Phó Tổng biên tập tạp chí Hoàn Cầu cho rằng, sự kiện H&M dừng dùng bông Tân Cương là sự khởi đầu của một cuộc chiến khốc liệt hơn giữa TQ và phương Tây.
Mới đây, các sản phẩm của tập đoàn thời trang H&M (Thụy Điển) đã bị gỡ khỏi tất cả các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc do đối mặt với làn sóng tẩy chay mãnh liệt tại nước này.
Vào ngày 24/3, một tuyên bố trên website chính thức của thương hiệu này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Weibo.
Tuyên bố của H&M nêu rõ, tập đoàn “quan ngại sâu sắc” về các báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự và bản tin của phương tiện truyền thông, bao gồm những cáo buộc về vấn đề “cưỡng bức lao động” và “kỳ thị tôn giáo” đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương. H&M tuyên bố sẽ không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào đặt tại Tân Cương, cũng như không thu mua sản phẩm/nguyên liệu thô (bông) từ khu vực này.
Sau thương hiệu H&M, một loạt thương hiệu lớn khác trên thế giới như Nike, Adidas… cũng đưa ra quyết định tương tự, dừng sử dụng bông từ Tân Cương.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh, Mỹ và nhiều nước EU áp đặt lệnh trừng phạt với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do liên quan đến cáo buộc cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Khởi đầu của cuộc chiến khốc liệt
Theo ông Lưu Hồng, Phó Tổng biên tập tạp chí Hoàn Cầu thuộc hãng thông tấn Tân Hoa Xã, sự kiện H&M không khiến ông cảm thấy ngạc nhiên bởi ông đã có dự cảm từ trước đó và đây là sự khởi đầu của một cuộc đấu khốc liệt hơn.
Vào ngày 22/3, khi Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc với cáo buộc liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Ngay lập tức cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Đàm Tiễn đã “đề xuất giao thiệt nghiêm khắc” với Hà Lan.
Sang ngày 23/3, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ Tào Thông Minh và Đại sứ Trung Quốc tại Đức Ngô Khẩn cũng lần lượt “đề xuất giao thiệp nghiêm khắc” tới Bỉ và Đức.
Ngoài ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ ngày 24/3 thông báo, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã “nghiêm khắc bác bỏ” những tuyên bố sai trái liên quan đến Tân Cương của các phương tiện truyền thông Ấn Độ.
Đặc biệt hơn là tại Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chỉ trích những phát biểu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp nhắm vào các quan chức, nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao châu Âu là không thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu triệu kiến Đại sứ Lư Sa Dã. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc trả lời rằng: “Đại sứ không rảnh, có chuyện gì để hôm sau nói”. Đến ngày 24/3, ông Lư đến Bộ Ngoại giao Pháp và hãng tin AFP mô tả, “trong một loạt các vụ triệu kiến, vụ nổ hoành tráng nhất đã xảy ra ở Paris”.
Cũng vào ngày 24/3, Trung Quốc công bố “Báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Mỹ năm 2020” nhằm cáo buộc Mỹ đang tồn tại vấn đề nhân quyền nghiêm trọng.
Ông Lưu Hồng cho rằng, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây hiện nay diễn ra gay gắt và đa chiều khi các nước phương Tây đang bắt tay chống lại Trung Quốc từ vấn đề truy xuất nguồn gốc đại dịch Covid-19 (Vũ Hán là điểm bùng phát dịch đầu tiên trên thế giới), tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Ông này dự đoán, sắp tới phương Tây chắc chắn sẽ tăng cường “bao vây” Trung Quốc ở cấp độ kinh tế, thương mại, công nghệ cao và chính trị ngoại giao.
Báo hiệu cuộc chiến ngoại giao mới?
Giới phân tích cho rằng, hiện nay, bông Tân Cương đã trở thành một chiến trường ngoại giao mới giữa Trung Quốc với Châu Âu và Mỹ. Tờ Minh Báo (Hồng Kông) ngày 25/3 tiết lộ, các quan chức trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã thường xuyên đến thăm Tân Cương thời gian gần đây.
Khi kỳ họp Lưỡng hội năm nay vừa kết thúc, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc kiêm Tổ trưởng Tiểu tổ điều phối công việc Tân Cương thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Uông Dương đã tới thăm Tân Cương vào ngày 15/3.
Đoàn công tác chia làm bốn nhóm nhỏ, thực hiện các cuộc đối thoại “1 đối 1” với các quan chức, chuyên gia, người dân và các thành viên tôn giáo tại Ürümqi, Kashgar, Turpan, Hami, Kizilsu và Changji.
Sau chuyến thăm của ông Uông Dương, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí cũng đến Tân Cương vào ngày 19/3. Ông lần lượt đến Ürümqi, Turpan và Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), khảo sát các đồn cảnh sát an ninh, các cơ sở đào tạo cảnh sát đặc nhiệm, kêu gọi “thực hiện tốt công tác chống khủng bố”.
Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc còn có sự xuất hiện của Bí thư thành ủy Ürümqi Từ Hải Vinh, Bí thư Ủy ban chính pháp Tân Cương Vương Minh Sơn và Giám đốc Sở công an Tân Cương Trần Minh Quốc. Hiện những quan chức Tân Cương này đều có mặt trong danh sách trừng phạt của phương Tây.
Tờ Minh Báo cho rằng, chuỗi chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao có thể báo hiệu cuộc chiến ngoại giao mới của Trung Quốc.