Biển Đông là biển nửa kín ở Thái Bình Dương và được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc. Đời sống cư dân và sự tăng trưởng kinh tế của các nước này dựa rất lớn vào việc khai thác các nguồn lợi của các vùng biển.
Phần lớn các nước này đã tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc: Philippines – năm 1984, Indonesia – năm 1986, Việt Nam – năm 1994. Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Brunei – năm 1996 và Thái Lan tham gia năm 2011. Cho đến nay, Công ước này có tổng cộng 162 thành viên từ khắp 5 châu lục.
Khu vực biển Đông (ảnh Internet)
Theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có các vùng biển với các quy chế pháp lý khác nhau. Hai vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển là nội thuỷ và lãnh hải. Hai vùng biển khác thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài ra, họ có một vùng biển mang tính đặc thù là vùng tiếp giáp lãnh hải. Như các quốc gia ven biển khác trên thế giới, các quốc gia ven Biển Đông có quyền ban hành các luật, lệ để xác định phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển của mình hoặc để điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển. Nhưng họ không thể nào làm việc đó một cách tuỳ tiện. Họ phải tuân thủ các quy định liên quan trong Công ước Luật Biển năm 1982.
Phù hợp với Công ước, các quốc gia ven Biển Đông tính chiều rộng của các vùng biển của mình kể từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Điều cần lưu ý ở đây là trong số các nước ven Biển Đông có 2 quốc gia quần đảo – Indonesia và Philippines. Vì là quốc gia quần đảo nên hai nước này được phép vẽ đường cơ sở quần đảo, tức là nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất của quần đảo với nhau bằng các đoạn thẳng. Còn các quốc gia ven Biển Đông khác như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei và Trung Quốc hoàn toàn không có quyền vẽ đường cơ sở quần đảo. Chính vì thế, việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) hoàn toàn phi pháp. Lẽ thứ nhất, việc làm đó đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Lẽ thứ 2 là trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về phương pháp vẽ đường cơ sở.
Nội thủy (tên tiếng Anh là Internal Waters): Theo Công ước Luật Biển năm 1982, mỗi quốc gia ven Biển Đông có vùng nội thuỷ là toàn bộ vùng biển tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở của quốc gia đó. Trong vùng nội thuỷ của mình, mỗi quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình. Indonesia và Phillipines là các quốc gia quần đảo, nên vùng nước bên trong đường cơ sở của họ được gọi là vùng nước quần đảo. Vùng nước quần đảo cũng thuộc chủ quyền của quốc gia quần đảo. Nhưng khác với vùng nội thuỷ của các quốc gia ven Biển Đông khác, trong vùng nước quần đảo tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền đi qua không gây hại.
Lãnh hải (tên tiếng Anh là Territorial Sea): Theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có vùng lãnh hải nằm ở bên ngoài đường cơ sở của họ. Theo luật biển quốc tế trước đây, các quốc gia ven biển chỉ có lãnh hải 3 hải lý. Người ta lấy 3 hải lý vì thời đó tầm bắn của đại bác chỉ ngần ấy. Dần đần các nước nhỏ muốn mở rộng lãnh hải của mình, nhưng các nước lớn không đồng ý. Do đó cho đến khi Liên hợp quốc ra đời thì chiều rộng lãnh hải vẫn là 3 hải lý. Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ II của Liên hợp quốc, đã diễn ra tranh luận giữa hai trường phái: một số nước tiếp tục ủng hộ quan điểm lãnh hải 3 hải lý, nhưng một số nước khác lại yêu cầu mở rộng lãnh hải đến 12 hải lý. Kết quả là không thống nhất được về chiều rộng lãnh hải. Tại Hội nghị Luật Biển lần III do LHQ tổ chức từ năm 1967 đến năm 1982 các nước tiếp tục thương lượng về chiều rộng này. Cuối cùng trường phái ủng hộ mở rộng đã thắng thế và Công ước Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý.
Áp vào điều kiện của Biển Đông, các quốc gia ven Biển Đông có lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của mình. Họ có chủ quyền đối với lãnh hải cũng như đối với vùng trời ở trên lãnh hải, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, phù hợp với quy định của Công ước, mỗi quốc gia ven Biển Đông phải công nhận quyền của tàu thuyền của các quốc gia khác được đi qua không gây hại (tàu bay bay trên vùng trời vẫn phải xin phép). Khi thực hiện quyền đi qua đó, tàu thuyền nước ngoài không được đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển, hoặc dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; hoặc tuyên truyền, thu thập thông tin gây hại cho quốc phòng, an ninh của quốc gia ven Biển Đông v.v…
Mỗi quốc gia ven Biển Đông có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc đi qua trong lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, xuất, nhập cảnh, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua.
Vùng tiếp giáp (tên tiếng Anh là Contiguous Zone): Theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có vùng đặc quyền của mỗi quốc gia ven Biển Đông là vùng biển đặc thù nằm ở ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia đó. Vùng này có chiều rộng 12 hải lý kể từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Trong vùng này các quốc gia ven Biển Đông có quyền thực hiện sự kiểm soát cần thiết nhằm mục đich ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm xảy ra trong lãnh hải của quốc gia đó. Ngoài khía cạnh này ra, quy chế của vùng này hoàn toàn như phần còn lại của vùng đặc quyền kinh tế.
Vùng đặc quyền kinh tế (tên tiếng Anh là Exclusive Economic Zone): Theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải với chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trước thập kỷ 60 của thế kỷ XX, hoàn toàn không có chế định pháp lý này vì theo luật biển quốc tế thời đó các quốc gia ven biển chỉ có lãnh hải 3 hải lý và toàn bộ vùng biển ngoài 3 hải lý là vùng biển quốc tế (tiếng Anh gọi là high sea). Với việc ra đời của vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của quốc gia ven biển được mở rộng và vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể.
Điều cần nhấn mạnh là các quốc gia ven Biển Đông không có chủ quyền mà chỉ có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo Công ước mỗi quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó cũng như đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Hiện nay tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế chính là tôm và cá. Trong trường hợp các quốc gia ven Biển Đông không đánh bắt hết sản lượng tôm, cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì có thể cho phép các quốc gia khác đánh bắt (nhưng các nước đánh bắt phải trả lệ phí và tuân thủ các quy định của quốc gia ven biển). Theo báo chí trong nước thì ngư dân Việt Nam nhiều lần gặp ngư dân Trung Quốc vào đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam nhưng không có giáy phép. Rõ ràng việc đó trái với Công ước Luật Biển năm 1982. Quốc gia ven Biển Đông còn có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Cần thiết lưu ý một điểm là theo Công ước Luật Biển năm 1982 các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven Biển Đông.
Thềm lục địa (tên tiếng Anh là Continental Shelf): Theo Công ước Luật Biển năm 1982 các quốc gia ven Biển Đông có vùng thềm lục địa của mình. Đó là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven Biển Đông. Công ước quy định chiều rộng tối thiểu của thềm lục địa là 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Quốc gia ven Biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý kể từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m (đường nối liền các điểm có độ sâu 2500m). Nhưng ở đây cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Để có thể mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý là quốc gia ven Biển Đông phải trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Thực hiện quyền này, thời gian qua các quốc gia ven Biển Đông đã trình lên Liên hợp quốc các Báo cáo quốc gia của mình. Ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia trình Liên hợp quốc Báo cáo chung của hai quốc gia về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Nam Biển Đông. Ngày 7-5-2009, Việt Nam đã trình Báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc. Liên hợp quốc đã nhận và sẽ xem xét các Báo cáo này.
Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, trong thềm lục địa của mình, quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Hiện nay, các nước ven Biển Đông đang tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa của mình. Đặc biệt, Công ước Luật Biển năm 1982 nhấn mạnh quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia ven Biển Đông không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây, nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển rất rõ ràng và minh bạch. Phù hợp với các quy định của Công ước, các quốc gia ven Biển Đông có các quyền hợp pháp và chính đáng đối với mỗi vùng biển của mình. Khi thực hiện các quyền đó của mình, mỗi quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng các quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác. Điều đang tiếc là trong thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp các quyền chính đáng của Việt Nam đối với các vùng biển hợp pháp của mình đã bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng. Điển hình là việc Trung Quốc cho tàu cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngay trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam vào cuối tháng 5-2011. Những việc làm trái luật biển quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn và gây lo ngại trong dư luận. Một hệ quả tất yếu mà Trung Quốc không tính hết là hiện nay không chỉ các nước ven Biển Đông bất bình và phẫn nộ, mà cả thế giới cũng lên án cách hành xử trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông./.
An Duy