Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác quốc đảo Nam Thái Bình dương trước hiểm họa nước biển...

Các quốc đảo Nam Thái Bình dương trước hiểm họa nước biển dâng

BienDong.Net: Những thách thức đặt ra do biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải bảo vệ một trong những môi trường đại dương thanh khiết nhất còn lại trên thế giới là một trong những chủ đề lớn bao trùm Hội nghị cấp cao Diễn đàn các quốc đảo Nam Thái Bình dương(PIF) họp từ 27 đến 31.8 tại đảo Cook.

Trừ Australia, New Zealand và Papua New Guinea giàu có, phần lớn các nước khác trong khối này đều là những hòn đảo nhỏ chỉ nhô cao trên mặt nước biển vài mét và có nguy cơ bị xóa sổ nếu tình trạng nóng lên trên toàn cầu làm tan chảy băng ở hai cực khiến nước biển dâng lên.

Trong phát biểu với báo chí trước thềm hội nghị, ông Tuiloma Neroni Slade, Tổng Thư kí PIF tuyên bố: Chúng tôi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động của biến đổi khí hậu với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt, bờ biển xói lở, tình trạng nước biển bị nhiễm a-xít ảnh hưởng tới các rặng san hô.

Mặc dù sở hữu diện tích đất đai rất nhỏ, song theo Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, các quốc đảo Nam Thái Bình dương lại có lãnh hải vô cùng rộng lớn, chiếm tới 10% diện tích các đại dương.

Thủ tướng đảo Cook, ông Henry Puna dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị kế hoạch thiết lập một khu bảo tồn công viên biển trải rộng 1 triệu km2, coi đó là một đóng góp lớn phục vụ phúc lợi của của loài người, góp phần bảo tồn các hệ thống sinh thái và giữ gìn môi trường trong lành trên Thái Bình Dương.

Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, các quốc đảo Nam Thái Bình dương nhận thức rõ nguy cơ nước biển dâng lên đối với họ và sự cần thiết phải hành động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tokelau, quốc đảo có 1.400 dân đã đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời đầu tiên, và đến tháng 1.2013 sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống điện chạy toàn bằng năng lượng mặt trời.

Tại hội nghị Copenhagen vừa qua, các nhà khoa học khẳng định mực nước biển có thể tăng thêm một mét trước năm 2100, cao hơn nhiều so với dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Họ cho rằng các mô hình dự báo của ủy ban này không tính tới tác động tiềm tàng của hiện tượng tan băng ở hai cực.

Giáo sư Konrad Steffen (Đại học Colorado, Mỹ) lưu ý tới một số nghiên cứu mới về hiện tượng tan băng ở đảo Greenland, theo đó băng đang biến mất với tốc độ ngày càng tăng trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, tiến sĩ John Church (Trung tâm nghiên cứu thời tiết và khí hậu Australia) cho biết: “Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy mực nước biển đã tăng thêm 3 cm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của thế kỷ 20”.

Do vậy, dự tính từ nay đến 2100, mực nước các đại dương trên thế giới có thể dâng cao thêm từ 0,9 mét đến 1,6 mét, chủ yếu do hiện tượng tan băng tại vùng Bắc Cực và ở Greenland.

Lo sợ rằng tình trạng thay đổi khí hậu có thể nhấn chìm đất nước, các lãnh đạo tại quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương đã cân nhắc một kế hoạch di cư dân cả nước tới một nơi khác.

alt

Một đảo san hô của quốc đảo Kiribati ( ảnh Internet )

Tổng thống Kiribati Anote Tong cho biết nội các của ông đã ủng hộ một kế hoạch nhằm mua khoảng 2.400 héc-ta đất trên hòn đảo Viti Levu của Fiji cách nước này hơn 2000 km.

Khu đất màu mỡ này, do một nhóm nhà thờ rao bán với giá 9,6 triệu USD, có thể là một đảm bảo cho tổng dân số 103.000 người của Kiribati, mặc dù Tổng thống Anote Tong hi vọng người dân nước ông sẽ không phải dời bỏ tổ quốc ra đi.

“Chúng tôi hi vọng không phải đưa mọi người với một mảnh đất nhỏ bé như vậy, nhưng nếu điều đó là cần thiết thì chúng tôi phải làm”, ông Tong nói.

Quốc đảo Kiribati, với 32 đảo san hô vòng và một đảo san hô cao nằm rải rác quanh đường xích đạo và giáp với Đường đổi ngày Quốc tế, đã trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận về thay đổi khí hậu vì không ít các đảo này có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.

Ông Tong nói một số ngôi làng đã phải di dời và nước biển ngày càng xâm lấn nguồn nước ngầm của quốc đảo, vốn có ý nghĩa sống còn đối với cây cối và mùa màng. Ông Tong cho biết sự thay đổi về lượng mưa, thuỷ triều và bão tố cũng gây ra nhiều mối đe doạ giống như mực nước biển tăng.

Một số nhà khoa học ước tính rằng mực nước biển hiện tại ở Thái Bình Dương tăng khoảng 2mm mỗi năm. Nhiều chuyên gia dự đoán tốc độ đó sẽ được đẩy nhanh do sự thay đổi khí hậu.

Bạch Đằng ( theo AP và AFP )

RELATED ARTICLES

Tin mới