Biendong.net xin trân trọng giới thiệu bài viết về vấn đề Biển Đông của tác giả Peter Brookes, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thành viên cao cấp Quỹ Heritage, được đăng trên trang Blog của Báo The Hill. Sau đây là bài lược dịch do BDN thực hiện.
Trong lúc các vận động viên Trung Quốc cố gắng giành giật huy chương vàng Olympic tại London, cách đó nửa vòng trái đất các chiến lược gia Trung Quốc đang gia sức giành giật những vùng lãnh thổ tranh chấp rộng lớn trên Biển Đông.Nếu không bị cản trở mạnh thì có lẽ Bắc Kinh làm được điều đó.
Bắc Kinh tin rằng phần lớn các đảo ở Biển Đông và các vùng nước liền kề là lãnh thổ “không thể tranh cãi” của Trung Quốc, mặc dù các hòn đảo này thường cách rất xa Trung Quốc và gần các quốc gia khác trong khu vực.
Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Ảnh: Internet
Vấn đề là các nước gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng khẳng định chủ quyền ở các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel).
Các khu vực nêu trên có nhiều tài nguyên thiên nhiên; theo ước tính, khu vực thềm lục địa trên Biển Đông có chứa trên 200 tỉ thùng dầu và gần 900 nghìn tỉ ft3 (gần 25,5 nghìn tỉ m3) khí thiên nhiên.
Trung Quốc quân sự hóa các tranh chấp
Ngoài những khẳng định mang nhiều tranh cãi về mặt lịch sử và pháp lý, gần đây Bắc Kinh còn tuyên bố thành lập đơn vị quân sự đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ “yêu sách” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cho dù trước đây là nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, dường như Bắc Kinh sẽ quân sự hóa tranh chấp trong khu vực “đường lưỡi bò” với diện tích gần 1,5 triệu dặm vuông (gần 4 triệu km2), chiếm gần 80% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc đã không ngừng sử dụng lực lượng hải quân để dương oai sức mạnh ở khu vực Đông Á mặc dù nhiều năm nay nước này chưa từng là cường quốc về hàng hải.
Thí dụ, Trung Quốc đang phát triển tàu sân bay, tàu ngầm tấn công và tàu tên lửa tàng hình mới, được trang bị tên lửa đạn đạo đối đất độc đáo có khả năng hủy diệt các tàu sân bay.
Tàu tên lừa tàng hình của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Tại sao Mỹ quan tâm vấn đề này?
Trước hết, Mỹ là một quốc gia ở Thái Bình Dương. Gần một nửa thương mại toàn cầu của Mỹ là với Đông Á; những hoạt động thương mại khác cũng qua khu vực này trong hành trình đến Nam Á và Trung Đông.
Với hàng nghìn tỉ đô la từ thương mại bằng tàu thủy qua Biển Đông hàng năm, tự do hàng hải qua khu vực trở nên quan trọng đối với của lợi ích Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ có nhiều đồng minh và bạn bè trong khu vực bị dọa nạt bởi cách hành xử trơ tráo và tàn bạo của Trung Quốc như Philippines (đồng minh hiệp ước quân sự) và Việt Nam.
Mỹ cần phải làm gì?
Động lực của Trung Quốc xuất phát từ sự thèm khát về tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông và nhận thức được sự yếu kém của các đối thủ trong khu vực.
Tuy Lầu Năm Góc cho rằng “trụ” chiến lược châu Á của Mỹ sẽ dịch chuyển một nửa các tàu hải quân đến Thái Bình Dương, nhưng điều đó có thể khó thực hiện, khi xét đến các cam kết của Mỹ với khu vực Trung Đông và số lượng tàu của Mỹ ở khu vực này giảm xuống dưới mức cần thiết tới gần 30 chiếc trong những năm tới.
Những đám mây từ cơn bão địa chính trị hình thành trên Biển Đông là một trong những lý do khiến Mỹ phải đảm bảo quốc phòng vững mạnh, đặc biệt là hải quân, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ – ngay cả trong những thời điểm kinh tế khó khăn.
BDN