Khoảng 18,9 tỷ USD hàng hóa xuất sang Trung Quốc trong năm 2021 đã được cấp C/O mẫu E để hưởng ưu đãi thuế quan, tiếp đó là C/O mẫu EUR.1 với 8,1 tỷ USD, Hàn Quốc 11,18 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2021 vừa được Bộ Công thương công bố đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% trên 211,50 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.
Theo công bố này, năm 2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.232.703 bộ C/O ưu đãi với trị giá 69,08 tỷ USD, tăng 24,33% về trị giá và 23,34% về số lượng C/O so với năm 2020.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 32,66% cùng với tốc độ tăng trưởng 24,33% cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong thời điểm hai năm 2020 – 2021, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 32,66% không có nghĩa là 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.
Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường như Singapore đã là 0% nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore được cấp C/O ưu đãi (322,68 triệu USD) chỉ chiếm gần 8,13% trong 3,97 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có thuế suất MFN ở mức thấp (1 – 2% hoặc tương đương với thuế FTA) nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O. Ví dụ: Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.
Hơn nữa, theo lộ trình giảm thuế FTA, một số mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm cao, danh mục loại trừ hoặc lộ trình giảm thuế dài nên dù có C/O thì cũng không được hưởng thuế quan ưu đãi.
Trong cơ cấu ngành hàng năm 2021, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020.
Nhựa và cao su là các nhóm sản phẩm đứng thứ hai với tỷ lệ sử dụng lần lượt 69,02% và 67,37% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 2,87 tỷ USD và 2,38 tỷ USD, tăng tương ứng 33,25% và 30,42% so với năm 2020.
Tiếp đó là sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 9,14 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 59,90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (hơn 15,26 tỷ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 13,35% so với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2020.
Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ sử dụng ưu đãi tương đối tốt như thủy sản (66,34%), rau quả (65,16%), chè (47,35%) và hạt tiêu (42,03%).
Sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép có kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi gần 5,29 tỷ USD, chiếm tỷ lệ sử dụng ưu đãi 49,86% so với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có FTA (10,60 tỷ USD)
Cũng theo số liệu của Bộ Công thương, về kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi theo thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với C/O mẫu E cấp cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường này trị giá hơn 18,9 tỷ USD. Tiếp đó là C/O mẫu EUR.1 với 8,1 tỷ USD cấp cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. C/O mẫu AK/VK và mẫu D đạt lần lượt gần 11,18 tỷ USD và 11,56 tỷ USD cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước ASEAN.
C/O mẫu S có kim ngạch không đáng kể và số liệu thống kê không ghi nhận việc cấp C/O mẫu X do phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia sử dụng C/O mẫu D (trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN).
Sở dĩ, tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu S (10,3%) không cao và doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O mẫu X do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp sử dụng C/O mẫu D thay cho mẫu S và X.
Ngoài ra, tỷ lệ cấp C/O mẫu CPTPP không cao, chỉ đạt 6,34% một phần do hầu hết các nước đối tác trong CPTPP đều đã có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, quy tắc xuất xứ dễ hơn và mức thuế suất ưu đãi tốt hơn so với CPTPP trong những năm đầu hiệp định này có hiệu lực.
T.P