Trung Quốc đang chuẩn bị xây hai căn cứ bảo trì hệ thống cáp biển đặt ngầm ở hai khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông theo lộ trình phát triển 5 năm cho ngành thông tin truyền thông nước này.
Theo PLO, cụ thể, theo thông báo của chính quyền đảo Hải Nam, việc xây dựng căn cứ đầu tiên ở Biển Đông sẽ bắt đầu trước cuối năm nay ở TP Tam Á nằm ở cực nam của hòn đảo.
Sau khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2033, căn cứ này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống cáp biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc dự kiến cũng sẽ đóng thêm hai tàu chuyên dùng cho việc bảo trì cáp biển trong thời gian tới để “gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong hoạt động xây dựng và duy trì cáp ngầm dưới biển”, theo nội dung ghi trong thông báo của chính quyền Hải Nam.
Trên thực tế, hệ thống cáp ngầm đang dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với lợi ích kinh tế và an ninh của mọi quốc gia.
Theo công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography (Mỹ), hiện có 436 tuyến cáp quang biển với tổng chiều dài lên tới 1,3 triệu km được lắp đặt ngầm trên các vùng biển toàn cầu. Khoảng 95% lượng dữ liệu thông tin toàn cầu mỗi ngày đi qua các tuyến cáp này.
Đáng chú ý, cổ phần đầu tư của 31 tuyến cáp đi vào hoạt động trong năm nay đều có sự có mặt của ba công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom.
South China Morning Post còn cho biết giới lãnh đạo Bắc Kinh còn được cho là đang soạn thảo kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm mới nối liền Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo báo SCMP, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số từ năm 2021 đến năm 2025 lên tới 3,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 570 tỉ USD), cao hơn 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ so với kế hoạch 5 năm trước đó.
T.P