Friday, November 22, 2024
Trang chủQuân sựSo sánh không quân Việt Nam với các nước Đông Nam Á

So sánh không quân Việt Nam với các nước Đông Nam Á

Không quân Việt Nam đang có những bước đi thần tốc theo định hướng tiến thẳng lên hiện đại. Báo cáo World Air Forces 2022 vừa công bố những bất ngờ thú vị.

Quốc gia Đông Nam Á nào sẽ trở thành nước đầu tiên sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5?

Không quân Việt Nam: Mạnh mẽ tiến bước

Báo cáo World Air Forces 2022 (Các lực lượng không quân thế giới 2022) của Tạp chi Global Flight đã thống kê rất chi tiết về số lượng máy bay quân sự của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù những con số trong báo cáo có thể chưa hoàn toàn sát thực tế nhưng về cơ bản phản ánh tương đối đúng thực lực của không quân các nước.

Riêng về Không quân Việt Nam, World Air Forces 2022 đưa ra những con số cụ thể như sau:

– Về máy bay chiến đấu: Tính tới hết năm 2021, Không quân Việt Nam đang sở hữu 34 chiếc máy bay tiêm kích bom Su-22; 41 tiêm kích Su-27 và Su-30.

– Về máy bay chuyên nhiệm: 1 chiếc M-28 (An28) tuần thám biển.

– Về máy bay vận tải: 3 chiếc C-295, 3 chiếc NC212i. Các máy bay vận tải quân sự An-26 có lẽ đã bị loại biên nên không được đưa vào trong báo cáo này.

– Về trực thăng vũ trang: 2 Ka-32; 87 Mi-8/17

– Về máy bay phản lực và trực thăng huấn luyện: 25 chiếc máy bay huấn luyện phản lực L-39; 12 máy bay huấn luyện phản lực L-39NG đang đặt mua; 5 chiếc Su-27UBK loại 2 chỗ ngồi chuyên dùng cho huấn luyện phi công tiêm kích Su-27; 12 máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 đang đặt mua.

Riêng về Không quân hải quân Việt Nam, báo cáo cũng công bố chi tiết:

– Về máy bay chuyên nhiệm: 3 máy bay tuần thám biển DHC-6 Guardian 400 (MPA)

– Về máy bay vận tải: 3 chiếc DHC-6 Guardian 400

– Về trực thăng vũ trang: 3 chiếc EC-225 (H-225M); 8 chiếc trực thăng săn ngầm Ka-28

Có thể thấy, 2 hợp đồng Việt Nam mua sắm máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 của Nga và L-39NG từ Cộng hòa Séc đều đã được đưa vào trong báo cáo World Air Forces 2022. Đây là những bước phát triển mới nhất của Không quân Việt Nam.

Khi tiếp nhận đầy đủ các loại máy bay này, chúng ta sẽ có một đội máy bay huấn luyện thuộc hàng hiện đại và tốt nhất Đông Nam Á.

Top 5 ĐNÁ – Ai sở hữu tiêm kích tàng hình đầu tiên

Trong những năm qua, so với thế giới thì không quân các nước Đông Nam Á ít có những thay đổi đột phá lớn nhưng rõ ràng đã bắt đầu có các bước tiến mới khi một vài dòng tiêm kích thuộc loại hiện đại như F-15, Su-30 và thậm chí là cả Su-35 được đặt mua.

Cụ thể, theo cập nhật của World Air Forces 2022 thì những nước Đông Nam Á đang sở hữu số lượng tiêm kích hiện đại thế hệ 4 nhiều nhất lần lượt như sau: Singapore đang sở hữu 100 chiếc; Indonesia: 62 chiếc; Không quân Thái Lan: 62 chiếc; Không quân Việt Nam đang có 46 chiếc; Myanmar: 38 chiếc; Malaysia: 26 chiếc.

Như vậy, Không quân Việt Nam chỉ đứng thứ 4 ĐNÁ về số lượng tiêm kích thế hệ 4, sau Indonesia và Thái Lan (đồng hạng 2) và Singapore (số 1). Trong tương lai gần, thứ tự xếp hạng nêu trên có thể sẽ thay đổi khi một số nước đang đặt mua máy bay mới.

Vị trí số 1 của Singapore có lẽ sẽ khó có quốc gia nào vươn tới được. Không những thế, quốc đảo này đang sắp trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Trước đó, vào năm 2019, Singapore đã quyết định chọn F-35 cho chương trình hiện đại hóa không quân, năm 2020, Mỹ chính thức chấp thuận bán cho quốc đảo này 12 chiếc F-35B, là phiên bản đặc biệt, giành cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

F-35B có thể hạ cánh thẳng đứng như một chiếc máy bay trực thăng và cất cánh ở đường băng rất ngắn (STOVL).

Đây không phải là một tính năng mới, nhưng nó rất quan trọng, vì nó có thể biến những chiếc tàu đổ bộ trực thăng, thành những tàu sân bay.

Với những quốc gia có diện tích bé nhỏ như Singapore thì số lượng sân bay không nhiều, có thể bị phong tỏa/khống chế nếu có tình huống xảy ra, nhưng với F-35B, họ có thể biến bất kỳ đoạn đường cao tốc nào cũng có thể biến thành sân bay dã chiến.

Dự kiến năm 2026, Singapore sẽ tiếp nhận lô F-35B đầu tiên và họ đã chọn căn cứ Không quân Ebbing ở Fort Smith, bang Arkansas (Mỹ) làm nơi huấn luyện cho các phi công của mình.

Về số lượng cụ thể các loại máy bay đáng chú ý của các quốc gia Đông Nam Á như sau:

– Không quân Singapore: 40 tiêm kích F-15SG; 60 F-16 C/D; 12 tiêm kích tàng hình F-35 đang đặt mua, dự kiến sẽ tiếp nhận từ năm 2026; 18 trực thăng tấn công AH-64D Apache;

– Không quân Indonesia: 15 EMB-314; 25 F-16A/C 1 người lái và 7 F-16 B/D huấn luyện 2 chỗ ngồi; 23 Hawk 209; 16 Su-27/30; 14 chiếc T-50I và thêm 6 chiếc đã đặt mua, sẽ được bàn giao trong thời gian tới; 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.

11 chiếc tiêm kích Su-35 trị giá khoảng 1,1 tỷ USD đã đặt mua từ Nga nhưng do sức ép của Mỹ và phương Tây nên Jarkarta đã hủy bỏ thương vụ này. Tuy nhiên Moscow vẫn hy vọng có thể nối lại việc đàm phán để thực hiện hợp đồng này.

– Không quân Malaysia: 8 F/A-18D; 12 Hawk 208; 18 Su-30MKM.

Trước đó, không quân nước này cũng sở hữu 18 chiếc tiêm kích MiG-29N/NUB, tuy nhiên vì những lý do không rõ ràng, họ đã quyết định dùng bay và loại biên chúng kể từ năm 2017.

– Không quân Thái Lan: 18 Alpha Jet; 30 F-5E và 4 chiếc F-5 huấn luyện; 37 F-16A và 14 chiếc F-16B 2 chỗ ngồi dùng cho huấn luyện; 7 JAS39C Gripen C và 4 chiếc JAS-39D 2 chỗ ngồi dùng cho huấn luyện.

– Không quân Myanmar: 21 A-5; 1 F-6; 21 F-7; 7 tiêm kích JF-17 và 9 chiếc đang đặt hàng từ Trung Quốc; 26 MiG-29 loại 1 người lái và 5 MiG-29UB 2 chỗ ngồi dùng cho huấn luyện. Đáng chú ý, hiện Myanmar đã đặt mua 8 tiêm kích Su-30 (Su-30SME) từ Nga và sẽ được bàn giao trong một vài năm tới.

– Không quân Lào: 4 máy bay huấn luyện kiêm tiêm kích/cường kích hạng nhẹ Yak-130 và còn 6 chiếc đang đặt hàng, sẽ được Nga chuyển giao trong vài năm tới.

– Không quân Campuchia: Không có máy bay chiến đấu

– Không quân Philippines: 6 EMB-314 (A-29); 12 tiêm kích hạng nhẹ FA/50PH mua của Hàn Quốc.

– Không quân Brunei: Không có máy bay chiến đấu

– Không quân Đông Timor: Không có máy bay chiến đấu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới