Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựMỹ và đồng minh chia đôi ngả vì dầu Nga: Nếu đèn...

Mỹ và đồng minh chia đôi ngả vì dầu Nga: Nếu đèn ở Đức vụt tắt, xe tăng Nga vẫn sẽ bon bon

Cấm nhập khẩu dầu Nga đang là chủ đề nóng trên toàn cầu.

Nếu đèn ở Đức vụt tắt, những cỗ xe tăng vẫn sẽ tăng tốc

Mới đây, vào ngày 6/3 (theo giờ địa phương), khi nói về chủ đề năng lượng đang nóng rẫy trên toàn cầu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã thẳng thắn nói: “Tôi có chút lo về mùa đông tới”.

Theo tờ Der Spiegel (Đức), trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình ZDF, ông Habeck cho biết nếu chuỗi cung cấp than hoặc khí đốt tự nhiên từ Nga bị gián đoạn, mùa đông tới của Đức sẽ gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi sẽ có thể sống sót qua mùa xuân và mùa hè, nhưng tôi có chút hơi lo lắng về mùa đông năm sau”, ông nói.

Ông Habeck cho biết, mặc dù ông ủng hộ việc loại bỏ dần điện hạt nhân nhưng chính phủ Đức đang xem xét khả năng kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân nhằm giảm bớt gánh nặng do vấn đề cung cấp năng lượng từ Nga. “Nhưng từ tình hình thực tế thì không phải vậy”, ông nhấn mạnh.

Ông cho biết, chính phủ Đức có thể “giữ nhà máy nhiệt điện than trong trạng thái dự trữ” cho những trường hợp khẩn cấp, nhưng “dự trữ có nghĩa là chúng được giữ lại, chúng không bị phá hủy nhưng chúng không còn hoạt động nữa”. Quan chức Đức nhấn mạnh nước này cần nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt và không nên bỏ qua cuộc khủng hoảng khí hậu vì xung đột Nga-Ukraine.

Tương tự Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 8/3 cũng cho rằng, nước Đức sẽ rất khó khăn nếu thiếu dầu từ Nga.

Theo Reuters, trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức), bà Baerbock cho biết, việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ “hại mình lợi người”, đẩy chính nước Đức vào hỗn loạn.

“1/3 lượng dầu nhập khẩu của chúng ta (Đức) đến từ Nga. Nếu chúng ta ngay lập tức ngừng nhập khẩu thì ngày mai thôi nước Đức sẽ vô cùng khó khăn”, bà nói điều này đồng nghĩa với việc những người làm trong các lĩnh vực quan trọng như giáo viên và y tá sẽ không thể đi làm, thành phố có thể sẽ bị mất điện.

“Nếu sau ba tuần (ngừng nhập khẩu), chúng ta phát hiện nước Đức chỉ còn điện dùng trong vài ngày thì chúng ta phải bỏ lệnh trừng phải”, bà cho rằng, một động thái như vậy sẽ là vô nghĩa và không thể kéo dài.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh, nước Đức sẽ chuẩn bị “trả một cái giá kinh tế rất, rất cao” nếu cho rằng việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ kết thúc xung đột. Nhưng thực tế không phải vậy, “nếu ngày mai đèn ở Đức hay châu Âu vụt tắt, những cỗ xe tăng vẫn sẽ tăng tốc”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng có thái độ tương tự đối với việc nhập khẩu dầu của Nga. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 6/3 rằng Đức không nên “hạn chế khả năng duy trì hoạt động bình thường của chính mình” và tốt hơn là trừng phạt các nhà tài phiệt Nga hơn là tẩy chay năng lượng Nga.

Ông cho biết lựa chọn trừng phạt năng lượng Nga “tất nhiên đã được đưa ra bàn”, nhưng xét về tính bền vững của các biện pháp trừng phạt, thì “không nên làm như vậy vào thời điểm này.”

Cái khó của Đức về cấm vận năng lượng Nga

Ngày 7/3, giá dầu và khí đốt tự nhiên quốc tế tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục. Khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao, sự khác biệt giữa các nước châu Âu và Mỹ về việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga ngày càng trở nên rõ rệt.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3 cho biết Mỹ đang đàm phán về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga với các đồng minh châu Âu. Trước sức ép, Đức, Pháp và Hà Lan bày tỏ sự thận trọng trước lệnh cấm năng lượng của Nga, trong khi Vương quốc Anh và Canada chọn song hành cùng với Mỹ.

Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 7/3 nói rằng Đức ủng hộ “các biện pháp trừng phạt rộng rãi và có tính mục tiêu” nhằm vào Nga nhưng điều này không bao gồm các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga. Bởi vì năng lượng từ Nga rất quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của người dân Đức.

Hãng RT (Nga) cho biết, Đức đã trở thành khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga do chính sách cắt giảm điện hạt nhân và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than trong những năm gần đây.

Hiện tại, 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức đến từ Nga và hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nước này phụ thuộc vào Nga.

Trái lại, khí đốt Nga chỉ chiếm 3% nhu cầu khí đốt của Vương quốc Anh, và dầu thô Nga chỉ chiếm khoảng 11% lượng nhập khẩu của nước này. Dầu Nga chỉ chiếm 8% lượng nhập khẩu của Mỹ và nhu cầu khí đốt tự nhiên của Mỹ đối với Nga về cơ bản là bằng không.

Vào ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, tuyên bố cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga, bao gồm dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá. Vương quốc Anh ngay sau đó đã tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới