liền mạch về ĐCSTQ vì Tổng thống Donald Trump “dao động một cách điên cuồng”, bỏ qua sự phức tạp của việc đối đầu với Trung Nam Hải trong khi bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, chính quyền Trump không thể có đủ khả năng để đối đầu quá mức với ĐCSTQ một cách quá nhanh. Lý do là, qua 4 thập niên của chính sách tiếp xúc đã tích hợp sâu sắc các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Nay bước vào tình trạng thù địch trước khi có một mức độ phân ly và chuẩn bị trong nước có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ, cũng như của các đồng minh và các quốc gia đối tác.
Phía Trung Quốc hiểu hơn ai hết cái “huyệt tử” này. Họ nắm thóp các doanh nghiệp và chính trị gia Mỹ, cũng như giới tinh hoa ở các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Họ cho rằng, bất kỳ hình thức phân ly nào giữa Mỹ và Trung Quốc đều gặp khó khăn.
Tương kế tựu kế để buộc Bắc Kinh phải tiến hành các cuộc đàm phán thương mại một cách nghiêm túc, đòi hỏi phải áp thuế trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Để đi đến các thỏa thuận, chính quyền Trump phải chịu đựng các chiến thuật trì hoãn từ Trung Quốc như kéo dài các cuộc đàm phán, rút lại một dự thảo thỏa thuận… Cuối cùng hai bên cũng đạt được một phần thỏa hiệp đồng ý với cách tiếp cận “theo giai đoạn” với thỏa thuận thương mại.
Ở Mỹ những người chống lại Tổng thống Donald Trump nhận xét rằng, chính quyền của ông đã phát động một cuộc tấn công đơn phương chống lại Trung Quốc. Những lời chỉ trích này thật vô lý nếu xét đến việc các đồng minh của Mỹ không muốn hợp tác với Washington chống lại Bắc Kinh, do “củ cà rốt” kinh tế mà Trung Quốc làm mồi nhử.
Chúng ta có thể nhận thấy mức độ nghiêm trọng về sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các đồng minh của Mỹ và qua bài phát biểu “Trung Quốc Cộng sản và tương lai của thế giới tự do” của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Theo Ngoại trưởng Pompeo, người Mỹ không thể bỏ qua mối đe dọa của ĐCSTQ lâu hơn nữa. Và trong lúc Mỹ không thể đối mặt với thách thức này một mình, cần “hình thành một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ”.
Đại dịch Covid-19, mang lại cho chính quyền Trump không gian rộng hơn để cứng rắn với Trung Quốc. Việc cách ly và phong tỏa đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc ở Mỹ thấp hơn, dẫn đến hiệu ứng tựa như là “phân ly”. Từ đây, các công ty của Mỹ bắt đầu sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân trong nước. Chính quyền Trump không phải trông cậy vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ để buộc Bắc Kinh thay đổi hành vi một cách hiệu quả.
Sự tráo trở của Bắc Kinh trong đại dịch đã buộc chính quyền Trump phải đáp trả bằng các biện pháp mạnh mẽ. Những hành động chống lại ĐCSTQ của chính quyền Trump bắt nguồn từ nhiều cảnh báo và điều tra trước đó. Trong cuộc chiến thương mại có thể thấy rằng, Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề hơn Mỹ. Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, việc giảm xuất khẩu của nước này sang Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, với các khoản đầu tư vào lĩnh vực thứ cấp giảm 31,5% so với năm trước và đầu tư tư nhân vào tài sản cố định giảm 21%.
Đáng lo ngại là tình trạng thất nghiệp, giá tiêu dùng tăng cao và giá sản xuất giảm, cho thấy Trung Quốc đang đi theo hướng lạm phát đình đốn. Cuộc chiến thương mại cũng khiến Bắc Kinh gặp rắc rối trên mặt trận tuyên truyền. Thuế quan của Trump và bản chất tới lui của các cuộc đàm phán cho thấy ĐCSTQ khoác lác về năng lực và thành tựu kinh tế của nước này trước khi buộc phải thừa nhận thực tế phũ phàng.
Đúng vào lúc lửa cháy tứ bề, chính quyền Trump đã có những hành động tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa người dân Trung Quốc và ĐCSTQ, tước đi các cơ hội quan trọng của ĐCSTQ để biến tuyên truyền thành lợi thế của họ và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng về tư tưởng, tâm lý và sự tồn tại của Đảng. Không chỉ có thế, ĐCSTQ còn bị buộc phải trả lời câu hỏi liệu họ có còn xứng đáng đại diện cho người dân Trung Quốc?
Cuộc chiến thương mại là đòn chiến tranh cân não đối với Bắc Kinh. Đang loay hoay xoay sở đối phó thì gặp phải “trận bão” trên Biển Đông. Hầu như cùng lúc Mỹ, Úc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia đệ đơn vạch mặt Trung Quốc gửi tới Liên hợp quốc. Bắc Kinh ngao ngán nhất là Úc, một quốc gia không hề liên quan gì đến Biển Đông bỗng đột nhiên “ăn phải bả của Mỹ” chạy đi kiện Trung Quốc (!)
Như một con thú trở nên nguy hiểm nhất khi bị thương. Chính quyền Donald Trump có cần phải chuẩn bị cho màn trả thù đột ngột, hiểm hóc của Bắc Kinh?
H.Đ