Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaTàu cá dân quân biển TQ xuất hiện ở Nam Mỹ, tham...

Tàu cá dân quân biển TQ xuất hiện ở Nam Mỹ, tham vọng cường quốc biển toàn cầu của Bắc Kinh                            

Những năm gần đây, Trung Quốc ở vị trí đầu tiên trong số các nước có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp. Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2020, số lượng các vụ vi phạm nghề cá trên toàn cầu của các tàu cá mang cờ Trung Quốc chiếm khoảng 21%.       

Điều đáng nói là lực lượng ngư dân là một bộ phận của dân quân Trung Quốc, nó gồm các đội tàu đánh bắt cá được trang bị thêm nhiều phương tiện chuyên dụng hơn so với tàu cá thông thường của các nước, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có những nhiệm vụ mới được triển khai gần đây. Nếu như tại Biển Đông, các đội tàu cá của lực lượng dân quân biển Trung Quốc được bố trí phối hợp với các lực lượng cứng khác như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, hải giám để vừa đánh bắt cá, vừa thực hiện tham vọng “chủ quyền” ở vùng biển này, thì giờ đây lực lượng này đã và đang vươn tới các vùng biển xa khác trên khắp thế giới, trong đó có khu vực Nam Mỹ. Bắc Kinh giải thích cho sự xuất hiện của ngư dân Trung Quốc tại các vùng biển xa là do nhu cầu ngày càng tăng của họ đối với nguồn cung hải sản. Thế nhưng, thực tế thì không hẳn là như vậy.

  

Tháng 6/2020, lực lượng chức năng của Ecuador phát hiện sự hiện diện đông đảo của đội tàu cá Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển nước này. Đến tháng 8/2020, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi đội tàu cá Trung Quốc gồm khoảng 300 chiếc tập trung quanh quần đảo Galapagos ở rìa Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ecuador. Chính quyền Ecuador cho biết, đây là lần tập trung lớn nhất của các tàu cá Trung Quốc, sử dụng các phương thức đánh cá bất hợp pháp như giả mạo nhận dạng tàu và tắt hệ thống theo dõi.

Khi bị chính quyền Ecuador cảnh báo, Đại sứ Trung Quốc tại Ecuador khẳng định, đội tàu của nước này tuân thủ các quy định đánh bắt cá quốc tế và không tham gia bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào. Tuy nhiên, việc thu thập và phân tích dữ liệu sau đó cho thấy, tàu cá Trung Quốc đã đi vào EEZ của Ecuador sau khi tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), vốn được sử dụng để truyền thông tin về đăng ký, tốc độ và vị trí của tàu, một yêu cầu của hoạt động tàu thuyền trên biển theo các quy tắc quốc tế.

Các tổ chức bảo tồn quốc tế cho biết, từ ngày 13/7 đến 13/8/2020, ngư dân Trung Quốc ở gần quần đảo Galapagos đã liên tục tắt hệ thống AIS của họ trong khoảng thời gian trung bình hai ngày để bí mật đánh bắt cá và các loại hải sản khác. Dựa trên dữ liệu quan sát trực quan trên không hoặc từ các tàu tuần tra, Bộ Quốc phòng Ecuador đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết, khoảng một nửa số tàu trong đội tàu đánh cá của Trung Quốc đã sử dụng cách làm như vậy. Đến tháng 9/2020, các ngư dân Trung Quốc đã di chuyển xuống phía Nam, xâm phạm vào vùng EEZ của Peru. Chính quyền Peru đã phản đối việc tàu Trung Quốc đánh bắt thủy sản ồ ạt ngoài khơi nước này. Vào tháng 12/2020, Hải quân Chile cũng đã xác nhận sự hiện diện của hơn 400 tàu cá Trung Quốc, một phần trong số đó đã thường xuyên đi vào EEZ của Chile. Sau một cuộc hải trình kéo dài nửa năm của đội tàu đánh cá Trung Quốc dọc theo bờ biển Thái Bình Dương ở Nam Mỹ, các nước Ecuador, Peru, Chile và Colombia đã tuyên bố cam kết hợp tác để ngăn chặn và chống lại bất kỳ nỗ lực đánh bắt cá bất hợp pháp nào.

Cho đến nay, Argentina là quốc gia duy nhất trong khu vực có hành động phản đối mạnh mẽ hoạt động đánh bắt hải sản của Trung Quốc. Tháng 3/2016, Hải quân Argentina lần đầu tiên đánh chìm một tàu cá của Trung Quốc vì đã đi vào EEZ của nước này để đánh bắt mực trái phép, tháng 4/2020, ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép ngoài khơi Argentina đã phải nộp phạt khoản tiền khoảng 650.000 USD. Một tháng sau, Hải quân Argentina bắt giữ thêm hai tàu Trung Quốc trong EEZ của mình. Vào khoảng thời gian cao điểm của mùa đánh bắt hải sản, có tới trên 200 tàu Trung Quốc ngoài hoạt động đánh bắt ở khu vực ngoài khơi của Argentina. Theo các nhà chức trách Argentina, vào tháng 1/2021, có hơn 100 tàu ở Vịnh Sao Jorge, hầu hết là tàu của ngư dân Trung Quốc.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là sự hiện diện đông đảo của tàu cá Trung Quốc ở vùng biển các nước Nam Mỹ nói trên là nhằm mục đích gì?

Thứ nhất, về hoạt động đánh bắt cá. Hiện nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ thủy, hải sản lớn nhất thế giới và nguồn thực phẩm này rất được tầng lớp trung lưu – vốn đang gia tăng nhanh chóng ở nước này, ưa chuộng. Năm 2020, người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 57 triệu tấn hải sản và dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 80 triệu tấn. Trong khi đó, các vùng biển của Trung Quốc đã bị khai thác quá mức trong những thập kỷ gần đây. Kết quả là tổng lượng cá ở vùng biển của Trung Quốc chỉ còn chưa đầy 15%. Vì lý do này nên ngư dân Trung Quốc đang ngày càng tìm kiếm nguồn cá ở những vùng biển xa trên thế giới, và họ cần những con tàu hiện đại, được trang bị tốt cho các chuyến ra khơi xa như vậy. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Anh từ Viện nghiên cứu phát triển nước ngoài (ODI), khoảng 17.000 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt bên ngoài lãnh hải của nước này. Đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới này đang tích cực đánh bắt hải sản ở phía tây nam Đại Tây Dương và phía đông nam Thái Bình Dương, đặc biệt là ngoài khơi Nam Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp một khoản tiền lên tới 5,9 tỷ USD cho ngành đánh bắt cá, trong đó 94% là dành cho việc mua nhiên liệu. Theo tính toán, mỗi tàu cá được trợ cấp khoảng 347.000 USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia đánh bắt hải sản lớn nào khác trên thế giới tài trợ cho ngư dân của mình. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hỗ trợ trang trải chi phí cho lắp đặt động cơ mới, vỏ tàu hiện đại hơn, có tủ đông lạnh, dịch vụ y tế và an ninh cho thuyền viên, qua đó cho phép các đội tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt xa bờ ở Nam Mỹ và Tây Phi mà không cần cập cảng trong nhiều tháng.

Thứ hai, các tàu Trung Quốc không chỉ tham gia đánh bắt hải sản để đảm bảo an ninh lương thực và kinh tế của đất nước, mà còn hoạt động như “tai mắt” cho lực lượng Hải quân Trung Quốc bởi hầu hết các tàu đều được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. Thiết bị này cho phép trao đổi thông tin giữa ngư dân trên các tàu cá với các cơ quan giám sát khác nhau của Chính phủ Trung Quốc, cho phép ngư dân Trung Quốc tiếp cận thông tin tình báo từ chính phủ, giúp họ tìm ra những ngư trường nhiều cá nhất. Đến lượt mình, các ngư dân này cũng chia sẻ dữ liệu hiện tại về tình hình trên thực địa, qua đó thực hiện chức năng giám sát hàng hải trên toàn thế giới. Bằng cách sử dụng các tàu phi quân sự ở những khu vực xa xôi, Trung Quốc có thể hiểu sâu hơn về tình hình các đại dương trên thế giới. Trong tương lai, điều này sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc lập kế hoạch tốt hơn cho các hoạt động của lực lượng viễn chinh và kiểm soát các vùng biển. Hơn nữa, một phần lực lượng của các đội tàu cá thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được coi là “lực lượng phụ trợ” của Hải quân Trung Quốc, bởi được biết, tất cả các thuyền viên đều đã trải qua khóa huấn luyện quân sự cơ bản, các thuyền trưởng cũng được đào tạo về kiến thức chiến thuật cơ động. Các lực lượng bán quân sự với chức năng kép như vậy có thể được sử dụng để đảm bảo sự hiện diện lâu dài và khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi việc sử dụng công khai các tàu quân sự và tàu tuần tra có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Thứ ba, việc Trung Quốc đưa các đội tàu cá đến các nước Nam Mỹ để đánh bắt cá, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế là có thật, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, mà xa hơn là Trung Quốc đang vươn xa ra các vùng biển trên thế giới để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển toàn cầu vào năm 2050. Với việc xuất hiện thường xuyên hàng trăm tàu cá cách bờ biển của mình hàng nghìn cây số cho phép Trung Quốc dần thay đổi các quy chuẩn về những hành vi có thể chấp nhận được ở những nơi xa trên nhất thế giới. Tận dụng các quy định về đánh bắt ở các vùng biển quốc tế, Trung Quốc không chỉ làm giảm lượng thủy sản của đại dương mà còn thể hiện sự hiện diên của mình phục vụ các ý đồ chiến lược dài hơi. Hoạt động này của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên chung của loài người và các âm mưu lâu dài của nước này.

Cộng đồng quốc tế một mặt cần cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc, mặt khác cần chung tay hợp tác để càng đẩy lùi các hành vi phi pháp, các hành vi lợi dụng kẽ hở của Luật pháp quốc tế để phục vụ mưu đồ của nước này.

                                                                                      Thái Yên

RELATED ARTICLES

Tin mới