Trong một cuộc không chiến tiềm ẩn với máy bay chiến đấu của Ấn Độ, JF-17 Pakistan do Trung Quốc cung cấp có thể dễ dàng bị bắn hạ.
Khi Pakistan và Trung Quốc lần đầu tiên ký hợp đồng sản xuất máy bay chiến đấu JF-17, thỏa thuận được coi như một liên doanh “đột phá” có thể thách thức máy bay chiến đấu hàng đầu của Ấn Độ.
Mặc dù Không quân Pakistan (PAF) đã sở hữu một phi đội JF-17 Thunder với số lượng lớn nhưng cơ quan này vẫn đang có kế hoạch trang bị thêm dòng máy bay phản lực khác do Trung Quốc sản xuất: J-10C.
Hồi đầu năm, một số tin tức xuất hiện cho thấy Pakistan đã sẵn sàng tiếp nhận 36 máy bay J-10C bán tàng hình thế hệ 4,5 từ Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin xác nhận chính thức về điều đó.
Tổ chức Nghiên cứu các Vấn đề Chiến lược và Quốc tế (HSIA), một cơ quan tư vấn độc lập, hồi tháng 7/2021 từng đăng tải trên tài khoản Twitter rằng “Pakistan dự kiến sẽ tiếp nhận 36 chiếc J-10C vào cuối năm 2021”.
Thế nhưng, cũng đã xuất hiện những báo cáo về việc Pakistan không hài lòng với các máy bay JF-17 hiện có do sự kém hiệu quả liên quan đến động cơ mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được.
Sự không hài lòng đối với các máy bay chiến đấu JF-17 có thể là lý do khiến Pakistan tính tới phương án mua mẫu máy bay chiến đấu mới từ Trung Quốc.
Khi các máy bay phản lực Rafale do Pháp sản xuất chuyển giao cho Ấn Độ sắp hoàn thành, nhu cầu nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu của PAF hẳn đã được Islamabad tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo thế cân bằng về sức mạnh ở khu vực Nam Á.
Trong khi Pakistan và Trung Quốc vẫn chưa chính thức tuyên bố thỏa thuận mua máy bay chiến đấu J-10 mới, một thượng nghị sĩ nổi tiếng của Pakistan đã đặt câu hỏi về dòng tiêm kích này.
Tiến sĩ Afnan Ullah Khan viết trên Twitter rằng ông “không hiểu logic” đằng sau việc Pakistan mua J-10C, biến thể mới nhất thuộc dòng J-10 và được đưa vào biên chế cho Không quân Trung Quốc từ năm 2018.
Nghị sĩ Khan cho rằng Pakistan đã sở hữu loại máy bay tương tự như J-10 (ám chỉ F-16). Trong khi đó, J-10C lại không “tốt bằng Rafale”, loại máy bay đang phục vụ trong Không quân Ấn Độ.
“Tôi không nghĩ J-10C cũng tốt như Rafale. Lẽ ra, chúng ta nên đầu tư số tiền này vào việc nâng cao khả năng của JF-17”.
Pakistan đã từng chia sẻ nhiều vấn đề mà nước này gặp phải với máy bay chiến đấu JF-17. Động cơ RD-93 trang bị cho JF-17 phát ra khói đen có thể khiến nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho kẻ thù trong trường hợp không chiến tầm gần.
Trong một cuộc không chiến tiềm tàng với máy bay chiến đấu của Ấn Độ, JF-17 có thể dễ dàng bị bắn hạ.
Mặc dù Trung Quốc đã nhận thức rõ những vấn đề liên quan đến động cơ và cố gắng nâng cấp nó nhưng thực tế họ không thể tiếp cận được các phụ tùng thay thế và sự trợ giúp khác từ các nhà sản xuất Nga.
Trung Quốc hiện đang chế tạo động cơ Guizhou WS-13 Taishan cho riêng mình để thay thế cho động cơ RD-93 của Nga. Tuy nhiên, điều đó vẫn còn là một giấc mơ dài, khiến Không quân Pakistan rơi vào tình trạng rất bấp bênh.
T.P