Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgân hàng làm 'sân sau' cho các ông chủ doanh nghiệp phát...

Ngân hàng làm ‘sân sau’ cho các ông chủ doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Các chuyên gia cảnh báo đang có tình trạng ngân hàng làm sân sau cho các ông chủ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không giám sát, nguy cơ Việt Nam sẽ có các tập đoàn tài chính như các chaebol Hàn Quốc.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất rủi ro.

Sáng 25.5, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Báo cáo thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022.

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang là rủi ro lớn nhất của thị trường tài chính. Trước đây, Việt Nam không giám sát cụ thể, để phát triển tự do nhưng khi có sự cố lại tìm cách ngăn chặn.

Đặc biệt, thị trường TPDN rất quan trọng cho bất động sản, cung cấp vốn trung và dài hạn lớn hơn nhiều so với nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng. Hơn nữa, tổng nguồn vốn cho thị trường bất động sản từ nay đến 2030 là khoảng 1 triệu tỉ đồng, nếu vốn này huy động từ thị trường trái phiếu sẽ linh hoạt hơn so với huy động từ vốn tín dụng ngân hàng.

“Trái phiếu không trả gốc, chỉ trả lãi, trái phiếu doanh nghiệp có thể đảo nợ được nhưng tín dụng ngân hàng không đảo nợ được. Việc đến hạn có thể phát hành trái phiếu đảo nợ là việc hợp lý thôi vì thời lượng trái phiếu ngắn quá, dự án 5 – 7 năm, trong khi kỳ hạn trái phiếu có 3 năm…”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nêu.

Theo ông Nghĩa, việc thị trường TPDN riêng lẻ bị đình trệ lại có tác động lớn. Các dự án bất động sản mới thời gian tới có thể tiếp cận được vốn nhưng lo nhất là các dự án cũ đang sử dung vốn huy động từ trái phiếu không được phát hành tiếp hoặc được đảo nợ. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu là thấy rõ!

Chuyên gia này dự đoán, năm 2023 có 270.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Đây là bài toán mà nếu không giải được sẽ khiến toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại?

“Vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra, khi ấy toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Một số ngân hàng thương mại sẽ rơi vào tình trạng rất xấu, đặc biệt là ngân hàng có doanh nghiệp bất động sản là sân sau”, ông Nghĩa phân tích và cho rằng quan trọng nhất hiện nay là thị trường này phải được phát triển minh bạch và có tính tự chịu trách nhiệm.

Biến ngân hàng thành sân sau

Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), cũng cho biết tổng tài sản thị trường tài chính của Việt Nam hiện bằng 300% GDP, đây là quy mô cao, nói lên việc phụ thuộc vốn lớn từ ngân hàng và các tập đoàn tài chính.

“Đang có xu hướng bùng nổ thị trường trái phiếu và giờ chúng ta đi siết lại nó. Phải đặt ra câu hỏi tại sao phát hành TPDN riêng lẻ đối với bất động sản lại thành công như vậy. Tôi thấy đằng sau đó có sự móc ngoặc giữa các ông chủ bất động sản với ngân hàng hoặc ông chủ bất động sản mua lại, thôn tính một vài ngân hàng để ngân hàng sẵn sàng trở thành kênh phát hành, bảo lãnh mua trái phiếu cho mình”, ông Hòe nói.

Vẫn theo chuyên gia này, có tình trạng ngân hàng làm đại lý phát hành, tư vấn, đứng ra cầm cố tài sản đảm bảo…. thực chất các ông chủ bất động sản biến ngân hàng trở thành nơi huy động vốn cho mình. Điều này rất rủi ro cho cân đối tài chính.

Ông Hòe cảnh báo, Việt Nam đã có những tập đoàn tài chính, ở đâu đó doanh nghiệp đứng phía sau, nắm ngân hàng. Đã đến lúc phải giám sát hoạt động của các tập đoàn tài chính để hạn chế lũng đoạn, nếu không có thể một ngày Việt Nam sẽ phải giải quyết các vấn đề của các tập đoàn tài chính như kiểu của các chaebol – tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới