Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóng“Quyền lợi biển”: Khái niệm mơ hồ trong tham vọng cường quốc...

“Quyền lợi biển”: Khái niệm mơ hồ trong tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc

Trong bối cảnh thế kỷ 21 được coi là thế kỷ về biển, các lãnh đạo Trung Quốc hô hào phát triển Trung Quốc thành cường quốc biển. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Trung Quốc tiến ra biển một cách quyết đoán, bất chấp lợi ích của các quốc gia khác, gây ra không ít những căng thẳng và xáo trộn ở khu vực trong những năm qua.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra vào tháng 11/2012, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên kêu gọi “bảo vệ quyền lợi biển và xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”.(1) Tiếp đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại và nhấn vào việc bảo vệ các “quyền lợi biển” (haiyang quanyi), coi đây là trọng tâm trong việc xây dựng cường quốc biển. Tuy nhiên, cái “quyền lợi biển” mà các lãnh đạo Trung Quốc nêu ra là khái niệm mơ hồ, thể hiện trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng quyền lợi của họ là hợp pháp. Trung Quốc coi tính hợp pháp của yêu sách biển của nước này là vấn đề rất quan trọng vì dựa vào đó để biện minh cho các hành động quyết đoán của nước này ở Biển Đông. Ngôn từ thường thấy mà Trung Quốc sử dụng đó là “không tranh chấp”. Về mặt đối ngoại, Trung Quốc yêu cầu các nước khác phải tôn trọng các hành động đầy tham vọng của Trung Quốc bất kể nó lớn như nào. Về mặt nội bộ, Trung Quốc muốn hòa hợp “quyền lợi biển” với “toàn vẹn lãnh thổ”, “lợi ích cốt lõi” và các ưu tiên quốc gia khác nhằm tăng cường quyền lực cho chính quyền nhà nước.

Trung Quốc mập mờ về tính hợp pháp nhằm hai mục tiêu song song: (i) Đánh đồng quyền lợi biển với tất cả quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các khu vực biển mà Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trao quyền, bao gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa; và (ii) Quyền lợi biển của Trung Quốc vượt quá phạm vi của luật biển, cho nên trong tương lai, luật quốc tế cần phải điều chỉnh để cho phù hợp với yêu sách tham vọng của Trung Quốc. Điều này được nêu trong Bản lập trường (Position Paper) của Trung Quốc tháng 12/2014 về vụ kiện ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển của Philippines.

Ngoài ra, tính hợp pháp mà Trung Quốc viện dẫn còn được nhìn từ góc độ lịch sử. Trung Quốc lồng ghép “quyền lợi biển” vào lãnh thổ mà nước này cho rằng đã bị mất vào tay Nhật Bản và đế quốc phương Tây trong thời kỳ “thế kỷ ô nhục”.(2) Trung Quốc cho rằng bối cảnh lịch sử bất bình đẳng đó đã trao cho Trung Quốc tính hợp pháp đối với yêu sách hiện tại và Trung Quốc phải khôi phục lại những lãnh thổ đã bị mất, thậm chí còn hợp pháp hơn cả bộ luật được phê chuẩn hay không phê chuẩn. Điểm này được tuyên truyền rộng rãi và viện dẫn cho quyền lịch sử trong bản đồ “đường lưỡi bò” và việc ban hành luật trong nước của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc cho rằng quyền lợi của họ bị đe dọa bởi các nước khác. Quan điểm phổ biến từ phía Trung Quốc cho rằng sự bị động và kiềm chế của mình trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho các nước khác tiến hành các hành động làm xói mòn quyền lợi của Trung Quốc. Tại buổi họp của Bộ Chính trị Trung Quốc tháng 7/2013, Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải ưu tiên duy trì quyền (wei quan) hơn là duy trì sự ổn định (wei wen). Công thức mà Tập đưa ra đã thúc đẩy các cơ quan chấp pháp biển của Trung Quốc tăng cường các hoạt động hung hăng bất chấp hậu quả về mặt ngoại giao và trên thực địa. Các hoạt động này được ngụy trang như là phản ứng khẩn cấp trước những sự việc nổi lên từ các tranh chấp biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho rằng có mối đe dọa từ hải quân Mỹ và các nước khác. Sách trắng 2015 của Trung Quốc khẳng định một số nước bên ngoài cũng can thiệp vào Biển Đông, thực hiện tuần tra giám sát trên biển và trên không chống lại Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc coi quyền lợi biển là một loại đặc quyền đối với nguồn tài nguyên. Nếu nước nào khác sử dụng biển trong quyền chủ quyền mà Trung Quốc yêu sách mà không xin phép hay trả phí thì nghĩa là làm tổn hại nguồn dự trữ tài nguyên dành cho Trung Quốc. Vấn đề càng được đẩy lên khi nhu cầu trong nước của Trung Quốc về năng lượng, tài nguyên, khoáng chất dưới đáy biển ngày một tăng cao và trở thành động lực thúc đẩy các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc nhằm giành giật các nguồn tài nguyên này.

