Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnMột TQ đại bá khi vẽ "bản đồ đường lưỡi bò liền...

Một TQ đại bá khi vẽ “bản đồ đường lưỡi bò liền nét”

Dưới sự tài trợ và ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, các học giả có lẽ sẽ tiếp tục cần mẫn tìm kiếm và ngụy tạo các chứng cớ lịch sử trên danh nghĩa khoa học. Nếu tiếp tục cố chấp với lỗi lầm của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục lúng túng và bế tắc, càng cố càng sai, càng giải thích, càng đi sâu vào ngõ cụt.

Hoạt động và quy mô cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập
mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam

Đầu tháng 4/2018, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tờ nhật báo tiếng Anh do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) sở hữu, có bài giới thiệu về một công trình nghiên cứu của 6 học giả dưới sự bảo trợ của Chính phủ Trung Quốc về cái gọi là bản đồ “Đưởng chữ U liền nét”. Những học giả này tỏ vẻ hân hoan với khám phá mới, và cho rằng đường chữ U, hay còn được biết đến với tên gọi là Đường lưỡi bò,vẽ liền nét có thể được coi là biên giới trên biển của Trung Quốc.  

Đọc kỹ bài báo gốc đăng trên Tạp chí Khoa học Trung Quốc tháng 3/2017 gợi mở nhiều điều thú vị về sức tưởng tượng của các tác giả. Có thể thấy, thêm một lần nữa tính khách quan và chân thực của khoa`học và lịch sử lại bị cưỡng ép bởi các học giả Trung Quốc, những người đã bỏ qua các chuẩn mực đạo đức hàn lâm để phục vụ tuyên truyền chính trị. Việc công bố bài báo cũng cho thấy Trung Quốc có thể vẫn đang nỗ lực nuôi hi vọng có thể cứu vãn Đường lưỡi bò khi yêu sách này đã bị thế giới phản đối và Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung bác bỏ vào tháng 7/2016.

Nguồn gốc mập mờ

Điều hết sức nực cười là các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm, và tự tin cho rằng “bằng chứng không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc” là một bản đồ phụ nằm ở góc củamột bản đồ mang tên “Bản đồ phân khu hành chính toàn quốc” xuất bản năm 1951 bởi Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất. Rất may thế giới đã phát hiện ra kính lúp để các nhà khoa học Trung Quốc có thể phóng đại bản đồ đó để biến nó thành một bằng chứng cho cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc(!).

Tất nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính xác thực của khai quật này, bởi lẽ đơn giản là Trung Quốc là quốc gia rộng lớn và có tính “sáng tạo” cao. Trước nay Trung Quốc cũng luôn khẳng định tìm thấy nhiều cổ vật ở các khu vực Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ “ngàn xưa”, trong khi các phát hiện khảo cổ chỉ có thấy Trung Quốc biết đến những vùng này khá muộn. Thật đúng là đôi khi người ta chỉ cần nói cho được.

Chưa cần nói đến tính xác thực và chính xác của các tài liệu trên, có thể thấy một số điểm phi lý trong lập luận của các học giả Trung Quốc, tấm bản đồ đã phát hiện không đủ cấu thành đường biên giới biển vì nhiều lý do. Một là, việc phân định, xác định biên giới phải được thực hiện thông qua đàm phán, ký kết bằng điều ước quốc tế giữa các quốc gia liên quan. Các tuyên bố đơn phương của một quốc gia về đường biên giới với một quốc gia khác không có giá trị pháp lý. Hai là, như GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc chỉ ra,bản đồđơn phương không có giá trị khẳng định chủ quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế trừ phi nó đi liền với một hiệp định quốc tế hoặc một văn kiện hành chính có giá trị pháp lý trong nước và quốc tế. Hai là, bản đồ này không phải của Chính phủ Trung Quốc mà là của một hiệp hội chuyên ngành, Hội Khoa học Địa chất. Do đó, phát hiện này, nếu có,không trao cho Trung Quốc một chứng cớ lịch sử có giá trị, càng không thể tạo ra một đường biên giới trên Biển Đông.

Họa hình tùy tiện, lộn xộn và lệch lạc

Có thể thấy, các học giả Trung Quốc không bỏ qua bất cứ cách thức nào để có thể chứng minh định đề có sẵn trong tư duy của họ. Nghiên cứu của nhóm học giả cho rằng đường chữ U trong tấm bản đồ năm 1951 được vẽ bởi hai đường, một đường màu đen được cho là đường biên giới theo chuẩn do Nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc quy ướcvà một đường màu đỏ được nhóm nghiên cứu chỉ ra là đường phân khu hành chính.

