Một tổng thống Nga bị dồn vào đường cùng có thể trở nên tàn nhẫn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Vladimir Putin là một “thiên tài”, Donald Trump cười nói. Cựu tổng thống Mỹ phát biểu ngay trước thềm cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ người đàn ông “hiểu sâu biết rộng” ở Điện Kremlin.
Vậy thiên tài này đã đạt được những gì? Bốn ngày sau cuộc xâm lược và quân đội Nga vẫn không thể giành được chiến thắng nhanh chóng mà Putin trông đợi. Sự kháng cự của Ukraine mãnh liệt hơn nhiều so với dự đoán của nhà lãnh đạo Nga, quân đội thì liên tục chống trả, trong khi toàn dân nhanh chóng huy động lực lượng. Những người lính Nga bị quay phim lại đã phàn nàn rằng họ chỉ được thông báo tham gia một nhiệm vụ huấn luyện.
Phản ứng quốc tế cũng cứng rắn hơn, phối hợp hơn, và thống nhất hơn so với những gì Putin dự tính. Nga đang bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Hầu hết không phận châu Âu đã đóng cửa đối với các hãng hàng không Nga. Đồng thời, có một sự đảo ngược mang tính lịch sử trong chính sách đối ngoại và an ninh của Đức – khi Berlin cuối cùng cũng gửi vũ khí đến Ukraine, và cam kết chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Liên minh NATO cũng tìm thấy một mục tiêu mới cho mình. Nga đang trở thành kẻ xấu, ngay cả Trung Quốc cũng không công khai ủng hộ nước này tại Liên Hiệp Quốc – và đã chọn cách bỏ phiếu trắng.
Bên trong nước Nga, người dân hoảng loạn đổ xô đi rút tiền ngân hàng. Giá trị đồng rúp giảm mạnh, thị trường chứng khoán Nga lao dốc. Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ phản đối chiến tranh nổ ra trên khắp đất nước, nhưng người biểu tình đã nhanh chóng bị bắt giữ. Những người nổi tiếng ở Nga, các nhà tài phiệt và thậm chí cả con cái của một số quan chức Nga đã lên án cuộc xung đột. Trước ống kính máy quay, các quan chức của Putin lộ rõ vẻ khó chịu khi phải thực hiện mệnh lệnh của ông. Các phương tiện truyền thông chính thức của Nga một mình cô độc giữ lấy lập trường phủ nhận mức độ của cuộc chiến, khi tiếp tục nhấn mạnh rằng đây chỉ là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt,’’ nhằm hỗ trợ các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk.
Trong khi đó, Ukraine lại đang nhận được sự ngưỡng mộ và công nhận của quốc tế, ở mức độ chưa từng có kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1991. Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, từng được coi là một diễn viên hài thiếu hiểu biết, nay được quốc tế ca ngợi vì khả năng lãnh đạo đầy cảm hứng của mình. Hành động dũng cảm xuống đường tại Kyiv của ông là một sự tương phản rõ rệt với thói hèn nhát của Putin, kẻ quá sợ hãi virus, đến mức không cho phép các quan chức đứng gần mình. Những lời kêu gọi giúp Ukraine nhanh chóng trở thành thành viên EU đang ngày càng gia tăng.
Putin đạt được tất cả những điều này chỉ trong bốn ngày. Vâng, quả là thiên tài, thiên tài tuyệt đỉnh!
Nhưng một Putin bị bẽ mặt và bị dồn vào đường cùng có thể trở nên nguy hiểm và tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Điều đó đã hiện rõ vào hôm Chủ nhật, khi nhà lãnh đạo Nga đặt các lực lượng hạt nhân của nước mình trong tình trạng báo động.
Dù không thể đạt được chiến thắng dễ dàng như dự đoán, Putin cũng khó mà chịu lùi bước. Niềm kiêu hãnh, tính hoang tưởng, và sự sống còn của bản thân có thể thúc đẩy ông sử dụng các chiến thuật ngày càng cực đoan và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Một quan chức cấp cao của phương Tây đã dự đoán với tôi, rằng “Putin sẽ chỉ dấn thân sâu hơn, và mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ.”
Các nhà phân tích an ninh phương Tây đã cảnh báo về việc Nga có thể sử dụng tên lửa nhiệt áp (thermobaric) ở Ukraine – loại bom “phóng lửa” mà Nga đã triển khai ở Chechnya và Syria, với khả năng gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng. Đe dọa hạt nhân mà Putin đang triển khai, dù rõ ràng là nhằm mục đích hù dọa, cũng không thể bị ngó lơ hoàn toàn, nếu xét đến tình trạng hiện tại của ông ta.
Ít có khả năng Putin sẽ rút lui, vì thế cũng ít có cách nào hòa bình để thoát khỏi cuộc xung đột này. Một tia hy vọng le lói xuất hiện khi có thông báo rằng các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã đồng ý gặp nhau tại biên giới Belarus. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Putin sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu tối đa của mình, liên quan đến việc chia cắt lãnh thổ Ukraine thêm nữa, và trên thực tế là chấm dứt hoàn toàn nền độc lập của đất nước. Việc người được đề cử dẫn đầu phái đoàn Nga là một cựu quan chức cấp thấp, nổi danh vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không phải là một dấu hiệu đầy hứa hẹn.
Con đường duy nhất thực sự dẫn đến hòa bình có lẽ là, bằng cách nào đó, giới tinh hoa cầm quyền Nga phế truất được Putin. Các video mà nhà lãnh đạo cho phát hành, vốn cho thấy cách mà ông ta làm nhục các thành viên của lực lượng an ninh khi buộc họ phải tán thành các chính sách của mình, là nhằm thể hiện quyền lực tối cao của ông. Nhưng chúng cũng làm nổi bật những hoài nghi trong nhóm thân tín của chính ông.
Tuy nhiên, hệ thống hiện tại của Nga có tính tập thể kém hơn cả Liên Xô thời hậu Stalin. Các quan chức cấp cao của Liên Xô đã có thể ép Nikita Khrushchev rời nhiệm sở vào năm 1964. Nhưng Putin cai trị tựa như một Sa hoàng thời tiền Liên Xô. Thật khó mà hình dung nhóm nội bộ đối lập với ông trong chính phủ có thể huy động được sức mạnh.
Dù vậy, nếu chi phí về kinh tế và con người của cuộc chiến tăng lên, việc kiềm chế các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của công chúng sẽ trở nên khó khăn hơn. Quân đội Nga ở Ukraine cũng có thể sa sút tinh thần nếu phải hứng chịu tổn thất nặng nề, và phải thi hành các chiến thuật tàn bạo chống lại dân thường. Sau cùng, một kết hợp giữa sự lo lắng của giới tinh hoa, sự thất bại của quân đội, và sự bất mãn của quần chúng có thể buộc nhà lãnh đạo Nga phải rời nhiệm sở. Nhưng – ngay lúc này đây – mối nguy mà Putin gây ra cho Ukraine, Nga, và thế giới vẫn ngày một gia tăng.
T.P