Hải quân Ấn Độ đã triển khai một số tàu chiến chủ lực của nước này tới biển Đông.
Hải quân Ấn Độ và Mỹ diễn tập chung tại Ấn Độ Dương hồi tháng 7.
Không lâu sau khi xảy ra vụ đụng độ chết người ở thung lũng Galwan giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6, Hải quân Ấn Độ đã triển khai một tàu chiến tới biển Đông nhằm bày tỏ thái độ của mình. Hành động của phía Ấn Độ khiến Trung Quốc không hài lòng và từng bày tỏ sự phản đối trong các cuộc đàm phán song phương.
Hãng tin Ấn Độ ANI ngày 30/8 trích dẫn các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết gần như ngay sau vụ đụng độ giữa binh lính Ấn Trung tại thung lũng Galwan hồi tháng 6, Hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong những tàu chiến chủ lực của nước này tới biển Đông. Động thái của Ấn Độ được coi là sự thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, nơi Trung Quốc luôn phản đối sự hiện diện quân sự của các nước bên ngoài, đồng thời cũng tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích vùng biển này.
Đây được coi là cách Ấn Độ tỏ thái độ với các hành động bành trướng của Trung Quốc tại Đông Ladakh. Trung Quốc sau đó đã bày tỏ sự phản đối trong các cuộc đối thoại ở cấp ngoại giao với phía Ấn Độ.
Tại thời điểm Hải quân Ấn Độ cử tàu chiến tới biển Đông, Hải quân Mỹ cũng đã triển khai các tàu khu trục và tuần dương hạm tại khu vực biển này. Tàu chiến của Ấn Độ được cho là đã duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác Mỹ thông qua hệ thống bộ đàm. Trong hành trình tuần tra huấn luyện này, chiến hạm Ấn Độ cũng tương tác với hải quân của nhiều nước nhằm cập nhật hoạt động.
Tuy nhiên, đây vẫn là sứ mệnh bí mật của Hải quân Ấn Độ nhằm tránh sự chú ý của công chúng vào hải trình này. Cũng vào khoảng thời gian đó, Ấn Độ đồng thời triển khai nhiều tàu chiến khác tới khu vực từ Eo biển Malacca tới gần quần đảo Andaman và Nicobar- nơi vốn là cửa ngõ để Hải quân Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương. Các tàu hàng của Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng tuyến hàng hải này để nhập khẩu dầu thô cũng như đưa hàng hóa đi khắp thế giới.
Hải quân Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch trang bị và triển khai các tàu ngầm tự hành, các cảm biến và hệ thống không người lái khác nhằm giám sát việc di chuyển của Hải quân Trung Quốc từ eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Ấn Độ cũng cho biết trong tháng 9 tới sẽ mở thầu quốc tế cho kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm trị giá 7,6 tỷ USD trang bị cho lực lượng Hải quân. 6 tàu ngầm mới sẽ giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách về năng lực tác chiến ngầm so với Hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm này sẽ được đóng tại Ấn Độ, theo mô hình đối tác chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện Ấn Độ đang cân nhắc lựa chọn 1 trong 3 nhà thầu nước ngoài gồm ThyssenKrupp Marine System (Đức), Navantia (Tây Ban Nha) và Naval Group (Pháp) sẽ liên danh với các doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án này. Trong tương lai, New Delhi có kế hoạch trang bị mới 24 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhằm củng cố năng lực tác chiến ngầm. Hiện Ấn Độ đang có 15 tàu ngầm thông thường và 2 tàu ngầm hạt nhân.