Wednesday, December 18, 2024
Trang chủBiển nóngMiền Trung mưa lũ nghiêm trọng: Đừng chỉ đổ lỗi cho thời...

Miền Trung mưa lũ nghiêm trọng: Đừng chỉ đổ lỗi cho thời tiết

Sự phát triển thủy điện ở mức “nóng”, chỉ 26km có tới 4 thủy điện, thiếu phương án điều tiết nước đồng bộ càng khiến thảm họa trở nên khốc liệt.

TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam.

Tình hình mưa lũ tại miền Trung đang trở thành vấn đề đặc biệt được dư luận quan tâm. Câu chuyện biến đổi khí hậu cộng thêm sự điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa, đập thủy điện đang khiến các vùng dân cư ngập trong biển nước càng thúc đẩy các nhà khoa học tìm hiểu về những nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này.

TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá rằng, các chiến lược, chương trình, dự án, đề án liên quan đến bảo đảm nguồn nước, an ninh nguồn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước ở Việt Nam được thực thi nghiêm túc, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp những thách thức không hề nhỏ được cả xã hội quan tâm: đó là việc phân bố nước không đồng đều cả về không gian lẫn thời gian, có những nơi ngập cục bộ như miền Trung hiện nay, có nơi lại hạn hán kéo dài như ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng ngày càng nghiêm trọng.

Thảm họa từ biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, đời sống sinh hoạt cộng đồng, gây thiệt hại nặng nề về người và của, gây thiệt hại cho sản xuất.

Ông cho rằng, việc đánh giá thực trạng các chính sách về pháp luật để đảm bảo cung cấp nguồn nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ đời sống và sản xuất, đồng thời nêu ra thách thức, rào cản cũng như giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng.

Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cùng với một số Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều các tổ chức Hội trực thuộc hệ thống đã phối hợp tổ chức Hội thảo thường niên của các tổ chức xã hội năm 2020, chọn chủ đề là vấn đề an ninh nguồn nước cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam để cho thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này trong bối cảnh hiện nay.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam có 108 lưu vực sông, 3.450 con sông, suối. Có thể nói Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm chỉ khoảng 10% tổng lượng nước hiện có trung bình hàng năm.

Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất, chiếm khoảng 80% lượng nước được khai thác, sử dụng. Trong khi đó, Cục Quản lý nước đánh giá tiềm năng thủy điện của Việt Nam là khá lớn. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng gần 500 công trình thủy điện đã đi vào vận hành. Tỷ trọng của thủy điện trong nguồn điện quốc gia chiếm khoảng 35%.

Cơ quan quản lý đánh giá thách thức đối với quản lý nguồn nước tại Việt Nam là việc các con sông lớn đổ về Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài. Khi các nước thượng lưu tích cực xây đập thủy điện, trữ nước… khiến ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước đổ về Việt Nam.

Vấn đề của ĐBSCL những năm trước là “sống chung với lũ” nhưng năm nay, thiếu nước ngọt sinh hoạt mới là vấn đề nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, thực trạng là rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa thời gian gần đây.

Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị rằng, cần có phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp từng vùng để tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu tác hại của vấn đề biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn mặn. Cùng với đó, tích cực làm việc giữa các bộ, ngành và phối hợp cùng với các cơ chế quốc tế để kêu gọi sự chung tay của các quốc gia ở thượng lưu về chia sẻ nguồn nước.

Quản lý nguồn nước là biến thảm họa thành cơ hội

TS. Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), người đã có nhiều năm làm việc tại Ủy hội Sông Mê Kông cũng đã bình luận về vấn đề quản lý nguồn nước tại Việt Nam hiện nay.
 
Để đảm bảo sự bền vững về tài nguyên nước và hệ sinh thái, mức khai thác nước không được vượt ngưỡng 30% nguồn nước. Nhưng ở hầu hết các con sông tại miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyen đều đã và đang khai thác trên 30-50% lượng dòng chảy.

Đáng chú ý, thủy điện được triển khai dồn dập ồ ạt ở miền Trung. Ví dụ tại sông Rào Trăng (tỉnh Thừa Thiên – Huế), chỉ 26km mà có tới 4 thủy điện, tức chưa được 7km là có 1 thủy điện. Thượng nguồn Sông Mã, chỉ 100km có 7 thủy điện. 2 ví dụ này đã cho thấy sự lựa chọn phát triển ở Việt Nam là đang có vấn đề, không thể phát triển một cách bền vững, rất nhiều rủi ro.

Một vấn đề quan trọng khác là ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu năm 2014, cả nước có hơn 300 khu công nghiệp, hàng trăm cụm công nhiệp nhỏ và khoảng 2.000 làng nghề. Nhưng trong đó, 70% khu công ngiệp không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, hơn 90% cơ sở không xử lý nước thải mà đổ thẳng ra môi trường… Hơn 70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Nước sinh hoạt cũng xả thải không kiểm soát, làm ô nhiễm các sông ngòi nội địa khiến nước lại càng trở thành vấn đề cập thiết của các đô thị.

Xây dựng Thủy điện tràn lan, thủy điện phá rừng, lấn vào khu vực vườn quốc gia, sông ngòi bị đô thị hóa “lấn chiếm”, nguồn nước đã hạn chế lại còn bị ô nhiễm … là những thách thức thực sự của công tác quản lý nước hiện nay.

Sự lỏng lẻo trong quy định càng khiến an ninh nguồn nước trở nên khó quản lý và thiệt hại sẽ là chính người dân phải chịu. Theo kịch bản cảnh báo của ông Đào Trọng Tứ, trong vòng 50 năm tới, với xác suất là 40%, Việt Nam có thể sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 141, tỷ đồng (khoảng 6,7 tỷ USD) vì lũ lụt, bão, hạn mặn.

Từ quan điểm góc nhìn khoa học, vị chuyên gia cho rằng, để quản lý nước, cần đặt trên phương châm: Nước là cần thiết, thiết yếu, là yếu tố tạo nên sự sống. Nhưng nước cũng là là một trong các yếu tố gây nên những thảm họa.

“Nếu không có bão lũ, thảm họa thì nguồn nước của ta không linh hoạt. Lũ mang về phù sa và đổ ra biển, mang lợi ích cho ngành nông nghiệp và giảm khả năng xâm nhập mặn. Nhưng lũ cũng trở thành tai họa một khi chúng ta không biết sử dụng, tiết kiệm chúng” – TS. Đào Trọng Tứ nói.

Trong thiên tai năm nay, nhận thấy rõ vấn đề thảm họa khốc liệt trở nên nguy hiểm hơn, một phần lý do là vấn đề phát triển chứ không đổ hết mọi “lỗi” cho biến đổi khí hậu. Việc mở đường xây thủy điện, phá rừng làm thủy điện, quy hoạch dân cư không hợp lý… cũng khiến thiệt hại từ thảm họa trở nên nặng nề hơn.

“Quản lý nguồn nước là phải biết biến thảm họa thành cơ hội” – TS. Tứ nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới