Báo Hồng Kông tự tin là Trung Quốc tiến bộ hơn Mỹ trong nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh, vì Mỹ có nhiều thử nghiệm “thất bại”…
Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 24 tháng 11 dẫn tờ “Thương báo” Hồng Kông ngày 24 tháng 11 đưa tin, nguồn tin từ giới hàng không vũ trụ Trung Quốc tiết lộ, gần đây, hai bãi phóng vũ trụ lớn ở miền nam và miền bắc Trung Quốc trong cùng một ngày đã lần lượt tiến hành 2 nhiệm vụ thử nghiệm, trong đó có một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất.
Chuyên gia cho rằng, 2 nhiệm vụ thử nghiệm này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hàng không vũ trụ và an ninh quốc phòng Trung Quốc trong tương lai.
Nhưng, lần này không thấy có tin bị gỡ bỏ trên mạng, có thể là do Trung Quốc có ý định tiết lộ nhiệm vụ thử nghiệm này, tự tin về năng lực công nghệ mà họ kịp thời thử nghiệm.
Theo bài báo, tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền bắc Trung Quốc, sáng ngày 23 tháng 11, cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh đã được thực hiện trước vài giờ so với kế hoạch.
Căn cứ vào thống kê của báo chí quốc tế về tiến triển công nghệ và thử nghiệm vũ khí siêu thanh Trung Quốc, đây là lần thử nghiệm siêu thanh thứ sáu của Trung Quốc, cũng là lần thứ ba trong năm 2015.
Số hiệu vũ khí thử nghiệm là DF-ZF, trước đó được cơ quan tình báo Quân đội Mỹ tiết lộ. Trước đây, loại vũ khí này được Lầu Năm Góc đặt tên là WU-14.
Theo suy đoán, sau khi WU-14 sử dụng những tên lửa đạn đạo như Đông Phong-21 để phóng, tăng tốc đến quỹ đạo có độ cao trên 100 km, sau khi đi vào tầng khí quyển sẽ tiếp tục bay lượn không động lực, tốc độ có thể đạt 10 Mach.
Phương án vũ khí siêu thanh của Mỹ (ảnh tư liệu) |
Báo Mỹ cho rằng, máy bay WU-14 là phiên bản sao chép của “Chương trình tấn công nhanh 1 giờ toàn cầu” của Mỹ, so với việc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vài lần, Quân đội Mỹ đã tiến hành bí mật một loạt thử nghiệm máy bay siêu thanh.
Năm 2010, Công ty Lockheed Martin lần đầu tiên thử nghiệm máy bay siêu thanh HTV-2, nhưng bị thất bại. Cuộc thử nghiệm năm 2011 tiếp tục thất bại, nhưng vũ khí bay với tốc độ rất cao: trên 20 Mach.
Trong khi đó, X-51A của hãng Boeing Mỹ đã có được thành quả mang tính giai đoạn trong năm 2013. X-51A tiến hành tổng cộng 4 lần thử nghiệm, nhưng do ngân sách của chương trình bị xà xẻo, đã không thể tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, chương trình máy bay siêu thanh giai đoạn sau của Không quân Mỹ đã được phê chuẩn.
Bài báo cho rằng, máy bay siêu thanh HTV-2 của Không quân Mỹ bị từ bỏ do độ khó công nghệ quá cao, còn máy bay siêu thanh của Lục quân Mỹ cũng bị từ bỏ do thử nghiệm thất bại vào tháng 8 năm 2014, điều này cho thấy, tiến độ nghiên cứu chế tạo tên lửa siêu thanh mới hầu như đã “lạc hậu” so với Trung Quốc.
Máy bay siêu thanh X-51A Mỹ |