Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, sáng 14-4-1975, quân đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đây là chiến thắng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-4
Sự kiện trong nước
Từ ngày 14 đến 29-4-1975, bộ đội ta giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 4-4, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân “nghiên cứu và chỉ đạo gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân nguỵ chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng”. Ngày 10-4, Bộ tư lệnh Hải quân điều 3 tàu vận tải 673, 674, 675 (Trung đoàn 125) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Ngày 11-4, lực lượng chiến đấu gồm Đội 4 (Trung đoàn 126 đặc công nước), một số đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa do Trung tá Mai Nǎng chỉ huy tiến ra Trường Sa. Ngày 14-4, bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Từ ngày 25 đến 29-4, giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.
Ngày 14-4-1952, quân ta đã đánh bại trận càn quét lớn của địch ở Bắc sông Luộc (Hưng Yên – Hải Dương).
Ngày 14-4-1887, Nguyễn Cao qua đời. Ông sinh nǎm 1828, quê ở tỉnh Bắc Ninh cũ. Nǎm 1887, ông bị sa vào tay giặc Pháp, tự đâm bụng, moi ruột chết giữ trọn khí tiết. Ở Hà Nội có đường phố mang tên Nguyễn Cao thuộc quận Hai Bà Trưng.
Sự kiện quốc tế
Ngày 14-4-1894, Thomas Edison giới thiệu máy chiếu phim sơ khai, thành tựu này là tiền thân của điện ảnh.
Ngày 14-4-1865, John Wilkes Booth ám sát tổng thống Mỹ Abraham Lincoln khiến ông chết ngày hôm sau.
Theo dấu chân Người
Ngày 14-4-1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ với Tổng thư ký Hội Liên minh Nhân quyền. Đây là tổ chức quan tâm đến các thuộc địa và bênh vực dân bản xứ trước những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân.
Ngày 14-4-1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào làm việc ngoài biên chế tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 14-4-1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (với bút danh là Wang) gửi đăng trên tờ “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản với nhận định: “Mặc dầu có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”.
Ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ và trong ngày đó ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh phát hành “Công phiếu kháng chiến” trong cả nước (SL 160); tặng thưởng những tấm Huân chương Quân công hạng Nhất đầu tiên cho ba đơn vị là Đội quân Giải phóng, Đội quân Du kích Bắc Sơn và Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ (SL 163); đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (SL 165) v.v…
Ngày 14-4-1961, bàn về chính sách thu mua lương thực trong một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến các hợp tác xã nên đặt chế độ để thóc nghĩa thương, tức là phát huy một truyền thống vốn có trong nông thôn nước ta là gây quỹ thóc để tương trợ những đồng bào thiếu đói. Bác cũng lưu ý rằng, trong thời điểm còn gặp khó khăn về lương thực hiện nay, việc định mức cho dân phải được nghiên cứu và cũng đưa ra một nhận định là thị trường tự do nên có.
Ngày 14-4-1967, Bác lên đường sang Trung Quốc chữa bệnh. Một năm sau, ngày 14-4-1968, cũng từ nơi an dưỡng, Bác làm bài thơ “Mậu Thân xuân tiết”:
“Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên,
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên.
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ,
Hoàng oanh phi thượng thiên.
Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ,
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”
(Lời dịch của Phan Văn Các: Tháng tư hoa nở một vườn đầy/ Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng oanh vút tận trời/ Trên trời, mây đến rồi đi/ Miền Nam thắng trận báo về tin vui).
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“… Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Trong buổi thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 14-4-1964, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà, phấn đấu cho:
Nam Bắc sum họp một nhà
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”.
Và Bác căn dặn: “… Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân (gọi chung là đại biểu dân cử) là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do. Lá phiếu bầu cử biểu hiện sâu sắc lòng tin của dân với Đảng, với chế độ. Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang theo quyền lợi và trách nhiệm của người công dân góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào khi được thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của người công dân, đã nghiên cứu và lựa chọn cho mình những đại biểu ưu tú, tiêu biểu về đức – tài để bầu vào Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gánh vác trọng trách lớn lao mà nhân dân tin tưởng trao gửi.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 14-4-1964, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1344 có đăng ảnh Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Nhật Bản.
Ngày 14-4-1967, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2166 có đăng thư Hồ Chủ tịch gửi khen bộ đội pháo binh.
T.P