Thứ tư, quyền lợi biển của Trung Quốc còn được mở rộng theo thời gian. Điểm khó có thể xác định được phạm vi quyền lợi biển của Trung Quốc ở chỗ Trung Quốc tính toán nó có thể tiến triển và mở rộng cùng với sự phát triển của cơ chế luật biển quốc tế. Trung Quốc đặc biệt tham vọng trong việc mở rộng quyền tài phán biển và theo dõi sự phát triển của cơ chế luật biển. Trung Quốc cho rằng trong khi ranh giới các vùng biển hầu như không đổi nhưng nội dung về các quyền trong luật biển có thể phát triển. Hay nói cách khác, luật quốc tế sẽ tiến hóa và điều chỉnh để thích ứng với hiện thực chính trị và có thể mang đến những quyền mới phù hợp. Điều này được minh chứng qua các Hội nghị về biển do Liên hợp quốc tổ chức đã tạo ra những vùng biển mới và trao quyền cho các quốc gia ven biển, nổi bật nhất là việc xuất hiện vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý sau quá trình đàm phán lần thứ ba về luật biển từ năm 1973 – 1982, trong khi trước đó, Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế và không có lợi ích cụ thể trong việc kiểm soát khu vực địa lý biển rõ ràng. Sự ra đời của UNCLOS đã trao cho Trung Quốc (cũng như các quốc gia ven biển khác) quyền quản lý và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các hoạt động kinh tế trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Không những thế, quyền lực của quốc gia ven biển còn được mở rộng và bao gồm quyền về kinh tế ở thềm lục địa mở rộng (đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở), quyền khai thác mỏ ở đáy biển trong vùng biển cả. Điều này mở ra cho Trung Quốc tham vọng bành trướng như cựu Giám đốc của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) Lưu Tứ Quý (Liu Cigui) từng cho rằng quyền lợi biển của Trung Quốc không chỉ nằm trong khu vực thuộc quyền tài phán của nước này mà còn ở những vùng biển bên ngoài. Trong khi đó, nội luật Trung Quốc (ví dụ như trong Luật khảo sát và vẽ bản đồ của Trung Quốc năm 2002) cũng đề cập đến một phạm vi không xác định về địa lý thông qua cụm từ “các vùng biển khác” ngoài các vùng biển theo quy định của UNCLOS.

Thứ năm, sự mập mờ có chủ đích của Trung Quốc càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc lấy đó để làm cớ phát triển các lực lượng hải quân, chấp pháp, “dân quân biển” (3) (lực lượng tàu cá số lượng lớn) và tiến hành các hành động quyết đoán để bảo vệ cái “quyền lợi biển” mơ hồ đó. Các tàu chấp pháp và tàu cá tham gia trực tiếp vào các hoạt động lấn chiếm và mở rộng vùng kiểm soát trên biển, trong khi các tàu hải quân thường trực ở phía sau và sẵn sàng tham chiến nếu khủng hoảng xảy ra.

Hải quân Trung Quốc hiện giờ sở hữu số lượng tàu chiến lớn nhất ở Châu Á với hơn 300 tàu chiến trên mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra tên lửa. Trong năm 2014, Trung Quốc biên chế hơn 60 tàu hải quân và con số tương tự cho năm 2015. Về chất lượng, Trung Quốc tập trung phát triển lực lượng không hải và tàu ngầm, tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng ngàn ki – lô – mét từ đất liền.(4) Nguy hiểm hơn là đi cùng với đó là việc tiến hành cải tạo ồ ạt và xây dựng các đảo nhân tạo trên bảy thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa, bao gồm cả mục tiêu quân sự hóa.(5)

Tháng 03/2013, Trung Quốc sáp nhập bốn cơ quan chấp pháp (6) vào một cơ quan mới là Hải cảnh (CCG) dưới quyền quản lý về mặt hành chính của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) và về mặt hoạt động của Bộ Công an Trung Quốc. Theo Báo cáo của Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc đặt kế hoạch tăng thêm 30 tàu tuần tra cỡ lớn và hơn 20 tàu tuần tra vũ trang cho Hải cảnh của nước này từ 2012 – 2015. Như vậy, chỉ trong ba năm, số tàu chấp pháp của Trung Quốc tăng lên 25% trên mức tổng số là 205 tàu chấp pháp các loại (95 chiếc cỡ lớn hơn 1.000 tấn và 110 chiếc cỡ nhỏ từ 500 – 1.000 tấn). Phần lớn các tàu chấp pháp của Trung Quốc được vũ trang súng 12,7 mm, 14,5 mm hoặc 30 mm. Một số tàu lớn có sân và buồng chứa trực thăng.(7)

Trong khi đó, Tập Cận Bình từng kêu gọi lực lượng “dân quân biển” không chỉ đi đầu trong các hoạt động đánh bắt hải sản mà còn thu thập thông tin hàng hải, hỗ trợ hoạt động xây dựng đảo. Trên cơ sở đó, Trung Quốc tập trung phát triển các hạm đội tàu cá cỡ lớn và đông đúc. Các tàu đánh cá của Trung Quốc được trang bị các thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm ra – đa và hệ thống thông tin liên lạc có khả năng tương tác với Hải quân Trung Quốc và Hải cảnh. Nhiều tàu thuyền được trang bị hệ thống định vị vệ tinh có thể theo dõi và thông báo các vị trí tàu chiến đối phương và thu thập thông tin tình báo hàng hải, dẫn đến khó có thể phân biệt được ranh giới giữa tàu cá và tàu quân sự.(8)

Hơn nữa, vì Trung Quốc không giải thích rõ ràng ý nghĩa yêu sách biển của nước này nên khó có thể xác định giới hạn trong việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trên biển. Thông qua các lực lượng quân sự, bán quân sự và dân quân này, bên cạnh mục đích lãnh thổ trong tranh chấp với các nước yêu sách khác, Bắc Kinh muốn mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông để trực tiếp thách thức Mỹ, can thiệp và giám sát sự lưu thông tự do của các tàu thuyền và máy bay quân sự qua khu vực. Đây là mưu đồ nguy hiểm ngụy trang dưới cái gọi là bảo vệ “quyền lợi biển” của Trung Quốc.(9)

Tóm lại, cái “quyền lợi biển” mà Trung Quốc muốn bảo vệ là một mớ lộn xộn, mơ hồ theo luật quốc tế, thể hiện tham vọng bá quyền và là nguồn cơn gây bất ổn cho khu vực. Trung Quốc đang trên con đường xây dựng và còn nhiều việc phải làm mới có thể trở thành một cường quốc biển thực sự nhưng đã rất hung hăng. Nếu các nước không ngăn chặn từ bây giờ, chờ đến khi cường quốc biển kiểu Trung Quốc mạnh thì sẽ khó đối phó hơn nhiều lần./.

[1] Phát biểu của Hồ Cẩm Đào tại Đại hội ĐCS Trung Quốc tháng 11/2012: http://news.xinhuanet.com/english/special/18cpcnc/2012-11/17/c_131981259.htm

[2] Xem thêm trong: Merriden Varral, “How China’s Worldviews Are Manifested in the South China Sea, National Interest, December 16, 2015: http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/how-chinas-worldviews-are-manifested-the-south-china-sea-14642

[3] Xem thêm trong: Andrew S. Erickson and Conor M. Kennedy, “Tanmen Militia: China’s ‘Maritime Rights Protection’ Vanguard”, National Interest, May 06, 2015

http://www.nationalinterest.org/feature/tanmen-militia-china%E2%80%99s-maritime-rights-protection-vanguard-12816

[4] Xem thêm trong: Office of Naval Intelligence, The PLA Navy: New Capabilities and Missions for the 21st Century, United States Navy, April 09, 2015.

[5] Xem thêm trong: Ben Dolven, et al. “Chinese Land Reclamation in the South China Sea: Implications and Policy Options”, Congressional Research Service Report No. R44072, June 18, 2015.

[6] Bốn cơ quan chấp pháp sáp nhập bao gồm: (i) Ngư chính (FLEC):thuộcTổng cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Nhiệm vụ của Ngư chính là giám sát đánh bắt thủy sản, bảo vệ tàu cá, các cấu trúc xây dựng trên biển, rạn, ghềnh đá; cản phá tàu nước ngoài đánh bắt tại các vùng biển bị coi là có xâm phạm; (ii) Hải giám (CMS): thuộc Cục Hải dương quốc gia, là một lực lượng chấp pháp trên biển nòng cốt của Trung Quốc. Hải giám được thành lập năm 1998, là lực lượng bán vũ trang, được trang bị nhiều tàu tuần tiễu, trực thăng, với chức năng chính là thực thi chấp pháp trên biển, bảo đảm an ninh hàng hải tại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đây chính là lực lượng chính tham gia ngăn cản tàu USNS Impeccable của Mỹ năm 2009 và vụ Scarborough với Philippines năm 2012; (iii) Hải cảnh (CCG):tiền thân là bộ phận của Biên phòng thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Năm 2013, Hải cảnh được sáp nhập vào Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc. Nhiệm vụ của lực lượng này là tuần tra các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển, bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, tham gia việc tìm kiếm và cứu nạn; (iv) Cục an toàn hàng hải (MSA): thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Trung Quốc, chịu trách nhiệm đối với các vấn đề an toàn hàng hải, kiểm soát ô nhiễm và kiểm soát các sông chính của Trung Quốc và bờ biển. Xem thêm trong: Lyle J. Goldstein, “Five Dragons Stirring Up the Sea: Challenge and Opportunity in China’s Improving Maritime Enforcement Capabilities”, China Maritime Study No. 5, US Naval War College, April 2010.

[7] Tlđd, Office of Naval Intelligence.

[8] Tlđd, Andrew S. Erickson and Conor M. Kennedy.

[9] Xem thêm: New York Times, December 12, 2015: http://www.nytimes.com/2015/12/11/opinion/chinas-dangerous-ambiguity.html?_r=0

RELATED ARTICLES

Tin mới