Có thể thấy các học giả Trung Quốc có công lớn trong việc “gia công” cẩn thận bản đồ này khi đưa kèm theo các chú thích tỉ mỉ về “ký hiệu đường biên giới” hay “đường phân khu hành chính”nhằm ý đồ chứng minh đường chữ U chính là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhìn vào tấm bản đồ sẽ thấy, hai đường màu đen và đường màu đỏ mà các học giả Trung Quốc gọi là đường biên giới đó chỉ là những nét vẽ hết sức tùy tiện.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một đường biên giới nhưng lại được thể hiện qua hai đường khác nhau và nếu hai đường này là một thì lý do gì khiến chúng không trùng nhau? Giả sử như nhóm này lập luận rằng công nghệ vẽ bản đồ thời điểm đó còn chưa phát triển, thì cũng không thể có một đường biên giới quốc gia được vẽ bằng hai đường với các khoảng cách khác nhau, chỗ sát vào nhau và chỗ cách xa nhau. Với tỷ lệ tấm bản đồ là 1:30000000 như các học giả này đề cập thì khoảng cách giữa những vị trí sai lệch cũngcó thể lên đến hàng chục hải lý.

Không chỉ thế, đường này còn được vẽ một cách tùy tiện đến mức đường khung viền bên dưới của tấm bản đồ cắt ngang cả đường chữ U –cái mà nghiên cứu này cho là “đường biên giới quốc gia” trên biển khiến đường chữ U bị “lẹm” đi một phần đáng kể.

Ma trận Đường chữ U rối bù

Các học giả Trung Quốc rất giỏi làm cho thế giới “bò đầu bứt tai”. Trung Quốc vẫn thường nhắc đến những chứng cứ như đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu từ năm 1914 do người có tên là Hu Jinjie vẽ (hiện nay không tìm thấy); hay tấm bản đồ nét liền do Bai Meichu vẽ năm 1936 (tác phẩm cá nhân); và chứng cứ được cho là chính thức nhất là tấm bản đồ nét đứt năm 1948 do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản. Điểm chung của các tấm bản đồ này là không có địa điểm và tọa độ địa lý chính xác cho các vị trí, các đoạn. Tất nhiên, Trung Quốc có lý do để không xác định tọa độ chính xác của các điểm, tránh “mua dây buộc mình” để còn dễ bề xoay sở.

Đường lưỡi bò khi thì được vẽ với 11 nét, 9 nét, lúc lại là 10 nét. Tuy nhiên, từ năm 1947 trở lại đây, người ta vẫn thường trích dẫn đường chữ U là một đường đứt đoạn. Nay lại có thêm một sáng kiến nối liền các đoạn lại. Không chỉ có thể, nghiên cứu này còn chỉ ra một tấm bản đồ với hình dạng mới là “đường chữ U gồm 7 nét đứt đoạn” do Hội Khoa học Địa chất Thế giới xuất bản năm 1951.

Tất nhiên, khi nối lại thì các học giả Trung Quốc lại buộc phải tìm ra lý thuyết để giải thíchsự biến dạng liên tục của đường chữ U trong lịch sử. Thú vị nhất là việc các học giả của Trung Quốc đưa ra cách giải thích mới rằng đường chữ U đứt đoạn phản ánh “nước biển luôn chuyển động”. Điều đó có nghĩa là đường liền nét sẽ là biểu hiện nước biển bất động (!?). Cách bao biện như vậy hoàn toàn phản khoa học.

Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc có vẻ cố tình lờ đi rằng trong lịch sử Trung Quốc là một cường quốc lục địa hơn là cường quốc biển, Trung Quốc chưa bao giờ coi vùng biển là lãnh thổ quốc gia. Hầu hết các bản đồ của Trung Quốc trước thế kỷ 20 coi cực nam lãnh thổ Trung Quốc tại Hải Nam. Trên thực tế, tại thời điểm 1951, Biển Đông vẫn là một vùng biển mở, các nước ven biển có quyền đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, tàu thuyển của các quốc gia khác có quyền tự do đi lại qua đây.

Ngụy biện, lập lờ và phi pháp

Điểm mấu chốt là nghiên cứu không làm rõ thêm căn cứ cũng như yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù đường chữ U có giá trị ước lệ ra sao, dư luận quốc tế muốn Trung Quốc công khai quan điểm vềvị trí chính xác cũng như quy chế pháp lý của vùng nước bên trong Đường chữ U.

Tuy nhiên, công bố của học giả Trung Quốc thể hiện sự lộn xộn và thiếu nhất quán về pháp lý. Việc sử dụng thuật ngữ trên “biên giới trên biển” hàm nghĩa Trung Quốc có thể đòi hỏi chủ quyền với vùng biển đó giống như lãnh thổ trên đất liền. Tuy nhiên, trong bài báo, các tác giả cho rằng các tàu thuyền có thể “qua lại vô hại ở khu vực này”, hàm ý họ coi khu vực này như là “lãnh hải” của Trung Quốc. Bối rối hơn, trả lời phỏng vấn Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các tác giả lại cho rằng Trung Quốc có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển, còn các nước khác có quyền “tự do đi lại”, hàm ý vùng nước này có giá trị như “Vùng đặc quyền kinh tế” theo định nghĩa của UNCLOS 1982.

