Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngCăn cứ Hải quân Campuchia và bàn tay TQ

Căn cứ Hải quân Campuchia và bàn tay TQ

Trong khi chính quyền Campuchia nhiều lần bác bỏ thông tin về thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream, cơ quan nghiên cứu Mỹ mới đây công bố thêm hình ảnh về diễn tiến bất thường tại căn cứ này.

Hai tòa nhà mới được xây dựng ở Ream trong tháng 5.2021

Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) vừa công bố thông tin mới cập nhật về căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Đây là căn cứ được đặt tại tỉnh Sihanoukville nằm bên bờ vịnh Thái Lan, tức phía nam Biển Đông.

Diễn biến mới

Cụ thể, hình ảnh vệ tinh cho thấy 2 tòa nhà mới vừa được gấp rút hoàn thành tại căn cứ Ream. Vị trí của 2 tòa nhà này nằm phía bắc khu vực các cơ sở do Mỹ tài trợ đã bị chính phủ Campuchia phá bỏ năm ngoái.

Các tòa nhà trên dài khoảng 45 m và rộng khoảng 6 m. Đối chiếu với các hình ảnh trước đó thì việc giải phóng mặt bằng để xây dựng được tiến hành sau ngày 17.4 vừa qua, rồi bắt đầu xây dựng từ đầu tháng 5. Và 2 tòa nhà đã được hoàn thành từ ngày 21.5 trở về trước.

Như vậy, các tòa nhà này dường như đã được hoàn thành trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman công du đến thủ đô Phnom Penh, dự kiến diễn ra vào ngày 1.6, trong khuôn khổ chuyến công du của quan chức cấp cao đầu tiên thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực.

Hồi tháng 10.2020, phó đô đốc Vann Bunlieng, thuộc hải quân Campuchia, từng cho biết đang tiến hành công tác chuẩn bị ở căn cứ Ream để phục vụ cho dự án nâng cấp được tài trợ bởi Trung Quốc. Chính vì thế, 2 tòa nhà mới ở trên được cho là có khả năng nằm trong chương trình mở rộng do Trung Quốc tài trợ ở Ream. Theo AMTI thì dự án mở rộng còn bao gồm một cầu cảng mới và một cơ sở sửa chữa tàu.

Cũng trong tháng 10.2020, hình chụp vệ tinh cho thấy lực lượng chức năng sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream. Phân tích các hình ảnh cũ thì việc phá dỡ được cho là có thể xảy ra sau ngày 5.9.2020, và khả năng là vào ngày 10.9.2020.

Theo các quan chức Campuchia, cho biết việc phá hủy cơ sở do Washington tài trợ không liên quan dự án phát triển được Bắc Kinh tài trợ. Và các cơ sở mới của Mỹ sẽ được xây dựng lại ở cách đó khoảng hơn 30 km. Tuy nhiên, theo một số hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây lại chỉ ra rằng các hạ tầng mới ở khu vực, được cho là dành cho dự án của Mỹ tài trợ, lại có tiến độ thi công khá chậm so với 2 tòa nhà trên.

AMTI nhận định cách cung cấp thông tin của Phnom Penh càng gây ra những điểm đáng ngờ về việc căn cứ Ream đang được xây dựng và mở rộng để phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh tại đây. Thêm vào đó, lời giải thích về việc phá hủy các cơ sở do Mỹ tài trợ cũng không thật sự thuyết phục. Bởi các công trình trên chỉ mới hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến năm 2020 lại phải phá dỡ để nâng cấp thì không hợp lý.

Nghi án thỏa thuận Trung Quốc – Campuchia

Năm 2019, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Cụ thể hơn, theo thông tin của một số quan chức Mỹ giấu tên và đã nhận thông tin về thỏa thuận vừa nêu, Campuchia cho phép tàu chiến và quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ trên trong 30 năm.

Tuy nhiên, Phnom Penh đã nhiều lần bác bỏ thông tin trên. Mới đây nhất, tại hội nghị Tương lai châu Á diễn ra trực tuyến từ ngày 20-21.5, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia một lần nữa khẳng định theo hiến pháp, Phnom Penh cấm tồn tại các căn cứ quân sự của nước ngoài ở Campuchia.

Trong khi đó, giới quan sát vẫn lo ngại về khả năng Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại Campuchia, ví dụ căn cứ Ream. Tháng 9.2020, Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG) – một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Theo Washington, UDG đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong và dự án này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nếu Trung Quốc có thể hiện diện ở Dara Sakor và căn cứ Ream (Campuchia) thì Bắc Kinh sẽ sở hữu một hệ thống trung gian quan trọng trong mạng lưới hoạt động quân sự ở khu vực cửa ngõ kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới