Các tài liệu mới trình bày chi tiết về nghiên cứu trên nhiều loại virus Corona do Hoa Kỳ tài trợ tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi xảy ra đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch COVID-19 được công bố, theo trang Epoch Times.
Viện Virus học Vũ Hán, nơi được cho là có liên quan đến COVID-19
Các tài liệu dài hơn 900 trang do The Intercept thu thập này có liên quan đến một vụ kiện về Đạo luật Tự do Thông tin mà ấn phẩm này đã đệ trình chống lại Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Các tài liệu đã trình bày chi tiết công việc của EcoHealth Alliance, một tổ chức y tế có trụ sở tại Hoa Kỳ đã sử dụng ngân sách liên bang để tài trợ cho nghiên cứu về các virus Corona trên dơi tại phòng thí nghiệm Trung Quốc nói trên. Các tài liệu bao gồm hai đề xướng tài trợ chưa từng được công bố trước đây được Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) tài trợ, cũng như các bản cập nhật dự án liên quan đến hoạt động nghiên cứu của EcoHealth Alliance.
Một trong những khoản tài trợ được NIH trao cho EcoHealth Alliance, mang tên “Hiểu về nguy cơ xuất hiện virus corona trên dơi,” lên đến 666,422 đô-la Mỹ (USD).
Đề xướng tài trợ này phác thảo một kế hoạch đầy tham vọng, do Chủ tịch EcoHealth Alliance, ông Peter Daszak, đứng đầu, để “nghiên cứu sinh thái học, sinh học tiến hóa và cách thức lây truyền của các virus Corona trên dơi qua tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã”.
“Cụ thể, chúng tôi sẽ tiến hành các nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc để thu được các mẫu chất lượng cao từ dơi, đồng thời định danh, tìm ra đặc điểm và cô lập các chủng virus Corona mới cũng như các chủng đã biết”, đề xướng tài trợ viết. “Chúng tôi sẽ phân tích các mô hình lây truyền virus Corona giữa dơi và các động vật hoang dã khác, và nguy cơ lây lan sang người”.
Nghiên cứu của ông Daszak còn liên quan đến việc sàng lọc những người làm việc với động vật sống.
The Intercept báo cáo, các tài liệu trên cũng lưu ý rằng công việc thí nghiệm chính trên chuột được tiến hành tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 tại Trung tâm Thí nghiệm Động vật Đại học Vũ Hán chứ không phải tại WIV, như có thông tin từng nhận định trước đây.
Đề xướng tài trợ cũng thừa nhận những nguy hiểm tiềm ẩn của nghiên cứu này, bao gồm cả những nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thực địa, nêu rõ rằng việc này “liên quan đến nguy cơ cao nhất bị phơi nhiễm SARS hoặc các chủng virus Corona khác, khi làm việc trong các hang động có mật độ dơi dày đặc trên đầu và khả năng hít phải bụi phân”.
Tài liệu này viết, “Cũng có một số nguy cơ bị phơi nhiễm với mầm bệnh hoặc bị thương trong khi thao tác với dơi, cầy hương, loài gặm nhấm hoặc các động vật khác, phơi nhiễm với mẫu máu hoặc phân của chúng. Việc cô lập virus có thể là một thách thức”.
Theo The Intercept, khoản tài trợ về virus trên dơi này đã mang lại cho EcoHealth Alliance tổng cộng 3.1 triệu USD, trong đó bao gồm cả 599.000 USD mà Viện Virus học Vũ Hán đã sử dụng một phần để xác định và biến đổi các loại virus Corona ở dơi có khả năng lây nhiễm sang người.
Ban đầu, khoản tài trợ này được trao trong khoảng thời gian năm năm từ năm 2014 đến năm 2019. Đến năm 2019, khoản tài trợ này đã được gia hạn nhưng đã bị chính phủ cựu Tổng thống Trump đình chỉ hồi tháng 04/2020.
Khoản tài trợ thứ hai mà NIH trao cho EcoHealth Alliance, mang tên “Hiểu về nguy cơ xuất hiện virus truyền từ động vật sang người tại các điểm nóng về bệnh truyền nhiễm đang nổi lên của Đông Nam Á”, được trao vào tháng 08/2020 và kéo dài đến năm 2025.
Đề xướng tài trợ trên cho hay, việc này “sẽ tập hợp những người đi đầu trong nghiên cứu các dịch bệnh mới nổi đến từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore và ba khu vực hành chính lớn của Malaysia lại cùng nhau để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm nhằm bảo vệ chống lại các mối đe dọa từ bệnh dịch”.
Nhóm này sẽ “xác định các loại virus mới từ động vật hoang dã ở Đông Nam Á, mô tả khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người của chúng, và sử dụng các xét nghiệm huyết thanh học của các mẫu từ những người ở các cộng đồng nông thôn có sự tiếp xúc với động vật hoang dã cao để xác định tỷ lệ phơi nhiễm nền và các yếu tố nguy cơ dẫn đến điều này”.
Việc giám sát chuyên sâu tại các bệnh viện phục vụ các cộng đồng đó sẽ được sử dụng để khảo sát xem các lần bùng phát [dịch bệnh] bí ẩn có phải là do các tác nhân mới đó gây ra hay không, điều mà các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giúp họ phát triển một phản ứng nhanh với những lần bùng phát tại các vùng như vậy.
Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà khoa học đã lo ngại về những nguy hiểm tiềm tàng liên quan đến các thí nghiệm như vậy, và không nghi ngờ gì nữa, các tài liệu mới được công bố này sẽ đặt ra thêm các nghi vấn liên quan đến giả thuyết rằng đại dịch COVID-19 đã bắt nguồn từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Sau khi các tài liệu trên được công bố, ông Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers, đã viết trên Twitter: “Các tài liệu này xác nhận các khoản tài trợ đã hỗ trợ cho việc xây dựng – tại Vũ Hán – các chủng virus Corona lai tạp mới có liên quan đến SARS, là sự kết hợp giữa gene dạng gai từ một chủng virus Corona này với thông tin di truyền từ một chủng virus Corona khác, và kiểm chứng xem các virus tạo ra có thể lây nhiễm cho các tế bào của người hay không”.
“Các tài liệu này làm rõ rằng những tuyên bố của Giám đốc NIH, ông Francis Collins và Giám đốc NIAID, ông Anthony Fauci, rằng NIH đã không hỗ trợ nghiên cứu tăng chức năng hay hỗ trợ tăng cường mầm bệnh tiềm ẩn gây đại dịch tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) là không trung thực”.
Hồi tháng Tám, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca nhiễm COVID-19 sớm nhất, nói rằng điều “cực kỳ quan trọng là phải biết được đại dịch COVID-19 đã khởi phát như thế nào” và để làm mẫu cho việc xác minh nguồn gốc của tất cả các sự kiện lây lan giữa động vật và con người trong tương lai.
Hồi tháng Một, một phái đoàn do WHO dẫn đầu đã dành bốn tuần ở ngay tại và xung quanh trung tâm thành phố Vũ Hán cùng với các nhà nghiên cứu Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch.
Hồi tháng Ba, các nhà nghiên cứu nói rằng virus có thể đã truyền sang người từ dơi thông qua một con vật khác và “sự khởi phát thông qua một sự cố trong phòng thí nghiệm được coi là một con đường cực kỳ khó xảy ra”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế, cáo buộc Bắc Kinh che đậy đại dịch.
Hồi tháng Bảy, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên rằng các cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang bị cản trở do thiếu dữ liệu thô về những ngày đầu tiên [virus] lây lan tại đó và kêu gọi nhà cầm quyền này phải minh bạch hơn.