Tất cả các lập luận của Trung Quốc cho đến nay để bảo vệ yêu sách trên đều không có cơ sở pháp lý vững chắc. Dù là Đường chữ U được cho là gì vả ở đâu, tất cả các diễn giải trên đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã khẳng định yêu sách lịch sử trong phạm vi Đường lưỡi bò là trái với UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên. Tiến sỹ Ian J.Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng, nếu Trung Quốc chính thức công bố cái gọi là“đường biên giới chữ U nét liền trên Biển Đông” như trong đề xuất của nhóm nghiên cứu này thì sẽ được coi là sự bác bỏ hoàn toàn đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016.

“Hỏa mù” và Hệ lụy

Câu hỏi lớn nhất là tại sao các học giả và báo chí Trung Quốc lại đưa ra công bố “phát hiện vĩ đại” của họ vào thời điểm này? Mục đích của họ là gì? Sau vụ kiện Phi-líp-pin -Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc một mặt ra sức công kích các thẩm phán và tỏ vẻ “phớt lờ” Phán quyết, mặt khác, tìm mọi cách, trong đó có cả việc sử dụng “các nhà khoa học” để tìm cách chứng minh cho yêu sách đã bị Phán quyết bác bỏ. Trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa và gia tăng xâm nhập vào vùng biển của các quốc gia khác nhưng âm thầm, lặng lẽ hơn.

Xâu chuỗi các diễn tiến và sự kiện cho thấy Phán quyết của Tòa trọng tài là một trong những trở ngại lớn của Trung Quốc trên con đường tìm cách độc chiếm Biển Đông. Dư luận quốc tế mạnh mẽ buộc Trung Quốc phải chấp nhận cách tiếp cận “thử đẩy” hơn là “quyết đoán” như trước. Việc đẩy sử dụng kênh “học giả” để tìm cách “lật lại” quyết định của Tòa Trọng tài cho thấy Trung Quốc vẫn tìm cách “hà hơi thổi ngạt” cho đường lưỡi bò phi pháp.

Cũng có nhận định cho rằng, đây chỉ là đòn hỏa mù của Trung Quốc giống như các động thái trước.Tháng 9/2017, Trung Quốc cũng đã thử tung ra khái niệm “Tứ Sa” nhằm thăm dò dư luận quốc tế nhưng đã nhận được sự phản đối mạnh mẽ. Hiện nay, Trung Quốc dường như lại đang sử dụng con bài học giả để tiếp tục thử chiếc “bình mới” mang tên “bản đồ năm 1951” nhưng thực chất bên trong vẫn chỉ là “rượu cũ” như những gì Trung Quốc từng yêu sách.

Tuy nhiên điều đang lo ngại là Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của trí tưởng tượng của chính họ, từ đó có các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Về góc độ nội bộ, Trung Quốc có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên để “trang trải” với dư luận trong nước sau thất bại thê thảm tại Tòa Trọng tài. Nhưng một ngày nào đó, Trung Quốc có thể ngộ nhận cái họ ngụy tạo chi phối tư duy và hành động. Theo đó, có nhận định cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy và chính thức hóa yêu sách Đường chữ U liền nét, các nước khác sẽ không còn cách nào khác phải viện đến các công cụ pháp lý để kiện Trung Quốc.

Nỗ lực vô vọng

Dưới sự tài trợ và ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, các học giả có lẽ sẽ tiếp tục cần mẫn tìm kiếm và ngụy tạo các chứng cớ lịch sử trên danh nghĩa khoa học. Tấm bản đồ năm 1951 không phải lần đầu và cũng có lẽ không phải là điểm chấm hết cho cả một tiến trình đã bắt đầu từ rất lâu. Nếu tiếp tục cố chấp với lỗi lầm của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục lúng túng và bế tắc, càng cố càng sai, càng giải thích, càng đi sâu vào ngõ cụt. Đường chữ U không mang lại chủ quyền và hữu hảo mà chỉ mang lại cho Trung Quốc sự bất mãn của láng giềng và sự ghẻ lạnh của thế giới.

Dù Trung Quốc có cố gắng đến đâu cũng không thể phản bác được các bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nước biển có thể động nhưng không thể thay đổi sự thật lịch sử rằng Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để cưỡng đoạt Hoàng Sa năm 1974 và một số thực thể ở Trường Sa từ Việt Nam năm 1988. Dù Trung Quốc có “phát hiện” thêm nhiều di vật lịch sử cũng không thể bác bỏ được chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác với vùng biển lân cận theo quy định của UNCLOS 1982. Dù Trung Quốc có thể mạnh, nhưng cũng không thể bẻ cong được luật pháp quốc tế và không thể mua chuộc được dư luận quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới