Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThấy gì sau bức tranh tăng trưởng GDP

Thấy gì sau bức tranh tăng trưởng GDP

Tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 5,64% trong bối cảnh hàng loạt tỉnh lớn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động và người dân đứt gãy sinh kế đang gây bối rối. Nhưng đó chỉ là một phần của các câu hỏi.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%.

Tăng trưởng lẽ ra phải 8%

Bắt đầu từ năm 2021, quy mô nền kinh tế GDP Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 25% thành 9 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng 5,64% trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế có thêm 507,6 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, GDP chưa được điều chỉnh năm 2020 là 6,3 triệu tỷ đồng. Để có thêm 507,6 ngàn tỷ đồng trong nửa đầu 2021, tốc độ tăng trưởng phải là 8%. Đây là tốc độ tăng cao kỷ lục ít được ghi nhận trong các thời kỳ chiến lược đã qua.

Nêu vấn đề trên để thấy, việc điều chỉnh GDP đùng một cái lên 25% đã và đang kèm theo nhiều vấn đề băn khoăn, không chỉ với các nhà kinh tế, mà còn trong việc điều hành đất nước. Rất nhiều số liệu tài chính công như nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, nợ của chính quyền địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của doanh nghiệp tư nhân, bội chi… đều gắn bó hữu cơ với GDP.

Phải thừa nhận rằng, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay là đáng ghi nhận, nhưng ở góc độ khác, tăng trưởng cao như vậy đã phản ảnh hết khó khăn của người dân và doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19?

Ví dụ, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm. Tăng trưởng cao, thu ngân sách tốt có lẽ sẽ tạo tiền đề để những tỉnh như Thanh Hóa bắt đầu ý tưởng xây tượng đài 255 tỷ đồng?

Theo Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11%. Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%.

Điểm kỳ lạ, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, là ngành nông nghiệp tăng cao hơn các năm, công nghiệp và xây dựng tăng thấp hơn các năm. Tuy nhiên, tỷ trọng nông nghiệp lại giảm.

Ông đặt câu hỏi, vì sao điều chỉnh GDP lên 25% không làm thay đổi cơ cấu GDP? Không lẽ chia đều số điều chỉnh đó cho các khu vực? Nếu vậy thì số liệu điều chỉnh là không thật.

Còn những câu hỏi

Theo Tổng cục Thống kê, về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.

Ông Cung nhận xét, căn cứ số GDP theo tiêu dùng thì thậm chí sẽ không có tăng trưởng 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước tiêu dùng thấp hơn, tích lũy tương đồng và lại nhập siêu.

Ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm… Những ngành này giảm liên tục có lẽ vì đã kiệt quệ; khó khăn, tổn thất đối với họ là rất lớn.

Một trong những điểm rất đáng quan tâm là lạm phát. Ấy vậy mà Tổng cục Thống kê cho rằng: “Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020.

Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%”.

Thực sự không hiểu vì sao lạm phát 6 tháng này “tăng thấp nhất từ năm 2016” mà Tổng cục Thống kê lại bình luận gắn với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng một cách thiếu cơ sở, phi logics như vậy.

Tăng trưởng cao là điều đáng mừng, nhưng vẫn còn hàng loạt các câu hỏi chính đáng khác để công tác điều hành nền kinh tế thực tiễn hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới