Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThái Lan không mặn mà với dự án đường sắt Đông Nam...

Thái Lan không mặn mà với dự án đường sắt Đông Nam Á của TQ

Thái Lan lựa chọn không nhận tiền từ Bắc Kinh để xây đường sắt nối với tuyến Lào – Trung Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến Bangkok gặp khó trong vấn đề ngân sách cho dự án.

Đường sắt cao tốc kết nối Vientiane (Lào) và Côn Minh (Trung Quốc).

Mỗi ngày kể từ tháng 12/2021, tuyến đường sắt cao tốc nối giữa thủ đô Vientiane (Lào) tới Côn Minh, Trung Quốc đều đặn vận hành, kết nối 2 nước với nhau để vận chuyển người và hàng hóa.

Tại vùng đông bắc Thái Lan, một dự án đường sắt cũng đã được lên kế hoạch xây dựng để nối với đoạn của Lào. Tuyến đường này nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối hoạt động thương mại và du lịch giữa Trung Quốc và Đông Nam Á thông qua eo biển Malacca.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, có lẽ phải mất ít nhất 10 năm nữa để Vientiane và thủ đô Bangkok của Thái Lan mới có thể kết nối với nhau thông qua dự án đường sắt cao tốc dài khoảng hơn 600 km. Tuyến đường sắt xây dựng tại Thái Lan dự kiến bao gồm 3 đoạn là Bangkok-Nakhon Ratchasima (253 km), Nakhon Ratchasima-Nong Khai (356 km) và Nong Khai – Vientiane (16 km).

Năm 2016, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tự bỏ tiền xây đoạn đường sắt trên lãnh thổ của họ và Trung Quốc chỉ là bên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thiết kế. Như vậy, khác với tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Lào, được xây dựng trong 5 năm với 70% ngân sách thi công từ Bắc Kinh và các khoản vay, dự án 5,4 tỷ USD nối giữa Vientiane và Bangkok sẽ lấy từ nguồn vốn trong nước của Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan ban đầu ước tính đoạn đầu của tuyến đường sắt Bangkok-Nakhon Ratchasima sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2026. Tuy nhiên, những thách thức về mặt tài chính của Thái Lan cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Thực tế là, tuyến Bangkok-Nakhon Ratchasima hiện đã bị lùi lịch trình hoạt động dự kiến thêm ít nhất 3 năm, tới năm 2029.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Thái Lan, nhất là ngành du lịch. Các gói cứu trợ và kích thích đã bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nhưng nó dẫn tới hệ lụy mà nợ công gia tăng, và chi phí sinh hoạt của người dân cũng tăng.

Ngoài ra, theo chuyên gia Termsak Chalermpalanupap tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, dự án ưu tiên hiện nay của Thái Lan là kết nối 3 sân bay Don Muang, Suvannabhumi và U-tapao – một phần trong dự án cơ sở hạ tầng Hành lang Kinh tế phía Đông của chính phủ Thái Lan.

Chính vì vậy, giới quan sát nhận định, với tình hình thực tế của Thái Lan, dự án đường sắt Đông Nam Á của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng và trì hoãn thêm lâu nữa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới