Trong tương lai dài hạn không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào, đặc biệt những nước đi trước có nhiều kinh nghiệm về ĐHN như Mỹ.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt chia sẻ quan điểm xung quanh việc Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến nhất.
PV: – Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman chuyên trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã cam kết hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến nhất dù có mua công nghệ và kỹ thuật của Mỹ hay không. Ông Countryman cũng nhấn mạnh tới việc cần thiết phải thiết lập một ủy ban giám sát độc lập với chính phủ và các tổ chức khác nhằm giúp kiểm soát mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân tốt hơn, hiệu quả và minh bạch hơn.
Ông bình luận như thế nào về ý kiến trên? Điều đó có hàm chứa khả năng Mỹ sẽ giúp Việt Nam kiểm soát mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân không?
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: – Phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam và thế giới là một trong những vấn đề mang tính chất sống còn trong việc đảm bảo năng lượng cho sự phát triển của đất nước. Do đó, mặc dù các nước còn nhiều quan điểm khác nhau, có những lợi thế, tính toán khác nhau trong việc sử dụng các dạng năng lượng, đặc biệt các dạng năng lượng không tái tạo, nhưng nhiều nước vẫn có quan điểm rằng không thể không sử dụng năng lượng nguyên tử để phát triển điện vì nó có nhiều ưu thế so với các dạng năng lượng khác, đặc biệt bao giờ nó cũng đảm bảo được công suất rất lớn.
Hiện nay, vấn đề an toàn của ĐHN là vấn đề quan tâm của nhiều nước vì nếu như câu chuyện này xảy ra với bất kỳ nước nào thì nó có nguy cơ lan truyền ô nhiễm hạt nhân từ nước này sang nước khác và lúc bấy giờ biên giới quốc gia không còn ý nghĩa nữa. Bởi thế an toàn hạt nhân, đặc biệt trong phát triển ĐHN được rất nhiều nước quan tâm, kể cả những nước không phát triển điện hạt nhân.
Cũng chính vì lý do này, nhiều nước coi phát triển ĐHN là một vấn đề mở, đã đến lúc không thể phát triển ĐHN trong sự cô lập của từng nước, không thể giấu kín các bí quyết, kỹ thuật, đặc biệt là xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn. Thế nên bất kỳ nước nào dù đã phát triển hay chuẩn bị phát triển ĐHN đều nỗ lực tiếp thu kinh nghiệm của các nước xung quanh.
Mỹ biết rằng Việt Nam khi tính toán xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên đã có sự thỏa thuận với Liên bang Nga để họ giúp đỡ, hỗ trợ. Nhưng với tất cả những lý lẽ đã nói ở trên, khi Mỹ đặt vấn đề với Việt Nam, họ đã thể hiện rằng họ quan tâm đến chuyện này.
Ngay từ khi Việt Nam chưa bắt tay vào xây dựng nhà máy ĐHN, người Mỹ cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều vấn đề, đặc biệt có thời gian Mỹ cùng phối hợp với Nga, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Việt Nam trong thỏa thuận chung để chuyển đổi các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp. Tất cả chuyện đó đều hướng đến việc bảo đảm an toàn.
Tôi cho rằng cách đặt vấn đề của Mỹ là cần thiết và trong quan hệ hợp tác quốc tế hiện nay, Việt Nam cố gắng sử dụng tối đa sự giúp đỡ của các nước, không chỉ với Mỹ mà với các nước, đặc biệt là những nước đi trước Việt Nam trong việc phát triển ĐHN.
Riêng việc Mỹ gợi ý nên có một ủy ban giám sát an toàn của nhà máy ĐHN độc lập với chính phủ và các tổ chức khác là hợp lý và dựa trên những kinh nghiệm cụ thể. Với trách nhiệm của mình, người Mỹ cảm thấy rằng xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn cao và gần như tuyệt đối đối với những công nghệ tương đối phức tạp nên có một bộ phận nào đó khách quan đứng ở ngoài giám sát và sự giám sát này mang tính độc lập.
Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng ở đây có sự hỗ trợ trở lại trong vấn đề quản lý của Nhà nước. Đó là đề xuất của Mỹ, còn đối với thực tế của Việt Nam, tìm cách tiếp nhận hoặc thực hiện ý tưởng đó thế nào là tùy theo tính toán của Việt Nam.
PV: – Việt Nam nên cân nhắc như thế nào về lời khuyến nghị trên? Việc có một cơ quan giám sát độc lập dưới sự trợ giúp của Mỹ sẽ có tác dụng như thế nào khi Việt Nam đã triển khai những công việc đầu tiên trong kế hoạch điện hạt nhân?
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: – Đối với những nước đi trước mà người ta có tính toán, gợi ý như vậy, Việt Nam là nước đi sau thì cũng nên cân nhắc bởi đánh giá khách quan bao giờ cũng nên khuyến khích. Thông thường những cơ quan giám sát như vậy không chỉ dựa trên lực lượng chuyên gia của mình.
Qua kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước đi sau, chưa có nhiều chuyên gia và kinh nghiệm, khi tổ chức những cơ quan như vậy họ thường mời các chuyên gia trong các lĩnh vực tương ứng tham gia để tạo nên sự hợp tác, khi trao đổi ý kiến, đánh giá các vấn đề sẽ mang tính khách quan, không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào, kể cả nước cung cấp, lắp đặt…
PV: – Phần lớn công nghệ nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện nay có nguồn gốc từ Mỹ. Với lời cam kết hỗ trợ Việt Nam về công nghệ hạt nhân cũng như việc hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ông nhìn thấy khả năng Mỹ tham gia xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai ở Việt Nam ra sao?
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: – Trong chiều hướng hợp tác ngày càng chặt chẽ trên diện rộng và đi vào chiều sâu giữa Việt Nam và Mỹ trong nhiều lĩnh vực, không loại trừ hợp tác năng lượng nguyên tử vì trong thực tiễn ít nhiều hai nước đã hình thành những bước đi hợp tác trong vấn đề này.
Cần nhắc lại rằng, lò phản ứng đầu tiên của Việt Nam – lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt do người Mỹ chế tạo. Sau năm 1975, theo thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam, thiết kế kỹ thuật khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được các chuyên gia Liên Xô thực hiện. Công trình khôi phục và nâng công suất lò phản ứng đã được tiến hành. Thời gian qua, trong một số hoạt động của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặc biệt là xung quanh Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Việt Nam đã hợp tác với Mỹ trong việc chuyển đổi thanh nhiên liệu, bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân.
Việt Nam cũng đã đồng ý cho một số tổ chức của Mỹ vào truyền đạt kinh nghiệm bảo vệ thực thể, bảo vệ an ninh và an toàn cho các cơ sở hạt nhân như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và làm thế nào bảo vệ cẩn thận các thanh nhiên liệu. Mỹ đã truyền đạt cho Việt Nam những kinh nghiệm như vậy nên về lâu dài, nếu chương trình phát triển ĐHN của Việt Nam vẫn tiếp tục thì không loại trừ khả năng Mỹ tham gia vào quá trinh này.
Tôi cho rằng, đối với đất nước không thể chỉ dừng ở một nhà máy ĐHN, có thể sẽ có nhà máy ĐHN thứ nhất, thứ hai, thứ ba… và đối với Việt Nam, đây là một kế hoạch dài hạn. Trong tương lai dài hạn đó không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào, đặc biệt những nước đi trước có nhiều kinh nghiệm như Mỹ. Nếu họ sốt sắng và có những cam kết, tại sao Việt Nam lại không tiếp nhận?!
PV: – Về vấn đề phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, một số chuyên gia ngành năng lượng đã chỉ ra rằng, điện hạt nhân chỉ rẻ hơn khi xây nhiều tổ máy, còn nếu chỉ cần 1-2 tổ máy thì sẽ không kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Điều này khiến Việt Nam phải cân nhắc thế nào trong chiến lược phát triển điện hạt nhân của mình?
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: – Quan đổi của tôi cũng như như vậy. Hiện nay, theo kinh nghiệm quốc tế, một nhà máy ĐHN ít ra phải có 2 tổ máy. Hiện nay công suất của 1 tổ máy có nhiều cấp độ, nhưng thông thường là 1.000MW. Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên với 2 tổ máy tức 2.000 MW nhưng trong yêu cầu phát triển năng lượng của đất nước như thế là không đủ, do đó Việt Nam phải có tính toán tiếp theo.
Khi Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên đã đầu tư rất nhiều và tích lũy được một số kinh nghiệm. Đấy là chưa nói sau này tiến lên, bất kỳ nước nào cũng đều có yêu cầu nội địa hóa từng bước, từng phần, sau đó có thể là nội địa hóa toàn bộ. Có lẽ Việt cũng phải đi đến chuyện có nhiều tổ máy, nhiều nhà máy ĐHN. Tất nhiên số lượng bao nhiêu hiện nay chưa thể nói được nhưng việc tiên đoán hay khẳng định rằng không thể chỉ có một là điều có thể rất nhiều người đồng tình.
Một số nước sau Nga như Nhật, Pháp, Hàn Quốc… muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển ĐHN. Nếu Mỹ cũng đặt vấn đề thì đây là việc đáng để Việt Nam cân nhắc, tính toán. Đặc biệt, như vậy Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn những công nghệ tối ưu trong phát triển ĐHN.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, từ kinh nghiệm của các nước, có quá nhiều công nghệ khác nhau sẽ làm phong phú hơn nhưng cũng sẽ gây ra sự phức tạp nhất định. Vì thế, Việt Nam không thể mở rộng lựa chọn đưa vào đồng thời quá nhiều công nghệ ĐHN mà phải tính toán kỹ càng vấn đề này.