Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXe điện VinFast "gây sốt" toàn cầu: Khi nào Việt Nam có...

Xe điện VinFast “gây sốt” toàn cầu: Khi nào Việt Nam có thể vượt mặt Thái Lan, Indonesia?

Việc VinFast tuyên bố từ bỏ xe chạy xăng, chỉ làm xe điện từ cuối năm 2022 được tạp chí Forbes (Mỹ) đánh giá là “bước đi táo bạo”.

Sau khi VinFast công bố hàng loạt mẫu ô tô điện mới tại CES 2022 và chính thức mở cổng đặt cọc xe VF 8 và VF 9 kèm theo nhiều ưu đãi đặc biệt, hãng xe “made in Vietnam” đã nhận được nhiều tích cực từ thị trường trong nước và cả thị trường Mỹ, châu Âu.

Mới đây, tạp chí The Diplomat của Mỹ vừa đăng tải bài bình luận nhận định về khả năng Việt Nam có thể trở thành cường quốc xe điện nhờ VinFast khi đứng trước những ông lớn trong ngành như Tesla, General Motors hay Volvo.

The Diplomat: Việt Nam chính thức nhập cuộc chơi

“Việt Nam, với sự trỗi dậy của tập đoàn tư nhân Vingroup, có kế hoạch trở thành một ‘ông lớn’ trong ngành công nghiệp ô tô và đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường xe điện thế giới”, mở đầu bài viết của The Diplomat nhấn mạnh.

Theo đó, cây viết James Guild của The Diplomat cho biết: Thái Lan từ lâu đã thống trị ngành công nghiệp ô tô tại Đông Nam Á bằng cách tập trung xuất khẩu và theo đuổi cải cách thị trường, giúp nước này trở nên hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài tìm kiếm một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh để trở thành cường quốc xe điện ở Đông Nam Á đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi gần đây Indonesia bắt đầu bắt kịp và thách thức ngôi vị của Thái Lan nhờ thúc đẩy tiềm lực trong nước. Và mới đây, Việt Nam cũng nhập cuộc và đẩy mạnh sản xuất ô tô điện.

Theo tác giả của bài viết, sự phát triển của VinFast thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rõ ràng phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể hướng tới xuất khẩu” – đã và đang thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng.

Chế tạo ô tô là một hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, hướng tới tự chủ và mục tiêu xuất khẩu.

Về mục tiêu xuất khẩu, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020. 283.983 chiếc ô tô đã được bán ra thị trường. Trong đó, khoảng 2/3 là xe lắp ráp trong nước và số còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo thông tin từ Hanoi Times, giá trị nhập khẩu ô tô vào Việt Nam năm 2020 trị giá 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là hai trong số các nhà cung cấp hàng đầu. Phần lớn hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn thiên về “lắp ráp” thay vì “chế tạo”. Các nhà máy trong nước được các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cấp phép lắp ráp xe từ các bộ linh kiện nhập khẩu.

Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan thường xuyên sản xuất và bán hơn một triệu xe mỗi năm và đều là những nhà xuất khẩu ròng. Vì vậy, Việt Nam sẽ còn nhiều điều cần làm trước khi có thể thách thức trực tiếp các cường quốc ô tô trong khu vực.

Các hoạt động lắp ráp và chế tạo được đánh giá “có vai trò thấp hơn trong chuỗi giá trị, bởi các thành phần công nghệ cao như động cơ được thiết kế và thường được sản xuất ở nước ngoài và sau đó được chuyển đến Việt Nam để lắp ráp ở khâu cuối cùng”, theo The Diplomat.

Giá trị thực sự là khi các công ty trong nước được tiếp cận khả năng tự chế tạo và thiết kế các thành phần linh kiện chính của chiếc xe thông qua chuỗi cung ứng này. Điều này yêu cầu mức đầu tư cao vào nguồn vốn dành cho nghiên cứu và phát triển, nhân lực và chuyển giao công nghệ – những yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tương lai xe điện Việt Nam

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, được The Diplomat đánh giá là kiểu tập đoàn thực sự điển hình, đầu tư đa lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, bất động sản, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và điện thoại thông minh…

Một trong những liên doanh gần đây của Vingroup là VinFast, công ty sản xuất ô tô được thành lập vào năm 2017.

Theo báo cáo kinh doanh thường niên của tập đoàn, VinFast đã bán được 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện vào năm 2020 – mức tăng trưởng nhanh chóng gây ấn tượng khi công ty chỉ mới thành lập cách đây vài năm. Hiện VinFast cũng đang tích cực “tấn công” thị trường xe điện.

Theo dữ liệu của cổ đông, Vingroup hoàn toàn không có sở hữu nhà nước. Tác giả bài viết đã chú ý tới vai trò của thành phần kinh tế tư nhân đối với cơ cấu tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, giới quan sát nhận định rằng Vingroup là một ví dụ điển hình về những gì vốn tư nhân có thể đạt được: hiệu quả không thua kém gì các doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực cần nhiều “chất xám” và kỹ năng như sản xuất ô tô, việc tận dụng công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng là hướng đi tốt và đúng đắn.

Một số quốc gia khác có thành phần kinh tế nhà nước lớn như Indonesia cũng đã có bước chuyển mình tương tự, như kỳ lân công nghệ GoJek đã và đang thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả liên doanh xe điện mới được công bố gần đây).

Nhưng liệu điều này có đủ để giúp VinFast có lợi thế trong cuộc đua xe điện?

Theo The Diplomat, lĩnh vực này vốn đã có sự cạnh tranh cao, “đất chật người đông”, khi cả Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện sắp tới.

Indonesia đã và đang tận dụng quyền sở hữu, kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện.

Trong khi đó, tại Thái Lan, nơi đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển tốt, tập đoàn dầu khí nhà nước PTT đang hợp tác với một công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất.

Để biết liệu VinFast có thể giúp Việt Nam cạnh tranh và thống lĩnh ngành sản xuất xe điện của Đông Nam Á hay không, chúng ta phải đợi thời gian trả lời, theo The Diplomat.

Forbes: Bước đi táo bạo

Ngày 6/1, VinFast vừa trình làng 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm thương mại công nghệ lớn nhất thế giới CES 2022 tại Las Vegas – chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi công ty ra mắt 2 mẫu xe SUV chạy điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles.

Việc VinFast tuyên bố từ bỏ xe chạy xăng, chỉ làm xe điện từ cuối năm 2022 cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ đã đánh giá đây là “bước đi táo bạo” của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Các nhà phân tích hoan nghênh quyết định này và cho rằng VinFast có thể tận dụng bước chuyển giao sang xe điện và xe tự lái trong ngành công nghiệp ô tô, nhất là khi VinFast là một nhà sản xuất ô tô mới.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích cấp cao Christopher Robinson tại Lux Research, hiện tại trên thị trường số lương đối thủ cạnh tranh đang mở rộng nhanh chóng, chẳng hạn các “ông lớn” như Ford và GM cũng đang tích cực mở rộng danh mục đầu tư xe điện.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều hãng xe không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà cũng phát triển cả hệ sinh thái như VinFast – như xây dựng chuỗi cung ứng, đầu tư sản xuất pin, thậm chí cả khai thác nguyên liệu thô.

“VinFast sẽ phải tìm cách vượt qua những thách thức lớn này khi đến Mỹ”, chuyên gia Robinson bình luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới