Hạ viện Mỹ hôm 4/2 đã thông qua Luật Cạnh tranh nhằm thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc và giảm bớt vấn đề do thiếu hụt chip máy tính toàn cầu.
Hạ viện Mỹ hôm Thứ Sáu (4/2) đã thông qua “America Creating Opportunities for Manufacturing, Pre-Eminence in Technology and Economic Strength Act of 2022” (Đạo luật tạo cơ hội cho sản xuất, ưu việt về công nghệ và sức mạnh kinh tế năm 2022” viết tắt bằng tiếng Anh là “America COMPETES Act of 2022” (Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ năm 2022) với 222 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Mục đích nhằm thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc và giảm bớt các vấn đề do thiếu hụt chip máy tính trên toàn cầu; đồng thời kêu gọi cơ quan hành pháp đổi tên cơ quan đại diện của Đài Loan tại Mỹ.
Theo dự luật này, Mỹ sẽ thành lập Quỹ chip, phân bổ 52 tỷ USD để khuyến khích khu vực tư nhân của Mỹ đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn, v.v …; ủy quyền chi 45 tỷ USD để cải thiện chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng cường ngành chế tạo, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt các mặt hàng quan trọng và đảm bảo để nhiều sản phẩm loại này được sản xuất tại Mỹ.
Đạo luật cũng nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Mỹ, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu và địa vị lãnh đạo của Mỹ thông qua phát triển kinh tế, ngoại giao, nhân quyền và quan hệ đồng minh.
Trong dự luật dài hơn 2.900 trang này cũng bao gồm nhiều điều khoản liên quan đến Đài Loan, bao gồm tăng cường quan hệ đối tác Mỹ – Đài Loan, hỗ trợ Đài Loan phát triển khả năng phòng thủ phi đối xứng, hỗ trợ Đài Loan tham gia có ý nghĩa vào các tổ chức quốc tế như Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học và công nghệ song phương giữa Mỹ và Đài Loan.
Dự luật cũng kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ bàn bạc để đổi tên cơ quan đại diện Đài Loan tại Mỹ từ “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Taipei Economic and Cultural Representative Office) thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ” (Taiwan Representative Office in the United States) – điều mà Trung Quốc Đại Lục cực lực phản đối.
Sau khi Dự luật Cạnh tranh được Hạ viện Mỹ thông qua, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ hoan nghênh trong một tuyên bố. Ông nói, Hạ viện hôm nay có một cuộc bỏ phiếu quan trọng để tạo cơ hội tăng cường chuỗi cung ứng, làm cho giá thành rẻ hơn, nhiều cơ hội việc làm trong công việc sản xuất và chế tạo tốt hơn ở Mỹ, đồng thời là cuộc bỏ phiếu then chốt để Mỹ vượt qua Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong thế kỷ 21. Nếu Mỹ muốn duy trì ưu thế cạnh tranh trên thế giới, thì phải đầu tư vào dự luật này. “Nước Mỹ không thể chờ đợi.”
Thượng viện Hoa Kỳ trước đó đã thông qua “US Innovation and Competition Act” (Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ) vào năm ngoái, bao gồm việc bơm 52 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn và ủy quyền 190 tỷ USD để tăng cường công nghệ và R&D (nghiên cứu và phát triển) của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, do hai phiên bản khác nhau của Thượng viện và Hạ viện, hai viện cần phải tìm kiếm sự đồng thuận thông qua tham vấn và biểu quyết lại trong thời gian tới, sau đó gửi dự luật tới Nhà Trắng để Tổng thống Biden ký mới có hiệu lực. Các cuộc đàm phán giữa hai viện có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 5/2 cho biết, Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ năm 2022 đã được thông qua với số phiếu từ 222 tán thành và 210 phiếu phản đối, với một Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa trở cờ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết đạo luật sẽ đảm bảo cho Mỹ giữ được ưu thế về sản xuất, đổi mới và sức mạnh kinh tế, đồng thời sẽ cung cấp nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa (GOP) cho rằng dự luật đã đưa vào thêm các điều khoản về môi trường và không đủ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ, còn được gọi là “Đạo luật Trung Quốc,” được thiết kế để tăng thêm khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước Mỹ. Dự luật được coi là phản ứng của Hạ viện đối với Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ (USICA) được Thượng viện thông qua vào tháng 6/2021. Việc bỏ phiếu về cơ bản theo đường lối đảng phái, với một nghị sĩ Đảng Cộng hòa “trở cờ” tham gia cùng Đảng viên Dân chủ bỏ phiếu cho dự luật và một nghị sĩ Dân chủ “đào ngũ” bỏ phiếu chống lại nó.
Dự luật bao gồm những thay đổi các quy tắc thương mại của Mỹ nhằm đối phó các hành vi thương mại bóp méo thị trường của Trung Quốc, bao gồm việc tăng cường các quy tắc chống bán phá giá.
Dự luật cũng bao gồm các vấn đề về khí hậu, cho phép Mỹ đóng góp 8 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh do Hiệp định Khí hậu Paris thành lập để giúp các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không ủng hộ dự luật cạnh tranh. Họ cho rằng đạo luật coi nhẹ việc tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, biến thành dự luật bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm cho các nghị sĩ đảng viên Dân chủ.
Mặc dù dự luật cũng bao gồm một số biện pháp do phía Đảng Cộng hòa đề xuất ban đầu để tăng cường chuỗi cung ứng, đầu tư vào đổi mới khoa học của Mỹ và yêu cầu các cơ quan liên bang đề ra chính sách để đảm bảo rằng những người nhận tiền quỹ tài trợ nghiên cứu không phải là đại diện độc hại của chính phủ nước ngoài. Nhưng việc chèn thêm các điều khoản về biến đổi khí hậu vào dự luật và hỗ trợ điều chỉnh thương mại để giúp những người thất nghiệp đã đi quá xa so với tôn chỉ của cơ quan lập pháp.
Thủ lĩnh Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói: “Tuy dự luật cũng có các điều khoản mà một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ, nhưng Chủ tịch Pelosi đã lợi dụng dự luật dài 3.000 trang này như một công cụ cho chương trình nghị sự cực tả của đảng để bắt cóc những điều khoản tốt này làm con tin.”
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Virginia Foxx cho rằng dự luật bỏ qua mối đe dọa của việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ và hoạt động nghiên cứu của Mỹ.
Đảng Cộng hòa cũng nói các điều khoản về khí hậu có thể được sử dụng để giúp Trung Quốc và chỉ trích Đảng Dân chủ lợi dụng dự luật Trung Quốc trên danh nghĩa để thúc đẩy các phần trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden, mà họ tin rằng sẽ không thể được Thượng viện thông qua.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói tại một cuộc họp báo: “Mỗi ngày chúng ta trì hoãn, chúng ta càng tụt hậu, điều này làm gia tăng rủi ro an ninh quốc gia của chúng ta ở trong nước”. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu rằng bà dự định bắt đầu đàm phán với Thượng viện càng sớm càng tốt. Bà nói: “Đây là điều liên quan đến việc làm cho nước Mỹ … tự chủ trong chuỗi cung ứng để chúng ta không phụ thuộc vào các quốc gia khác”.
Bà Raimondo cho biết, các công ty đã nói với chính phủ rằng, nếu không có trợ cấp cho sản xuất chip họ sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất ở bên ngoài nước Mỹ.
Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu về Đạo luật Cạnh tranh tại Hạ viện được tổ chức cùng ngày với lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Quốc hội Mỹ và các nhóm nhân quyền đã lên án Ủy ban Olympic Quốc tế về việc trao quyền tổ chức Thế vận hội cho Trung Quốc, vì thành tích nhân quyền tồi tệ của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc về nhân quyền.
Luật Cạnh tranh cũng có nội dung liên quan đến Hong Kong mà người phát ngôn Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong đã cực lực lên án và kiên quyết phản đối. Người phát ngôn chỉ trích rằng dự luật này nhân danh cạnh tranh, thực ra là một biện pháp răn đe, chèn nội dung tiêu cực liên quan đến Hồng Kông do các chính trị gia chống Trung Quốc dàn dựng, đảo lộn trắng đen, gây nhầm lẫn cho công chúng, bôi nhọ và vu khống các chính sách liên quan đến Hồng Kông của chính phủ trung ương, cản trở và phá hoại hoạt động bình thường của Đặc khu hành chính Hồng Kông, can thiệp thô bạo vào công việc của Hồng Kông và Trung Quốc.
Hiện phía Trung Quốc chưa chính thức đưa ra phản ứng gì về động thái này của Hạ viện Mỹ.
T.P