Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTướng Lê Văn Cương: Trung Quốc mạnh, nhưng đâu phải muốn làm...

Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc mạnh, nhưng đâu phải muốn làm gì cũng được!

BienDong.Net: Trong các cuộc trao đổi với báo chí quốc nội gần gây, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an đã trình bày những nhận định của ông xung quanh chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông, quan hệ Việt Trung, và đối sách của Việt Nam. BDN xin giới thiệu một số ý kiến của ông về các vấn đề này.

Về việc CNOOC mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí thuộc vùng biển của Việt Nam

“Những hành động của Trung Quốc đều được tính toán một cách kỹ càng, cẩn thận. Đây không phải là hành vi bột phát mà nó nằm trong một chuỗi hành động để thể hiện chủ trương “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc.

Tướng Lê Văn Cương ( Ảnh Tuổi Trẻ )

Mục tiêu xuyên suốt, chiến lược của Trung Quốc là biến những vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp. Đây là giai đoạn một. Giai đoạn hai là biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của mình, khẳng định chủ quyền với những vùng biển này.

Scarborough không phải là vùng biển tranh chấp mà thuộc chủ quyền của Philippines. 9 lô dầu khí mà công ty Trung Quốc vừa mời thầu hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp với quốc gia nào. Mục đích của Trung Quốc là hiện thực hóa cái gọi là “chủ quyền được bao chiếm trong 9 đường đứt khúc”, hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’. Tôi cho rằng, việc này không đơn thuần là một công ty dầu khí có thể dám làm.

Hành động của Trung Quốc đã vi phạm công ước LHQ về Luật Biển 1982, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC). Đây cũng là việc chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo.

Hành động của Trung Quốc kêu gọi, mời thầu 9 lô thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện sự ngang ngược, bất chấp đạo lý. “Những công ty, tập đoàn làm ăn tử tế sẽ không tham gia lời mời thầu này…Dù như vậy nhưng một tình huống có thể xảy ra là một số công ty dưới danh nghĩa của nước ngoài nhưng thực tế lại quan hệ rất chặt chẽ và phụ thuộc vào Trung Quốc (những CNOOC phẩy) sẽ nhận thầu. Và nếu không có công ty nào nhận thầu thì Trung Quốc rất có thể sẽ kéo dàn khoan khủng vào khai thác dầu trong vùng thuộc chủ quyền của ta”.

Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Trung Quốc đối xử với Việt Nam từ trước tới nay theo quan điểm dân tộc của họ, nếu không muốn nói rằng tư tưởng bành trướng. Toàn bộ hành động của họ trong 3 thập kỷ qua là theo kiểu nước lớn với nước nhỏ.

Việt Nam là quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền như bất cứ quốc gia nào khác. Chủ quyền lãnh thổ là mục đích tối thượng của chúng ta.

Phương châm 16 chữ vàng: “Hòa bình ổn định, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là vấn đề “vạn biến”; còn chủ quyền lãnh thổ là “bất biến”. Chúng ta không thể lấy cái “vạn biến” thay “bất biến”. Chủ quyền lãnh thổ là vĩnh cửu.

Nói một cách “sòng phẳng” Trung Quốc đối với Việt Nam là vấn đề dân tộc. Chúng ta đối với Trung Quốc là láng giềng hữu nghị nhưng phải trên nguyên tắc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đó là mục tiêu tối thượng”.

Chúng ta thẳng thắn với Trung Quốc, không có gì phải úp mở. Việt Nam không bao giờ đi với nước khác để chống Trung Quốc, bản thân cũng không chống Trung Quốc. Và chúng ta cũng không liên kết với Trung Quốc để chống nước khác.

Chúng ta có quyền mở cánh cửa hợp tác với các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam để bắt tay chúng ta, đó là chuyện bình thường. Nước nào cũng có nhu cầu mở rộng hợp tác quân sự, thông tin tình báo.

Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, lừa dối cả nhân dân Trung Quốc

Trung Quốc rất giỏi trong việc ‘dọn đường dư luận’ trước mỗi hành động. Đã có hàng chục ngàn bài báo của Trung Quốc nói về cái gọi là ‘Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc’. Trước khi Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí ở vùng biển Việt Nam, hàng trăm tờ báo Trung Quốc đã đưa ra hình ảnh méo mó về chúng ta. Hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc đang bị giới truyền thông nước họ lừa bịp! Đến giờ này, phải nói là hơn 90% người Trung Quốc không hề biết bản chất vấn đề.

Chúng ta cần làm nhiều kênh thông tin song phương để người dân Trung Quốc biết sự thật, biết luật pháp quốc tế đứng về phía Việt Nam.

Báo chí có vai trò mũi nhọn trong việc kêu gọi người dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền đất nước. Báo chí cũng là kênh thông tin để cả thế giới biết sự thật, biết những gì đang diễn ra ở Biển Đông.

Tất nhiên, báo chí phải hoạt động khách quan, đúng mực, không kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Báo chí là cầu nối sức mạnh dân tộc.

Trong khi Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa nhưng người ta lại dạy cho học sinh của họ rằng những quần đảo đó là của Trung Quốc. Đó là một việc xuyên tạc lịch sử lừa dối cả nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc đang cư xử không đàng hoàng, họ đang tìm mọi cách trì hoãn COC (Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông). Họ đang sử dụng thủ thuật bẻ đũa từng chiếc. Nếu cứ đàm phán song phương, thì có lẽ đến vài trăm năm cũng chẳng thể giải quyết vấn đề.

Trung Quốc mất nhiều hơn được

Từ năm 2003 đến nay, lãnh đạo Trung Quốc và bộ máy truyền thông khổng lồ của họ đều truyền tải cho thế giới một thông điệp là Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, sau đó chuyển thành phát triển hòa bình.

Như vậy, Trung Quốc đã mất 9 năm để chứng minh đất nước phát triển nhanh, mạnh, không có hại cho ai; sự phát triển của Trung Quốc chỉ có lợi cho khu vực và thế giới với những lời kêu gọi đầu tư, làm ăn.

Sau 9 năm tuyên truyền cho thế giới như vậy nhưng hành động vừa qua đã phủ định lại, buộc lòng thế giới phải nhận thức lại về Trung Quốc. Thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” không phải là không có lý.

Với một chuỗi hành động gây sự từ năm 2007 đến nay với Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines thì rõ ràng Trung Quốc đã bộc lộ ý định thật của họ. Thế giới đã và sẽ nhận rõ Trung Quốc.

Tôi nghĩ một vài lô dầu so với việc bị mất mặt trên thế giới thì rất nhỏ. Họ được 1 mà mất 10, thậm chí mất 100. Tôi nghĩ Trung Quốc đã sai lầm, sa lầy vào Biển Đông, đánh mất hình ảnh của đất nước.

Khi đó, buộc lòng các liên minh với Mỹ phải chặt chẽ hơn. Người Nhật Bản,Hàn Quốc, Australia, các nước ASEAN nhìn rõ Trung Quốc hơn. Ấn Độ chắc chắn cũng phải dựa vào Mỹ và mối quan hệ Mỹ- Ấn Độ sẽ tiến tới trên mức bạn bè và dưới đồng minh, dù hiện nay chưa phải là đồng minh. Người Nga cũng phải nhận thức lại.

Là một học giả, tôi cho rằng những hành động gây chuyện vừa qua Trung Quốc mất nhiều hơn được.

Trung Quốc mạnh, nhưng họ đâu phải muốn làm gì cũng được. Việc Trung Quốc làm gì sắp tới không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc mà phụ thuộc một phần quan trọng vào phản ứng cộng đồng quốc tế, khu vực.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, hành động nào đi ngược xu thế hòa bình, phát triển chắc chắn sẽ bị lên án… Những điều Trung Quốc đang làm chỉ càng khiến các nước xa lánh họ.

Chương Dương ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới