Tâm lý sôi sục trả thù IS bằng quân sự sau vụ khủng bố Paris có thể khiến phương Tây lặp lại những sai lầm cay đắng trong lịch sử.
Sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris vào tối 13/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi Mỹ và Nga tham gia một liên minh nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo Reuters.
Phát biểu trước Quốc hội Pháp sau các vụ đánh bom tự sát và xả súng khiến 129 người thiệt mạng ở Paris, Tổng thống Hollande nói ông sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố trong nước, và sẽ hối thúc Mỹ, Nga thúc đẩy chiến dịch quân sự tiêu diệt phiến quân IS.
Theo chuyên gia phân tích Emma Ashford thuộc Viện nghiên cứu Cato ở Mỹ, những biện pháp chống phiến quân IS quyết liệt này là kết quả tự nhiên trước nỗi ám ảnh và sợ hãi của dư luận sau tội ác đỉnh điểm mà phiến quân gây ra.
Tuy nhiên, bà Ashford cũng cảnh báo rằng nếu các chính trị gia không tỉnh táo, chiều theo ý muốn sôi sục trả thù của dư luận, họ rất dễ phạm phải sai lầm chết người khi chỉ dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Những bài học xương máu ở Iraq, Afghanistan và Libya cho thấy, việc giành chiến thắng bằng hành động quân sự trước đối thủ là rất dễ dàng, còn đảm bảo hòa bình lâu dài cho mảnh đất vừa chinh phục mới là điều gần như bất khả thi.
Khi bầu không khí sợ hãi sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ thúc đẩy Washington phát động chiến dịch quân sự ở Iraq, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã hầu như không chú trọng xem ai sẽ thay thế Saddam Hussein.
Kết quả là sau chiến dịch quân sự chóng vánh lật đổ ông Hussein, Mỹ đã mở ra một kỷ nguyên bất ổn, rối loạn và bất bình đẳng trên chính trường Iraq, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và bành trướng của các nhóm khủng bố giống như IS.
Tương tự, chiến dịch không kích dữ dội của NATO năm 2011 vào Libya đã góp phần quan trọng lật đổ đại tá Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, khi lên kế hoạch không kích, các chiến lược gia phương Tây chỉ tập trung vào mối quan tâm duy nhất là loại bỏ Gaddafi. Sau khi ông này bị giết, Libya rơi vào hỗn loạn khi các nhóm vũ trang tranh giành ảnh hưởng, đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ và bạo lực triền miên.
Diệt trừ gốc rễ của IS
Bà Ashford cho rằng để thực sự diệt trừ được IS, Pháp và các quốc gia đồng minh không nên coi trọng chiến thắng quân sự mà nên cân nhắc sẽ hành động như thế nào sau khi tiêu diệt IS. Nếu họ không có các giải pháp ngoại giao và chính trị cho những mâu thuẫn dẫn đến sự bùng phát của IS, thì IS sẽ bị thay thế bởi một thứ không kém phần tồi tệ.
Nếu chỉ chú trọng vào giải pháp quân sự, bộ binh phương Tây có thể dễ dàng tiêu diệt IS ngay tận sào huyệt ở Raqqa, thậm chí có thể lật đổ được cả chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng sau đó, họ sẽ không thể nào lấp đầy được khoảng trống quyền lực mà chiến dịch quân sự này đã gây ra.
Chiến đấu cơ Pháp chuẩn bị xuất kích ném bom mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: AFP |
Bà Ashford cho rằng các nhóm vũ trang khác ở Syria khó có thể tìm được tiếng nói chung sau khi IS bị tiêu diệt. Các cường quốc khu vực hậu thuẫn những nhóm này cũng khó có thể tìm được giải pháp chia sẻ hài hòa lợi ích. Syria rồi sẽ lại rơi vào thảm cảnh giống như Libya hiện nay, tạo điều kiện cho các nhóm phiến quân giống IS tiếp tục trỗi dậy.
Để có được giải pháp ngoại giao cho Syria, Mỹ và các đồng minh cần phải có những thỏa hiệp nhất định, đặc biệt là về vai trò của ông Assad trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng quá trình chuyển giao hòa bình với sự có mặt của ông Assad còn tốt hơn là tình trạng xung đột đẫm máu hiện nay ở Syria.
Sau khi đạt được giải pháp ngoại giao để chuyển giao quyền lực, phương Tây cần phối hợp chặt chẽ với Nga và các cường quốc khu vực giám sát và duy trì nền hòa bình. Giải pháp chính trị sẽ vô nghĩa nếu lệnh ngừng bắn không được giám sát hoặc nếu các nước trong khu vực tiếp tục cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy mà họ chống lưng như những gì họ đã làm ở Libya.
Theo các chuyên gia phân tích, Mỹ cũng cần phải xây dựng một liên minh thực chất hơn, với sự tham gia của cả những quốc gia không có chung lợi ích như Nga và Iran, để chống lại IS. Liên minh chống IS hiện nay do Mỹ đứng đầu có tới 64 thành viên, nhưng nhiệm vụ không kích phiến quân vẫn chủ yếu do Mỹ đảm nhiệm.
Các chuyên gia về tình hình Trung Đông cho rằng IS không phải tự nhiên sinh ra. Nó là sản phẩm của những mâu thuẫn chính trị, sắc tộc, lợi ích kinh tế, ảnh hưởng quyền lực tại Trung Đông, được hà hơi tiếp sức bởi cuộc xung đột đẫm máu ở Syria.
“Khi một liên minh thực chất hơn, hài hòa lợi ích hơn được hình thành, IS không chỉ nhanh chóng bị tiêu diệt về mặt quân sự, mà sẽ không có điều kiện để hồi sinh sau xung đột”, bà Ashford nhấn mạnh.