Indonesia quyết định ngừng xuất khẩu than nhiệt để ưu tiên nguồn cung nội địa.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, các nhà phân tích cho biết, nguồn cung năng lượng ngắn hạn của Trung Quốc đang bị đe dọa từ quyết định cấm xuất khẩu than nhiệt vào tháng Giêng của Indonesia, nhưng bất cứ tác động lâu dài nào đều “có thể kiểm soát được” do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần.
Quyết định của Indonesia
Quốc gia Đông Nam Á – nhà xuất khẩu than với mục đích phát điện lớn nhất thế giới – hôm 1/1 đã tuyên bố ngừng xuất khẩu trong tháng này để ưu tiên nguồn cung nội địa của mình và tránh tình trạng mất điện trên diện rộng.
Do tranh chấp thương mại với Úc, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào than nhiệt của Indonesia và trong 11 tháng đầu năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 177 triệu tấn.
Con số này thể hiện mức tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 74% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, dữ liệu Hải quan Trung Quốc chỉ ra.
Trong khi đó, nhập khẩu than nhiệt từ Úc đã giảm 89% trong 11 tháng đầu năm ngoái do lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 10 năm 2019.
Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm của Indonesia đối với Trung Quốc nhìn chung có thể kiểm soát được bởi mức tiêu thị điện dự kiến sẽ giảm đáng kể trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cả tuần lễ, dự kiến bắt đầu từ ngày 31/1/2021, nhà phân tích than Trung Quốc Du Rui cho biết.
“Lịch sử dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ điện trong nước trong tháng 2 là thấp nhất trong một năm, gần như chỉ bằng một nửa so với tháng cao điểm,” ông Du cho biết hôm 3/1. “Trong khi tiêu thụ điện công nghiệp chiếm hơn 60% tổng tiêu thụ điện cả nước, thì việc hoạt động công nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán chững lại sẽ giúp giảm lượng tiêu thụ điện. Tình trạng thiếu than mà đất nước phải đối mặt vào tháng 8 năm ngoái sẽ không xảy ra nữa.”
Các tàu chở than của Úc đến Trung Quốc đã bị giữ lại tại cảng trong nhiều tháng từ lệnh cấm không chính thức. Bắc Kinh sau đó đã phải đối mặt với tình trạng thiếu than trầm trọng trong bối cảnh khủng hoảng điện trên toàn quốc diễn ra vào năm ngoái.
Bắc Kinh đã buộc phải đẩy mạnh nguồn nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cấp than nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, trong khi các nhà chức trách cũng thúc giục các công ty khai thác trong nước tăng cường sản xuất.
Theo báo cáo từ công ty dịch vụ tài chính Guosen Securities vào hôm 2/1, tình trạng thiếu điện than trên toàn quốc đã giảm bớt và giá điện đã giảm, nhưng việc ngừng xuất khẩu của Indonesia có khả năng làm nguồn cung thắt chặt thêm vì khoảng 5.3% tổng lượng than nhiệt ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo cho biết: “Do việc nhập khẩu than của Úc và lượng nhập khẩu tiềm năng từ các nước khác bị hạn chế, nên trong thời gian ngắn, khoảng cách có thể khó được lấp đầy bằng cách tìm nguồn cung ứng từ các nước khác.”
Cần đánh giá lại
Một báo cáo khác từ công ty nghiên cứu SWS Research cho biết, do lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia, tồn kho than nhiệt tại các nhà máy điện của Trung Quốc có thể giảm xuống cùng mức đã thấy vào đầu tháng 10 ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng điện với khoảng 20 triệu tấn nguồn cung bị gián đoạn.
Báo cáo cho biết thêm, việc ngừng sản xuất trước Thế vận hội mùa đông để hạn chế ô nhiễm môi trường cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
Báo cáo SWS Research chỉ ra: “Nếu vào giữa tháng Giêng, việc khai thác mỏ than lộ thiên ở Nội Mông bị hạn chế do các sự kiện thể thao lớn (Thế vận hội mùa đông)… thì tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp than của đất nước sẽ bắt đầu xuất hiện vào tháng 3.
“Ngay cả khi [hàng xuất khẩu của Indonesia] bị cấm vào tháng Giêng, thì khối lượng xuất khẩu trong tháng 2 sẽ tăng trở lại,” theo SWS Research.
Indonesia sẽ đánh giá lại lệnh cấm sau ngày 5/1 do sự phản đối mạnh mẽ.
“Có khả năng rất lớn chính sách sẽ được điều chỉnh,” chuyên gia Du cho biết.
Trung Quốc gặp khủng hoảng về điện trong năm 2021
Vào khoảng cuối tháng 9/2021, tại Trung Quốc, tình trạng cắt điện xảy ra liên tục ở nhiều thành phố. Nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh khổ sở vì cắt điện luân phiên suốt nhiều ngày.
Gần 60% nền kinh tế Trung Quốc sử dụng nhiệt điện, nhưng nguồn cung gián đoạn do đại dịch, cũng như áp lực giảm phát thải và giảm nhập khẩu than đá do căng thẳng thương mại với Úc.
Công ty điện lực Bắc Kinh sau đó cho biết sẽ có hàng loạt đợt cắt điện ở thủ đô, có khi kéo dài gần 10 tiếng, trong “kế hoạch bảo trì”. Vành đai công nghiệp nặng ở đông bắc thành phố, với hàng nghìn lò xi măng và lò luyện thép ngốn điện, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
T.P