Monday, November 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sử“Mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị 1972: Nhìn nhận từ phía bên...

“Mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị 1972: Nhìn nhận từ phía bên kia

Sự kiện Quảng Trị năm 1972 ngày nào vẫn còn nguyên trong ký ức, trong tâm tưởng không chỉ của Việt Nam mà của cả nước Mỹ và các nước phương Tây. Rất nhiều học giả, các tướng lĩnh sĩ quan của Quân đội Mỹ đã đánh giá, bình luận về sự kiện này sau khi họ bước ra từ cuộc chiến.

Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị (ảnh tư liệu) năm 1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cách đây 50 năm, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân – Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị – Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5/1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị.

Giữa tháng 6/1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam – được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.

Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị liên tục được nhắc đến trong bản tin thời sự của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Paris với các điều khoản có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

50 năm đã trôi qua, âm hưởng về sự kiện Quảng Trị năm 1972 ngày nào như vẫn còn nguyên trong ký ức, trong tâm tưởng không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả nước Mỹ và các nước phương Tây. Và đã có rất nhiều học giả, các tướng lĩnh sĩ quan của Quân đội Mỹ đã đánh giá, bình luận về sự kiện này sau khi họ đã bước ra từ cuộc chiến.

Trả lời phỏng vấn phóng viên, Đại tá, PGS-TS Trần Nam Chuân, nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, cho rằng, chiến dịch này là một đòn giáng mạnh làm thất bại âm mưu của Mỹ-ngụy muốn tạo ra thắng lợi trên chiến trường để chèn ép chúng ta tại bàn đàm phán Paris. Những người trong cuộc đã phải thừa nhận thất bại trong việc để mất Quảng Trị và không thể tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị.

PV: Thưa Đại tá, PGS.TS Trần Nam Chuân, sự kiện Quảng Trị cách đây 50 năm đã được người Mỹ nhìn nhận trên những góc độ nào?

Đại tá PGS.TS Trần Nam Chuân: Vâng, câu hỏi này cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhiều nhà báo, phóng viên và những người nghiên cứu cũng muốn biết là với những người ở phía bên kia, hay là người nước ngoài thì họ nhìn nhận, đánh giá về sự kiện này như thế nào.

Như chúng ta đã biết, ngay sau chiến thắng 30/4/1975, thì đã có rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị, quân sự của Mỹ và phóng viên báo chí của phương Tây đi tìm hiểu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có sự kiện Quảng Trị năm 1972. Cũng có nhiều quan chức và sỹ quan ngụy quyền Sài Gòn trước đây đã từng tham chiến tại Quảng Trị năm 1972, sau năm 1975 thì họ di tản ra nước ngoài. Họ mang trong lòng hận thù, sự tiếc nuối và cả những thứ mà họ gọi là “niềm kiêu hãnh” về “chiến công” của họ.

Sau này, khi đã bình tâm trở lại, nhìn nhận lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các tướng, tá Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã có những bài viết, hồi ký, bình luận, tuyên truyền, giải thích và phân bua về các vấn đề có liên quan đến sự kiện Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành cổ năm 1972. Tôi xin nêu và trích dẫn vài ý như sau:

Thứ nhất, sau khi chúng ta giải phóng Quảng Trị thì Mỹ-ngụy hoang mang, dao động mạnh. Tổng Tham mưu trưởng quân đội ngụy quyền Sài Gòn là Tướng Cao Văn Viên đã phải thú nhận: “Cuộc tiến công năm 1972 của Bắc Việt đã làm nổi lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa”. Thất bại đó chứng tỏ nếu quân đội ngụy Sài Gòn không có sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt về hỏa lực thì quân đội ngụy Sài Gòn khó đứng vững trước sức tiến công của chủ lực quân giải phóng. Nhiều học giả tại Mỹ và phương Tây còn bình luận rằng: Một yếu tố bất ngờ góp phần cho thắng lợi của Bắc Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị chính là các chỉ huy Mỹ và ngụy quá tự tin, vi phạm nguyên tắc đánh giá thấp đối phương.

Ngay sau khi Mỹ-ngụy bị mất toàn bộ tỉnh Quảng Trị vào ngày 2/5/1972 thì Thời báo New York tại Mỹ rêu rao rằng: Tỉnh Quảng Trị “bị rơi vào tay Cộng sản” và “từ Washington đến Sài Gòn luôn bao trùm một không khí lo âu căng thẳng. Tâm lý thất bại trong quân ngụy lan tràn”.

Nói về tinh thần chiến đấu của Quân Giải phóng thì một tờ báo Mỹ cũng đã viết: Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ.

PV: Về phương thức tác chiến và sức mạnh chiến đấu của chúng ta thì họ nhìn nhận như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá PGS.TS Trần Nam Chuân: Liên quan đến vấn đề này thì Đại tá lục quân Mỹ William S. Reeder nhận xét rằng: “Mùa xuân 1972, Cộng sản bất thần mở những cuộc tấn công như vũ bão. Đây không phải là một cuộc nổi dậy của Việt Nam năm 1968 mà là một chiến dịch quy mô với hàng loạt cuộc tiến công của Cộng sản băng qua vùng phi quân sự”. Một đơn vị tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo ngay sau ngày 1/5/1972 đã khẳng định: “Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tấn công”.

Chiều 4/5/1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa bay ra thị sát mặt trận giới tuyến, họp kín với các tư lệnh chiến trường. Tướng Thomas Bowen – cố vấn quân sự Mỹ tại Quân khu 1 cho biết, Mỹ đã thay thế các xe tăng và pháo binh mà quân ngụy bị mất và hư hại tại Quảng Trị. Đại bác từ Mỹ cũng được chở thẳng sang và xe tăng chở từ Nhật tới để chuẩn bị cho chiến dịch. Như vậy, chúng ta có thể thấy, Mỹ và ngụy đã dồn rất nhiều nỗ lực, cố gắng cao nhất cho Chiến dịch này. Và mặc dù từ đầu đến cuối chiến dịch, ta luôn giữ quyền chủ động chiến lược, buộc địch phải bị động điều quân, làm cho thế bố trí chiến lược của chúng trên toàn miền Nam bị đổ vỡ, rối loạn, nhưng khả năng của ta có hạn, không thể đánh dứt điểm các mục tiêu như ý định ban đầu. Tuy Mỹ – ngụy có trang bị kỹ thuật hiện đại nhưng cuộc đương đầu lịch sử đó đã phân rõ thắng, bại.

Nói tóm lại, có rất nhiều đánh giá, nhìn nhận, bình luận, phân tích từ những người phía bên kia, cũng như là báo đài nước ngoài. Nhưng tựu chung lại thì những người trong cuộc họ cũng đã phải thừa nhận thất bại trong việc để mất Quảng Trị và không thể tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị.

PV: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert McNamara là “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Năm 1995, ông xuất bản cuốn hồi ký: “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam”, ông ta đã cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ”. Ông ta đã chỉ ra 14 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh này, đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc Việt Nam có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”. Đại tá có bình luận như thế nào về nhận định này?

Đại tá PGS.TS Trần Nam Chuân: Tôi cho rằng, đó là sự nhìn nhận đúng thực tế, nhìn thẳng vào sự thật của người trong cuộc. Và tôi cũng xin được làm rõ thêm, đó là ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cay đắng thừa nhận thất bại như vậy thì cũng có rất nhiều nhận định khác nữa liên quan đến vấn đề này. Ví dụ như trong cuốn sách: “Vietnam, ngày nay” (Vietnam, Now), tác giả David Lamb viết: “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Người Mỹ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự sẽ thắng cuộc chiến, không bao giờ để ý đến chuyện tìm hiểu là họ chiến đấu với ai.

Liên quan đến vấn đề này thì tôi cũng xin được trích dẫn câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng cháy với bom đạn của chúng, mà chính chúng ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

PV: Vậy Đại tá có thể cho biết, sự kiện Quảng Trị năm 1972 đã ảnh hưởng đến nước Mỹ cũng như cục diện chiến trường như thế nào trong bối cảnh lúc bấy giờ?

Đại tá PGS.TS Trần Nam Chuân: Có thể nói, cuộc chiến đấu của chúng ta bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra cách đây 50 năm, nhưng thời gian không thể xoá mờ ký ức về một thời “hoa lửa” trên mảnh đất Quảng Trị. Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, nhất là thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại.

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, một lần nữa chúng ta khẳng định Mỹ-ngụy không thể thắng ở Quảng Trị và ở Việt Nam. Bởi vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính tri và Quân ủy Trung ương. Chúng ta có tình đoàn kết, có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân xâm lược.

Chiến dịch này, là một đòn giáng mạnh làm thất bại âm mưu của Mỹ-ngụy muốn tạo ra thắng lợi trên chiến trường để chèn ép chúng ta tại bàn đàm phán Paris. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, Mỹ-ngụy đã thất bại và có thể coi là bị phá sản trong chiến dịch này.

Đồng thời, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và sự kiện Quảng Trị đã tạo những chấn động đối với nội tình nước Mỹ, nhất là trong thời điểm nhạy cảm, đó là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Nixon. Thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với thắng lợi của trận Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không” cuối Tháng 12/1972, đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris; chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

PV: Xin cảm ơn Đại tá.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới