Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnGiá trị của phán quyết Biển Đông sau 5 năm

Giá trị của phán quyết Biển Đông sau 5 năm

Giới chuyên gia nhận định cộng đồng quốc tế gần đây thể hiện sự ủng hộ với phán quyết Biển Đông nhiều hơn, khi tham vọng của Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Tàu Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông năm 2016

Năm 2013, chính quyền Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cho rằng “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ.

Sau ba năm xem xét, PCA ngày 12/7/2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Phán quyết của PCA có giá trị pháp lý và mang tính ràng buộc, nhưng không có cơ chế thi hành.

Phán quyết được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tổng thống Aquino hết nhiệm kỳ. Khi Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, ông tuyên bố sẽ gạt phán quyết sang một bên nhằm theo đuổi mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc. Duterte đã tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế từ Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường để tài trợ cho chương trình Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng của ông.

Tuy nhiên, hàng tỷ USD đầu tư và các khoản vay ưu đãi mà Trung Quốc đã hứa hẹn cho Philippines không được chuyển giao nhanh chóng hoặc cuối cùng không thành hiện thực. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt khi sử dụng lực lượng hải cảnh, dân quân biển để tăng cường hiện diện thường trực ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines đã thể hiện quan điểm mâu thuẫn về phán quyết của PCA. Năm 2018, ông cho rằng phán quyết này “vô dụng” vì không có khả năng thực thi. Một năm sau, Duterte tuyên bố không từ bỏ phán quyết và sẽ tìm kiếm cơ chế thực thi.

Duterte hồi tháng 5 lại gọi phán quyết Biển Đông là “giấy lộn” và nên “vứt vào sọt rác”. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông sau đó nói rằng đây “chỉ đơn thuần là câu đùa” của Tổng thống.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao trong chính quyền Duterte đã bày tỏ quan điểm gay gắt với Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã đăng nhiều tweet chỉ trích và liên tục đưa ra các công hàm phản đối hành vi của Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana bày tỏ quan ngại trước các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc liên tục nói rằng nước này không chấp nhận phán quyết của PCA lẫn bất cứ tuyên bố hay hành động nào dựa trên phán quyết này.

“Chính quyền Duterte đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi”, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, nói với VnExpress.

“Khi phán quyết được đưa ra vào tháng 7/2016, cả thế giới đang dõi theo và một liên minh nhiều nước có tiếng nói đã yêu cầu Trung Quốc tuân thủ. Nhưng bằng cách gác lại vấn đề và không đưa nó ra các diễn đàn đa phương như ASEAN hay Đại hội đồng LHQ, chính phủ Philippines đã để Trung Quốc thoát khỏi thế khó và liên minh đó đã biến mất”, ông nói thêm.

Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nhận định Tổng thống Duterte lẽ ra nên tách biệt rạch ròi giữa quan hệ kinh tế Philippines – Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. “Ông ấy lẽ ra nên tập hợp mặt trận chung với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các quốc gia cùng chí hướng chống lại Trung Quốc khi xử lý bất kỳ vấn đề Biển Đông nào được đề cập trong phán quyết”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phán quyết của PCA năm 2016 vẫn tạo ra được những ảnh hưởng nổi bật. Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines, cho biết tác động lớn nhất của phán quyết là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về cách thức mà UNCLOS cần được áp dụng và giải thích liên quan đến Biển Đông.

“Rõ ràng các nước đã hình thành quan điểm chung xoay quanh phán quyết, bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, đồng thời khẳng định quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng khi họ thực hiện các hoạt động ở Biển Đông”, Batongbacal nói.

Đánh giá về tác động của phán quyết đối với Trung Quốc, giáo sư James Kraska từ Trung tâm luật quốc tế Stockton, Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, chỉ ra rằng từ sau phán quyết, Trung Quốc ít đề cập đến “đường 9 đoạn” hơn và thay vào đó nói nhiều hơn về vị thế của các đá và đảo trên Biển Đông.

Kraska nhấn mạnh Bắc Kinh đã nhận ra rằng không ai bên ngoài Trung Quốc chấp nhận “đường 9 đoạn”. “Phán quyết đã đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ vì những hành động của họ không phù hợp với phán quyết”, ông nói.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết PCA trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Động thái diễn ra trong bối cảnh một tàu hộ tống của Đức dự kiến đi qua Biển Đông vào tháng tới. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của nước này thực hiện hành trình như vậy kể từ năm 2002.

Khi được hỏi liệu động thái của Đức có phải là động lực mới cho phán quyết PCA hay không, Poling nhận xét rằng động lực này đã được xây dựng trong ít nhất 1,5 năm qua khi “nhiều quốc gia nhận ra Trung Quốc đang gần hoàn tất các động thái nhằm siết chặt khả năng kiểm soát Biển Đông” và điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ nói chung.

Các nước châu Âu và Ấn Độ gần đây lên tiếng thường xuyên hơn về vấn đề Biển Đông. Điều này xảy ra vào cùng thời điểm quan điểm về Trung Quốc ở châu Âu và Ấn Độ ngày càng tệ đi bởi các vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, bạo lực ở biên giới Trung – Ấn và chính sách ngoại giao của Trung Quốc giữa đại dịch Covid-19.

Để tận dụng tốt hơn phán quyết Biển Đông, Poling cho rằng cộng đồng quốc tế phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, đề cập đến phán quyết trong các sự kiện quốc tế và đối xử với Trung Quốc giống như cách đối xử với bất kỳ quốc gia nào khác khi vi phạm một phán quyết quốc tế như vậy.

“Nga, Anh và thậm chí cả Mỹ từng phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt tại Liên Hợp Quốc về những hành vi giống vậy, nhưng cộng đồng quốc tế phần lớn vẫn im lặng trước các hành vi vi phạm phán quyết của Trung Quốc. Điều đó phải thay đổi”, Poling nói và gợi ý các nước Đông Nam Á có thể đóng vai trò dẫn đầu tập hợp liên minh quốc tế.

Phó đô đốc Koda cũng cho rằng cộng đồng quốc tế nên tạo ra một tập hợp các quốc gia có chung chí hướng để ủng hộ phán quyết và Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng. Ông nhấn mạnh cần đưa ra tiếng nói thống nhất, rõ ràng với Trung Quốc rằng “chúng tôi không dung thứ cho những hành động tự cho là đúng và phớt lờ luật lệ của Trung Quốc ở Biển Đông”.

“Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách có lập trường cứng rắn hơn”, Koda nói, thừa nhận rằng việc thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo về phán quyết là điều rất khó khăn. “Nhưng dù vậy, Trung Quốc cũng phải hứng chịu sức ép phản đối lớn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới