Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTập Cận Bình ra tay triệt đệ tử của Giang Trạch Dân

Tập Cận Bình ra tay triệt đệ tử của Giang Trạch Dân

Sớm nhất là vào tháng Sáu này tại Thượng Hải, người sáng lập Tomorrow Group Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) sẽ bị xét xử bởi các tội danh hình sự bị cáo buộc. Ông bị bắt tại Hong Kong vào năm 2017. Ngoại giới phân tích cho rằng, trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, ông Tập Cận Bình sẽ mượn vụ này để “đả đại hổ” đứng sau Tiêu Kiến Hoa, cũng chính là “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân”, đối thủ chính trị sống còn của ông Tập.

Vào tháng 1/2017, ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) bị đưa đi khỏi khách sạn Four Seasons ở Hong Kong. Sau khi mất tích 5 năm, truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng ông sẽ bị xét xử ở Thượng Hải.

Vụ án tài chính Tiêu Kiến Hoa là “Đại án số một Trung Nam Hải”

Ông Tiêu Tân Hoa (Xiao Xinhua), anh trai của Tiêu Kiến Hoa, cho biết trong một email trả lời The Wall Street Journal rằng: “Sau 5 năm bình tĩnh chờ đợi, theo các chỉ dẫn nghiêm khắc của em trai tôi, gia đình chúng tôi vẫn tin tưởng vào chính phủ Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các nhà chức trách có thể cho gia đình chúng tôi một kết luận có thể chấp nhận được”.

Ông Tiêu Tân Hoa từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết về vụ án của em trai mình. “Nó vô cùng phức tạp và đầy kịch tính”, ông nói.

1. Vụ án có thời gian xét duyệt lâu nhất?

Vào ngày 27/1/2017, theo tờ Financial Times và các kênh truyền thông nước ngoài khác, ông Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tomorrow Group, đã bị đưa từ khách sạn Four Seasons ở Hong Kong về Trung Quốc đại lục để điều tra.

Nếu vụ án được xét xử tại Thượng Hải vào tháng 6/2022, có nghĩa là thời hạn xem xét vụ án kéo dài tới 5 năm và hơn 4 tháng. Đây là trường hợp có thời gian thẩm tra lâu nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2013; và cũng là trường hợp có thời gian điều tra dài nhất trong 44 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện cải cách mở cửa vào năm 1978.

2. Tại sao thời gian thẩm tra lại lâu như vậy?

Vào tháng 2/2017, một nguồn tin ở Trung Nam Hải tiết lộ rằng vụ án Tiêu Kiến Hoa là “Đại án số một Trung Nam Hải”. Tại sao lại nói như vậy? Vì cho đến nay Tiêu Kiến Hoa vẫn là “cá sấu tài chính” lớn nhất Trung Quốc.

Năm 1999, Tiêu Kiến Hoa thành lập Tomorrow Holding Limited Company. Chỉ sau hơn chục năm “phát triển vượt bậc”, công ty đã nhanh chóng bứt phá thành một “siêu tập đoàn tài chính”.

Theo thống kê của New Fortune, tính đến cuối tháng 6/2017, Tomorrow Group đang nắm giữ cổ phần của 44 công ty tài chính. Trong đó có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 8 công ty chứng khoán, 4 công ty ủy thác, 3 quỹ, 1 công ty cho thuê và 2 công ty hàng hóa kỳ hạn. Tập đoàn này có giấy phép kinh doanh trên mọi lĩnh vực của ngành tài chính, nắm giữ số cổ phần lên đến 3.000 tỷ nhân dân tệ (CNY) trong các cơ quan tài chính.

Theo Forbes, trong năm 2018, người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos – nhà đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Amazon – có giá trị tài sản ròng cá nhân là 138,8 tỷ USD, tương đương 888,8 tỷ CNY. Thế nhưng vẫn chưa bằng 1/3 tài sản của Tomorrow Group. Tiêu Kiến Hoa đã trở thành “cá sấu tài chính” số một trong giới tài phiệt Trung Quốc.

Dính líu đến gia tộc Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng

Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, ngành tài chính là một trong những ngành sinh lợi nhiều nhất. Vậy ai đang nắm quyền kiểm soát ngành này trong ĐCSTQ? Không ai khác ngoài người có quyền có thế nhất trong thể chế này.

