Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau 25 năm về với Đại lục- Hông Kong suy sụp dần

Sau 25 năm về với Đại lục- Hông Kong suy sụp dần

Bị buộc phải rời khỏi thành phố sau những cuộc đàn áp của Trung Quốc, cộng đồng người Hong Kong hải ngoại đang chiến đấu để cứu nền văn hóa ở quê nhà.

Có một cảm giác hoài cổ phảng phất trong hội chợ Hong Kong khai mạc ở Vancouver, khi khoảng 3.000 người tham dự đi từ gian hàng này sang gian hàng khác, trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông và chia sẻ những kỷ niệm về thành phố quê hương của họ.

Trong số những món đồ được bày bán có những cây nến hình dim sum, trang sức hình chiếc ô, và tranh vẽ đường chân trời rực sáng ở Cảng Victoria.

Tại quầy hàng của mình, Adrianna, một người mới vừa di cư từ Hong Kong sang, bày một loạt các món ăn đường phố Hong Kong thường thấy – cá viên, bánh quế trứng, và bánh bao xíu mại truyền thống – trong khi bật những bản nhạc pop Quảng Đông.

Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện là sự đồng nhất văn hóa của Hong Kong với Trung Quốc đại lục, một quá trình đang được đẩy mạnh kể từ khi Bắc Kinh áp đặt đạo luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm 2020. “Người ta lo ngại về sự xâm nhập văn hóa [từ đại lục],” nữ tình nguyện viên 27 tuổi của nhóm Các Nhà hoạt động Vancouver vì Hong Kong giải thích. “Hong Kong bây giờ không phải là Hong Kong mà tôi từng biết.”

Giống như hàng trăm nghìn người khác trước cô, Adrianna miễn cưỡng rời Hong Kong vào năm ngoái sau khi chứng kiến cuộc đàn áp không ngừng đối với các quyền tự do dân sự, và sự xói mòn liên tục của nền văn hóa đặc trưng của Hong Kong.

“Triển vọng cho bất kỳ quyền dân chủ nào cũng ngày càng mong manh, đó là lý do tại sao tôi biết rằng không còn hy vọng cho Hong Kong,” Adrianna nói với Nikkei Asia.

25 năm trước, khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc sau 156 năm dưới quyền cai trị của Anh, người Hong Kong được Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đảm bảo rằng lối sống độc đáo của thành phố sẽ không bị thay đổi.

Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và pháp quyền phải được bảo vệ theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.” Điều này cho phép Hong Kong nuôi dưỡng một bản sắc và một tập hợp các giá trị khác biệt với Trung Quốc đại lục. Đó là một nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung Trung-Anh, một hiệp ước quốc tế được đăng ký với Liên Hiệp Quốc.

Khi được bầu vào năm 2017, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đặc khu trưởng sắp mãn nhiệm của thành phố, cũng giống như các nhà lãnh đạo trước bà, nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc độc lập của Hong Kong. “Với tư cách là đặc khu trưởng,” bà thề, “tôi sẽ làm hết sức mình để duy trì ‘một quốc gia, hai chế độ’ và bảo vệ các giá trị cốt lõi của chúng ta.”

“Hong Kong là một xã hội đa dạng, nơi những quan điểm khác nhau cùng tồn tại. … Các giá trị như tính bao trùm, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, sự tôn trọng nhân quyền và các hệ thống mà nhiều thế hệ đã dày công thiết lập, chẳng hạn như tư pháp độc lập, pháp quyền, và chính phủ trong sạch, là những vấn đề mà người Hong Kong chúng ta cho là quý giá và đáng tự hào,” Lâm nói trong bài phát biểu chiến thắng của mình.

Thay vào đó, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, Lâm – và chính phủ Trung Quốc – đã phá bỏ hệ thống làm nền tảng cho thành phố, bịt miệng những người bất đồng chính kiến, và bóp chết các quyền tự do đáng được trân trọng. Luật an ninh quốc gia, được ban hành vào tháng 06/2020, cấm bất cứ hành động nào mà chính phủ cho là mang tính lật đổ, ly khai, cấu kết với nước ngoài, và khủng bố – bao phủ thành phố với cái mà nhiều người mô tả là “khủng bố trắng.” Lo lắng về những lằn ranh đỏ bị thay đổi, người Hong Kong giờ đây giờ tự kiểm duyệt chính mình, hoặc chỉ lặp lại những quan điểm của chính phủ để tránh bị bỏ tù. Trong khi đó, một số người khác lên đường chạy trốn, bởi nỗi lo rằng Hong Kong không còn là quê hương mà họ từng biết.

Những lời hứa không thành

Dưới sự cai trị của người Anh, Hong Kong không phải là một nền dân chủ nhưng cư dân thành phố vẫn được hưởng các quyền tự do dân sự như quyền biểu tình và tự do báo chí. Những quyền tự do này tiếp tục tồn tại sau khi lãnh thổ trở về dưới quyền cai trị của Trung Quốc, được bảo vệ theo Luật Cơ bản, tức Hiến pháp Hong Kong.

Người Hong Kong có quyền tự do lên tiếng hoặc tự do im lặng, biểu tình trên đường phố hoặc ở yên trong nhà, chỉ trích hoặc ủng hộ chính quyền trung ương. Một môi trường như vậy tạo điều kiện cho một xã hội đầy màu sắc và khoan dung, nền tảng cho sự thành công của Hong Kong như là một trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế.

Nhưng theo thời gian, bàn tay của Bắc Kinh ngày càng siết chặt lấy thành phố. Năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã tạm ngưng phê chuẩn một đạo luật an ninh gây tranh cãi sau khi nửa triệu người xuống đường phản đối.

Cuốn sách trắng xuất bản vào tháng 06/2014 đã định hướng lại tương lai của Hong Kong và báo hiệu một quan điểm cứng rắn hơn từ chính phủ Trung Quốc. Các nhà lập pháp đã bị loại khỏi Hội đồng Lập pháp vì dám sửa đổi lời tuyên thệ của mình, một đảng chính trị ủng hộ nền độc lập của Hong Kong đã trở thành tổ chức bất hợp pháp, những người bán sách bị bắt cóc và đem ra xét xử ở Trung Quốc đại lục, trong khi một tỷ phú Trung Quốc sống ở Hong Kong đã biến mất một cách bí ẩn.

Cùng năm đó, thành phố rơi vào bế tắc suốt 79 ngày bởi Phong trào Ô dù (cuối cùng không thành công), khi hàng nghìn người Hong Kong xuống đường đòi cải cách dân chủ. Các nhà chức trách đã tìm mọi cách để cắt bớt các quyền tự chủ chính trị của thành phố kể từ đó.

Tình hình trở nên nghiêm trọng vào năm 2019, khi một dự luật dẫn độ gây tranh cãi làm dấy lên làn sóng biểu tình suốt nhiều tháng. Để đáp trả, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh một năm sau đó, đẩy nhanh đáng kể sự đồng hóa Hong Kong vào đại lục, và trên thực tế, loại bỏ luôn nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”

Luật an ninh đã được nhà chức trách vũ khí hóa và mở đường cho một cuộc đàn áp chính trị. Hơn 200 chính trị gia, nhà báo, luật sư, và nhạc sĩ – bất kỳ ai bị cho là dám chỉ trích chính phủ – đã bị bắt, trong khi hơn 10.000 người khác bị bắt vì các cáo buộc liên quan đến biểu tình.

Những diễn tiến này đã khiến cư dân địa phương và các nhà quan sát phải ngạc nhiên. Chính phủ cho thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục, vốn nhấn mạnh giá trị của tư duy phản biện và quyền tự do ngôn luận, đồng thời bịt miệng các đối thủ của mình. Ngày kỷ niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với nghi lễ thắp nến được tổ chức hàng năm tại Hong Kong suốt 30 năm qua – một sự kiện chính trị gây khó chịu cho chính phủ Trung Quốc – đã trở thành hoạt động bất hợp pháp chỉ sau một đêm.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong dần tan biến khi các nhóm xã hội dân sự vì lo sợ cách thức thực thi luật mới nên đã lần lượt tan rã. Những tờ báo đăng tải nhiều ý kiến trái chiều đã ngưng xuất bản. Xã hội đa nguyên, khoan dung của Hong Kong nay hóa thành một căn phòng vang vọng toàn những thông điệp của chính phủ.

Các học giả từ các viện chính sách và quan chức được nhà nước hậu thuẫn ca ngợi điều họ cho là việc khôi phục hòa bình và ổn định, trong khi các nhà phê bình nói rằng cuộc đàn áp đã làm tiêu tan mọi hy vọng về dân chủ tại trung tâm tài chính này.

Cả chính phủ Trung Quốc và Hong Kong đều cam kết “giải quyết các vấn đề gốc rễ” đối với nền kinh tế và sinh kế của người dân, đồng thời xóa bỏ khủng hoảng nhà ở kéo dài mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến biểu tình. Chính phủ, vốn tự hào về “sự ủng hộ mạnh mẽ từ đất mẹ,” đã nhấn mạnh việc hội nhập chặt chẽ hơn với Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area, gồm Quảng Đông, Hong Kong, Macao) và đang thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng để biến vùng đất nông thôn gần biên giới thành “Đô thị phía Bắc.”

Làn sóng di cư từ Hong Kong

Việc Bắc Kinh đàn áp các quyền tự do đã kích động làn sóng di cư của người Hong Kong thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Adrianna, từng là sinh viên khoa học xã hội và có quan tâm đến chính trị, cho biết thành phố đã có một bước thụt lùi rất lớn về mặt chính trị và xã hội. “Dường như không còn hy vọng nào cho Hong Kong,” cô nói với Nikkei.

“Hong Kong đã mất đi chính những đứa con của mình, khi nhận ra rằng nơi này không còn giống như xưa, không còn là nơi chúng tôi đã lớn lên, và khi tất cả những gì chúng tôi có thể nhìn thấy là tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, khi đó, chẳng còn chỗ để chúng tôi ở lại nữa.”

Thông điệp này nhận được sự đồng cảm của hàng chục nghìn người Hong Kong vỡ mộng đã lên đường ra đi, mang theo những phần văn hóa của riêng họ, mang theo các giá trị và bản sắc của vùng lãnh thổ mà họ lo sợ sẽ bị diệt vong, khi bức tường lửa ngăn cách thành phố với Trung Quốc đại lục mờ dần.

Hơn 60.000 công dân Hong Kong đã nộp đơn xin hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại (British National Overseas) kể từ khi Anh mở ra con đường nhập tịch vào đầu năm 2021, sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua. Một số quốc gia khác, bao gồm Canada và Australia, cũng đã tạo điều kiện cho người Hong Kong di cư dễ dàng hơn, dẫn đến việc hơn 270.000 cư dân nhanh chóng rời đi kể từ khi đạo luật được ban hành.

Các mạng lưới hỗ trợ đã mọc lên trên khắp thế giới, hợp nhất cộng đồng người Hong Kong xa xứ trong lúc nhóm người này dần hòa nhập với cuộc sống mới của họ. Không còn gì là an toàn trong thành phố, các thay đổi bất lợi đã thúc đẩy những người di cư bảo vệ và bảo tồn văn hóa của quê hương họ ở nước ngoài.

Các tổ chức như nhóm của Adrianna – giới thiệu văn hóa và lịch sử Hong Kong bằng cách tổ chức các hoạt động và triển lãm cho cộng đồng người Hong Kong – đang làm việc từ xa để giữ cho văn hóa của thành phố tiếp tục tồn tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới