Vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ, Canada với Trung Quốc đang căng thẳng sau sự kiện Mạnh Vãn Chu, ngày 17/10 Hạm đội 7 Mỹ xác nhận các tàu chiến của Mỹ và Canada đã lần đầu tiên cùng nhau đi xuyên eo biển Đài Loan.
Hai tàu chiến của Mỹ và Canada lần đầu tiên phối hợp đi xuyên qua eo biển Đài Loan
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, Tổ chức tư vấn “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) của Trung Quốc ngày 17/10 đã công bố thông tin trên tài khoản mạng xã hội chính thức, cho biết: “Sau khi được các phóng viên yêu cầu xác minh, sĩ quan phụ trách báo chí thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ xác nhận rằng từ ngày 14/10 đến ngày 15/10, tàu USS Dewey (DDG-105) của Hải quân Mỹ và tàu HMCS Winnipeg của Hải quân Canada cùng nhau đi xuyên qua eo biển Đài Loan; điều này phù hợp với nghiên cứu và nhận định trước đây của chúng tôi thông qua hình ảnh vệ tinh”.
Các ảnh vệ tinh của chương trình “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” của Trung Quốc cho thấy vào ngày 15/10, một tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” của Mỹ và một tàu hộ vệ lớp “Halifax” của Hải quân Canada đã được phát hiện đang đi về phía bắc tại đầu phía nam eo biển Đài Loan, đi xuyên qua eo biển Đài Loan.
Trung tâm tư vấn “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu suy đoán trên là đúng, đây sẽ là lần đầu tiên quân đội Mỹ liên kết với tàu chiến của nước khác đi qua eo biển Đài Loan trong những năm gần đây, thủ đoạn đã được nâng cấp lên.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi hôm 15/10 đã phản hồi tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về vấn đề Đài Loan, chỉ trích “Những hành động khiêu khích này của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ, đồng thời phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan”. Ông nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu suốt ngày đêm và luôn cảnh giác cao, kiên quyết đánh bại tất cả sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và hành động ly khai “Đài Loan độc lập”.
Trong một tuyên bố vào ngày 14/10, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Cam kết của chúng tôi với Đài Loan vững như bàn thạch. Các hoạt động quân sự ngày càng tăng của PLA gần Đài Loan đã phá hoại ổn định khu vực và gia tăng nguy cơ phán đoán sai”.
Hạm đội 7 nói hành động này thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và bạn bè về sự cởi mở của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các sự hợp tác tương tự phản ánh thái độ của Mỹ đối với cốt lõi của an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Tàu khu trục USS Dewey đã đến cảng Yokosuka ở Nhật Bản và gia nhập đội hình chiến đấu của Hạm đội 7, để Mỹ có thể bảo vệ lợi ích của các đối tác và hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Khu trục hạm USS Dewey có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, nó có thể mang theo 2 trực thăng MH-60 Seahawk có khả năng không chiến, tác chiến chống tàu ngầm, Thiết kế tàu này cho phép nó tác chiến độc lập hoặc tham gia đội hình cụm tác chiến tàu sân bay, nhóm tàu tác chiến mặt nước và nhóm tác chiến đổ bộ.
Hạm đội 7 của Mỹ hiện đang triển khai từ 50 đến 70 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm từ khu vực Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, thực hiện nhiệm vụ “duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở” và tương tác với các quốc gia biển xung quanh.
Khinh hạm lớp Halifax HMCS Winnipeg của Hải quân Hoàng gia Canada cũng đã đi qua eo biển Đài Loan từ nam lên bắc trong dịp Tết Trung thu năm ngoái. Vào thời điểm đó, tài khoản mạng của hạm tàu đã tung ra những bức ảnh chụp những người lính trên tàu chơi đùa nghịch nước. Hôm 10/10, trên trang Facebook chính thức của tàu đã công bố những bức ảnh được chụp khi nó cập cảng Manila, Philippines.
Chương trình “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) của Trung Quốc ngày 15/10 đã đưa ra một bài viết cho biết theo hình ảnh vệ tinh, vào lúc 10h ngày 15/10, một tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” của Mỹ và một chiếc “Halifax” của Hải quân Canada đã được phát hiện tại cửa phía nam của eo biển Đài Loan đang đi về phía bắc và được suy đoán đang tiến hành một hoạt động chung đi xuyên eo biển Đài Loan.
Căn cứ từ nguồn thông tin mở, SCSPI suy đoán tàu chiến Canada này rất có thể là chiếc HMCS Winnipeg. Con tàu này đã hoạt động thường xuyên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong tháng qua, đã đến thăm các cảng Yokosuka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc) và Manila (Philippines). Từ ngày 2 đến ngày 3/10, tàu này đã tham gia cuộc tập trận hải quân sáu nước do các tàu sân bay của Mỹ và Anh dẫn đầu ở Biển Philippines. Vào ngày 10/10, HMCS Winnipeg đã tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Australia ở Biển Đông. Theo vị trí mới nhất được tín hiệu AIS hiển thị vào ngày 14/10, con tàu đã đi đến vùng biển phía nam Đài Loan. Hơn nữa, HMCS Winnipeg đã có một “tiền sự”: trước đó vào ngày 2/10 năm 2020, con tàu đã đi qua eo biển Đài Loan từ nam lên bắc.
Ngoài ra, cơ quan truyền thông Đài Loan Liberty Times tối ngày 15/10 đưa tin, trang fanpage “Vùng trời Tây Nam Đài Loan”, chuyên ghi chép về tình hình xung quanh eo biển Đài Loan, vào chiều hôm đó đã phát hiện ra một nhóm tín hiệu bay ở phía bắc của eo biển Đài Loan. Sau khi điều tra, xác định đó là trực thăng MH-60 Seahawk của Hải quân Mỹ, và nhận định tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan, đây cũng là loại trực thăng quân sự của Mỹ mà Đài Loan định mua.
Người quản lý trang fanpage “Vùng trời Tây Nam Đài Loan” khi đó nói rằng tình hình cụ thể vẫn cần được cơ quan quốc phòng Đài Loan đưa ra thông báo. Nếu đúng thì đây sẽ là lần thứ 10 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay, lần gần đây nhất là tàu khu trục USS Barry (DDG-52) của Mỹ đi qua vào ngày 18/9. Với tuyên bố xác nhận của Hạm đội 7 với SCSPI thì phán đoán của họ và trang “Vùng trời Tây Nam Đài Loan” là hoàn toàn chính xác.
Theo thông tin mới nhất của Đông Phương tối 17/10, trả lời câu hỏi của Đông Phương, ông Hayley Sims, người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, xác nhận rằng hai tàu USS Dewey và HMCS Winnipeg đã đi qua eo biển Đài Loan, tuyên bố thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác đối với Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tương tự sự hợp tác phản ánh thái độ của họ đối với cốt lõi của an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Năm nay, tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trung bình mỗi tháng một lần; nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, tàu Mỹ và tàu của nước khác cùng nhau đi qua eo biển này.
Ông Thi Nghị, người phát ngôn của Chiến khu Miền Đông PLA chiều 17/10 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và Canada đã câu kết khiêu khích, gây rối với chất xấu xa, gây hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Ông cũng nhắc lại rằng Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng quân đội Chiến khu Miền Đông PLA luôn luôn duy trì cảnh giác cao độ, kiên quyết chống lại mọi hành động đe dọa và khiêu khích.