Thời điểm Tiêu Kiến Hoa trở nên giàu có chính là khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân nắm quyền hoặc khi ông ta là “Thái Thượng Hoàng” buông rèm nhiếp chính. Vào thời điểm đó, ngành tài chính của ĐCSTQ do “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân” kiểm soát.

Tiêu Kiến Hoa không có bối cảnh gia đình hiển hách. Ông sinh ngày 13/1/1972 tại làng Hạ Huy, thị trấn An Giá Trang, thành phố Phì Thành, tỉnh Sơn Đông. Tại sao ông ta có thể lấy được tất cả các giấy phép trong ngành tài chính mà chỉ những người quyền lực nhất trong ĐCSTQ mới có thể có được?

Ở đây, không cần suy nghĩ phức tạp, chỉ dựa vào những thường thức đơn giản cũng có thể phán đoán, ông Tiêu là “người được chọn” bởi tập đoàn Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng; một người sẽ đứng ra ánh sáng để thao túng, rửa tiền và kiếm tiền với khối lượng khổng lồ cho thế lực trong bóng tối. Một “người được chọn” như vậy sẽ có danh vọng, tiền tài nhưng đổi lại anh ta hoàn toàn có thể trở thành tên tốt thí mạng trên bàn cờ kinh tế – chính trị phe phái tanh máu của Bắc Kinh. Nếu không phải như vậy, ông ta sẽ không thể nhận được tất cả các giấy phép trong ngành.

Theo truyền thông nước ngoài, vụ án Tiêu Kiến Hoa có thể liên quan đến gia tộc của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ, Trương Đức Giang, Lý Lam Thanh. Đây mới là lý do thực sự khiến vụ án Tiêu Kiến Hoa mất nhiều thời gian thẩm tra nhất.

Năm vấn đề lớn liên quan đến vụ Tiêu Kiến Hoa

1. Cuộc “đảo chính tài chính” năm 2015

Sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu vào mùa hè năm 2015 (mất tới hơn 50%, được coi là thị trường đã nổ bong bóng) được gọi là một cuộc “đảo chính tài chính”, nhằm chống lại chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Và “cá sấu tài chính” số một Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa được cho là kẻ đứng sau hậu trường, dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia hiện đang sống ở Úc, có mối quan hệ thầy trò với Tiêu Kiến Hoa khi Tiêu đang học tại Đại học Bắc Kinh và thường xuyên tiếp xúc với nhau. Ông Viên cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times rằng, cuộc “đảo chính tài chính” vào năm 2015 là do Tiêu Kiến Hoa lên kế hoạch và thao túng.

“Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã động chạm đến những gia tộc Thái tử ĐCSTQ ở một mức độ đáng kể, hay nói cách khác, lợi ích của những gia tộc này đang bị đe dọa. Cuộc ‘đảo chính tài chính’ năm 2015 xảy ra trong tình huống đó, do Tiêu Kiến Hoa cầm đầu và thao túng”, Giáo sư Viên cho hay.

Ông Ngô Minh Đức (Wu Mingde), một nhân viên ngân hàng cấp cao ở Hong Kong, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, trong cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015, “Hong Kong là trung tâm chỉ huy”. Khi đó, Tiêu Kiến Hoa đang ở tại khách sạn Four Seasons Hong Kong, và chỉ đạo thị trường chứng khoán Singapore, Hong Kong, Thượng Hải. Như thể ông ta coi Hong Kong là “đại bản doanh” của mình. “Ông ta thích thì kéo nó lên một chút, không thích thì lại dập xuống. Từ tháng 4 đến tháng 6, ông ta đã kéo toàn bộ thị trường Trung Quốc (Chỉ số Thượng Hải Composite) lên mức cao nhất là hơn 5.170 điểm và đập nó xuống hơn 2.800 điểm”.

2. Tay không nuốt trọn 156 tỷ nhân dân tệ

Ngày 7/2/2021, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh ra phán quyết: Phá sản ngân hàng Baoshang Bank (Ngân hàng Bao Thượng BSB). Cổ đông lớn nhất của Baoshang Bank là ai? Đó là Tomorrow Group do Tiêu Kiến Hoa kiểm soát, với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 89,27%.

Theo ông Chu Học Đông (Zhou Xuedong), cựu trưởng nhóm tiếp quản Baoshang Bank: “Kết quả thẩm tra tài sản cho thấy, trong 15 năm từ năm 2005 đến 2019, Tomorrow Group đã đăng ký 209 công ty ma và vay 347 khoản vay tín chấp với tổng giá trị lên tới 156 tỷ nhân dân tệ, tất cả đều là nợ xấu”.

Nghĩa là thông qua người đứng đầu Baoshang Bank Lý Trấn Tây (Li Zhenxi), Tomorrow Group đã lấy đi toàn bộ 156 tỷ nhân dân tệ theo cách “tay không bắt giặc”. Một xu cũng không thể thu hồi.

3. Chín tổ chức tài chính bị tiếp quản

Bắt đầu từ ngày 17/7/2020, Ủy ban Quản lý Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã tiếp quản 6 tổ chức tài chính thuộc Tập đoàn Tomorrow trong hai năm. Nguyên nhân là do cả sáu tổ chức tài chính này đều có hoạt động bất hợp pháp.

Từ ngày 17/7/2020, CBIRC cũng tiếp quản New Times Securities, Guosheng Securities và Guosheng Futures trực thuộc Tomorrow Group trong hai năm. Nguyên nhân là do 3 công ty này che giấu người kiểm soát thực tế hoặc che giấu tỷ lệ sở hữu cổ phần; vào do quản trị công ty mất cân đối.

4. Chuyển nhượng cổ phần của hơn 10 tổ chức tài chính

Vào ngày 9/6/2019, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Financial Times về việc xử lý vốn cổ phần của Tomorrow Group, người phát ngôn của CBIRC cho biết: “(Tomorrow Group) đã chuyển nhượng cổ phần mà họ nắm giữ ở hơn 10 tổ chức tài chính như Ngân hàng Duy Phường, Ngân hàng Thái An, Quỹ tín thác Trung Giang, v.v. cho các nhà đầu tư mới và các cổ đông mới sẽ là người kinh doanh, quản lý”.

5. “Đế chế tài chính” của Tiêu Kiến Hoa bị triệt phá

Ngày 30/5, Công ty quản lý quỹ Rongtong (sau đây gọi tắt là Rongtong Fund) ra thông báo cho biết: Ông Cao Phong (Gao Feng), cựu chủ tịch công ty, đã từ chức vì lý do cá nhân, và người kế nhiệm là ông Trương Uy (Zhang Wei) đã nhậm chức vào ngày 27/5.

Công ty này từng thuộc “siêu tập đoàn Tomorrow” và do New Times Securities sở hữu 60%. New Times Securities là một trong những tổ chức tài chính cốt lõi trực thuộc Tomorrow và đã bị CBIRC tiếp quản vào tháng 7/2020. Vào tháng 3/2022, CBIRC đã phê duyệt cho China Chengtong mua 98,2% cổ phần của New Times Securities. China Chengtong thuộc sở hữu của cơ quan quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc. Chủ tịch mới của Rongtong Fund – ông Trương Uy – từng là giám đốc bộ phận quản lý tài chính của China Chengtong.

Tờ South China Morning Post bình luận rằng, việc điều chỉnh nhân sự của Rongtong Fund là một biện pháp khác mà các nhà quản lý Trung Quốc thực hiện để giảm bớt rủi ro tài chính. Cũng tức là phá bỏ mạng lưới kinh doanh khổng lồ của Tiêu Kiến Hoa, từ các ngân hàng, công ty môi giới cho đến các công ty quản lý tài sản và tín thác.

Tại sao ông Tập xử vụ Tiêu Kiến Hoa vào thời điểm này?

Nguyên nhân quan trọng nhất là, hiện đang là thời điểm trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, ông Tập Cận Bình muốn mượn vụ án này để đánh thế lực chính trị hậu thuẫn cho Tiêu Kiến Hoa – nhóm lợi ích của Giang Trạch Dân.

Tiêu Kiến Hoa là một “kẻ thông minh”. Một năm trước khi Tomorrow Holding được thành lập, trong Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, với tư cách là Chủ tịch Hội sinh viên của Đại học Bắc Kinh, Tiêu Kiến Hoa đã chọn đứng về phía ĐCSTQ và “giữ một sự nhất quán cao độ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Giang Trạch Dân là nòng cốt”.

Vào ngày 31/1/2017, ngày thứ tư sau khi Tiêu Kiến Hoa được đưa từ Hong Kong về Đại lục để điều tra, tài khoản WeChat chính thức của Tomorrow Holding đăng tải một tuyên bố của “Tiêu Kiến Hoa”. Tuyên bố viết, “Cá nhân tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc là chính phủ văn minh và pháp quyền. Mọi người đừng hiểu nhầm. Không có việc [tôi] bị bắt cóc về Đại lục, tôi một lòng yêu đảng yêu nước”.

Tiêu Kiến Hoa không chỉ có thẻ công dân cư trú ở Hong Kong từ lâu, mà còn mang hai quốc tịch gồm Canada và một quốc đảo nhỏ tên là Antigua và Barbuda. Ông ta còn là Đại sứ lưu động tại Antigua và Barbuda – quốc gia nằm ở Trung Mỹ và có dân số ít nhất thế giới.

Ông Tập có thể đã nắm được điểm yếu của phe đối lập

Trước Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc, các lực lượng chống Tập thường xuyên phát động các cuộc khẩu chiến cả trong và ngoài nước nhắm vào ông. Ông Tập đã thực hiện một loạt biện pháp đối phó, một trong số đó là “vạch ra lằn ranh đỏ” đối với các nguyên lão ĐCSTQ.

Ngày 15/5, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ Tân Hoa Xã đăng tải bài viết có tiêu đề “Ý kiến ​​về công tác tăng cường xây dựng Đảng đối với cán bộ hưu trí trong thời kỳ mới” (sau đây gọi tắt là “Ý kiến”) do Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành.

“Ý kiến” yêu cầu các cán bộ hưu trí “không được tự ý nghị luận về các chủ trương lớn của Trung ương Đảng, không truyền bá các nhận xét tiêu cực về chính trị, không tham gia các hoạt động tổ chức xã hội trái pháp luật, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cho bản thân và người khác”.

“Ý kiến” này nhằm cảnh cáo các bô lão trong “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân” rằng, các ông không có ai là trong sạch, tôi đã nắm được thóp của các ông. Điểm yếu này có thể là những “bằng chứng” do Tiêu Kiến Hoa cung cấp. Lý do khiến ông Tập xử “Đại án số một Trung Nam Hải” trước thềm Đại hội Đảng 20 là để cảnh báo Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng và bè lũ chớ làm càn, nếu không hãy chờ xem.

Hai hướng đi của vụ án

Từ nội dung email anh trai của Tiêu Kiến Hoa trả lời The Wall Street Journal, có thể thấy Tiêu Kiến Hoa đã rất hợp tác với chính quyền ông Tập trong thời gian bị giam giữ. Trong hơn 5 năm kể từ khi Tiêu Kiến Hoa bị bắt, chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy Tiêu Kiến Hoa bị tạm giữ hình sự theo pháp luật, bị bắt theo pháp luật, bị điều tra theo pháp luật, hay bị chuyển sang viện kiểm sát để xem xét và truy tố theo pháp luật. Có thể thấy rằng vụ án Tiêu Kiến Hoa hoàn toàn là một vụ án chính trị, và ĐCSTQ đã làm theo “quy tắc ngầm”.

Cách thức ĐCSTQ giải quyết các vụ án chính trị là căn cứ vào nhu cầu chính trị. Do đó, vụ án của Tiêu Kiến Hoa bị xét xử thế nào sẽ phụ thuộc vào hiệu quả chính trị mà ĐCSTQ muốn đạt được. Nếu Tiêu Kiến Hoa biểu hiện tốt và lập được công lớn, ông ta có thể chỉ bị phạt nhẹ; nếu các thế lực chính trị đứng sau Tiêu Kiến Hoa bất chấp làm càn, kết quả có thể sẽ khác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới