Friday, January 10, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Mao Trạch Đông chống “Chủ nghĩa giáo điều”...

Nhật ký Diên An: Mao Trạch Đông chống “Chủ nghĩa giáo điều” của Liên Xô (Kỳ 7)

Che giấu bằng một đống những văn kiện của Đảng cộng sản Trung Quốc những ý kiến về chỉnh phong, về sự thiếu tin tưởng Quốc tế cộng sản và về chủ nghĩa bài Xô dưới chiêu bài đấu tranh chống “chủ nghĩa giáo điều”, đó là phong cách Mao Trạch Đông. Đó cũng chính là “chủ nghĩa Mác hiện thực”, mà lần đầu tiên vào năm 1942, Mao đã nói tới.

Luôn có những người đàn bà vây quanh Mao TRạch Đông

Ngày 8 tháng 10

Ru-dơ-ven nhận xét rằng viện trợ cho Trung Quốc phức tạp biết bao nhiêu. Đường giao thông liên lạc ven bờ biển hoàn toàn bị quân đội Nhật kiểm soát. Miến Điện không được giải phóng.

Tổng thống nhận xét rằng cách đây nửa năm, hàng tháng, Trùng Khánh đã nhận được 3 nghìn tấn hàng, bây giờ thì hơn 20 nghìn tấn. Bây giờ cũng không đủ sức bảo đảm một “chiếc cầu hàng không” lớn: các máy bay “B.29” cực mạnh tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu.  

Mao thông thạo kích động người ta bằng những lời lẽ cách mạng. Đối với các đảng viên, điều đó tạo cho Mao uy tín là một người am hiểu chủ nghĩa Mác. Những phán đoán của ông và tiến trình tư tưởng dường như đều đúng, dường như đều xuất phát từ những nguyên tắc chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng (với một sơ đồ về bề ngoài thì đúng đắn, hợp với logic) giải thích tùy tiện. Dường như vô hại…

Do đó, trong các kết luận, đột nhiên lại có cả những kết luận dường như đã được viết ra, xuất phát từ cương lĩnh của các đảng phái tiểu tư sản. Về cơ bản, những điểm tương tự như thế thường thấy trong các nghị quyết mật của Ban Bí thư và Bộ chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Chúng nằm lẫn trong những đoạn văn nhận định tràng giang đại hải, trong những bảng liệt kê những kết luận và tư tưởng đúng đắn. Nhưng rồi bạn sẽ bắt đầu hiểu rằng toàn bộ văn kiện được thông qua cũng vì có câu kết luận khó thấy ngay được, nằm lẫn trong cả một mớ văn chương tràng giang đại hải.

Che giấu bằng một đống những văn kiện của Đảng cộng sản Trung Quốc những ý kiến về chỉnh phong, về sự thiếu tin tưởng Quốc tế cộng sản và về chủ nghĩa bài Xô dưới chiêu bài đấu tranh chống “chủ nghĩa giáo điều”, đó là phong cách Mao Trạch Đông. Đó cũng chính là “chủ nghĩa Mác hiện thực”, mà lần đầu tiên vào năm 1942, Mao đã nói tới.

Tính chất lập lờ nước đôi về lý luận và tính chất dao động không vững vàng, thiện ý gượng gạo với Liên- Xô, đó là những dấu hiệu nguy hiểm trong hoạt động của Mao. Tình hình chính trị hoặc là sẽ vạch trần những điều đó, làm cho chúng trở nên rõ ràng hơn, hoặc là làm mờ chúng đi. Mao đặc biệt thính sự biến đổi của tình hình chính trị. Ông tìm cách thỏa hiệp sớm với tình hình tương lai, nhưng vì đầu óc không lớn, nên ông lại thường rơi vài tình trạng khó xử. Liên xô không thua trận được, ông ta cũng tự giải đáp cho mình như vậy. Trong khi tiên đoán trước được tình hình đó, thì trong nhiều trường hợp, ông ta vẫn cứ hành động xốc nổi đến thế.

Chắc chắn là cuộc đấu tranh cách mạng sẽ đặt Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc vào trong những điều kiện mà ông ta không thể hành động một cách nào khác hơn là theo tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin. Thậm chí những sự kiện gần đây, như việc các đảng viên phê phán và lên án hoạt động của Ủy ban kiểm tra cán bộ, cũng chứng minh rằng Mao Trạch Đông phải chú ý đến những sự kiện thực tế. Mà những sự kiện ấy lại đang dẫn dắt Đảng cộng sản vững vàng đi lên con đường đấu tranh cho một nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa. Phong trào tiến lên đó có thể mạnh hơn chủ nghĩa cơ hội của những nhà lãnh đạo riêng biệt. Dù thế nào đi nữa, Mao Trạch Đông vẫn phải thường xuyên tính toán và tiến hành sửa chữa, trước tâm tư cách mạng đó của quần chúng, trước tính chất hấp dẫn của chủ nghĩa Mác, đối với quần chúng, trước uy tín của Liên xô…

Trong những cuộc nói chuyện gần đây, Mao Trạch Đông khẩn khoản khuyên tôi đừng coi thường cái tính láu lính của phương Đông mà phải học tập cái tính láu lỉnh đó của người Trung Quốc.

Tân Tứ quân đang hoạt động; nó đã có căn cứ của các tỉnh Sơn Tây và một phần của tỉnh Hà Bắc.

Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc rất bực tức về cuộc đi thăm của tướng Béc-gin. Ông ta chờ đợi ở người Mỹ một số những đề xuất quan trọng, ông hy vọng có những sự tiếp xúc với những người lãnh đạo chính trị cao cấp của Mỹ, nhưng tướng Béc-gin chỉ giới hạn ở việc trao huân chương cho đại tá Ba-rét mà thôi. Cần phải thấy rằng Ba-rét nhận được huân chương không phải ngẫu nhiên, đó là một trong số những nhà tình báo Mỹ lớn nhất và có kinh nghiệm nhất ở phương Đông. Người đàn ông trạc 40 tuổi, vạm vỡ và hói trán ấy xử sự một cách vững vàng và đường hoàng. Trong cách đối xử, ông tỏ ra nhã nhặn và ân cần, thường vui cười. Ông làm cho người ta có ấn tượng về ông là một con người giản dị, cởi mở. Mao cố tìm mọi cách để tác động đến ông ta…

Cả Đê-pát, cả Béc-gin để không bắt đầu tiến hành hiệp thương với Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, thành ra Mao Trạch Đông không yên tâm. Ở đây, người ta đã chuẩn bị những bản danh sách liệt kê những mặt hàng quân sự cần thiết, những đề nghị khác nhau, v.v…

Tôi nghĩ rằng người Mỹ đã quyết định kiểm tra tại chỗ công việc của phái đoàn của họ và trao đổi ý kiến về một số vấn đề quan trọng. Nhưng dù sao thì các đồng chí Trung Quốc cũng đã thất vọng rõ ràng.

Trong số những người Mỹ, Xéc-vi-xơ là người đi sâu đi sát hơn cả. Lúc thì theo sáng kiến riêng của ông ta, lúc thì làm theo mệnh lệnh, ông ta thông báo cho Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc rằng chuyến đến thăm Diên An của một số quan chức quân sự cao cấp là một cách biểu dương lực lượng trước Chính phủ Trùng Khánh. Dù sao, ông đã làm cho viên thuốc đắng trở nên ngọt đối với Mao…

Cuộc tấn công của quân Nhật vẫn tiếp tục thắng lợi ở Hồ Nam, lại có một số thị trấn bị chiếm.

10 tháng 10

Sơc-sin và Ê-đen đến Matx-cơ-va. Thủ tướng Anh tuyên bố tại sân bay rằng quân đội Nga là những người đầu tiên đã đè bẹp tinh thần và bộ máy chiến tranh của quân đội Đức…

Một trong những đài truyền thanh phát tin rộng rãi đã tuyên bố rằng Gan-di thất bại trong việc thống nhất Ấn Độ và ông ta đang tụng kinh cầu nguyện với các môn đồ của ông ta…! Sao lại có thế nhạo báng một con người đà dành cả cuộc đời mình để giải phóng đất nước như thế được.

Mục đích chủ yếu của cuộc đến thăm Trung Quốc của Đo-nơn Nen-xơn là tìm triển vọng đầu tư tư bản Mỹ. Bọn Nhật vẫn chưa thất bại, vậy mà các nhà doanh lợi đã tính toán làm thế nào để có thế kiếm chác thêm nhiều, dựa vào sức lao động Trung quốc và nguyên liệu rẻ mạt…

Lâm Bá Cừ được biệt phái đến Trùng Khánh để hiệp thương với Tưởng Giới Thạch ngay từ trước thảm họa Hồ Nam – Hà Nam. Cuộc tuyên truyền chống Quốc dân đảng ở Đặc khu lại đưa tới nguy cơ Đặc khu bị xâm nhập. Đối với mọi người thì sự thất bại của Diên An là điều không tránh khỏi.

Sự thất bại bất ngờ ở quân đội Chính phủ trương ương ở Hà Nam và Hồ Nam đã biến đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh từ chỗ là người đến yêu cầu biến thành người tố cáo phẫn nộ và đầy tự tin. Một sự biến đổi thật lạ lùng.

14 tháng 10

Sự phân liệt của đất nước là nguyên nhân thắng lợi chủ yếu của quân Nhật. Vấn đề không phải là ở chất lượng quân đội Trung Quốc. trong những chiến thắng của kẻ thù, Mao Trạch Đông nhìn thấy những yếu tố đang phá hoại dần chính quyền của Tưởng Giới Thạch. Không ai có thể bắt buộc Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc phải từ bỏ chính sách chia rẽ, cả những thảm họa chiến tranh, và cả nhận thức về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít nữa. Phân liệt là một thực tế xấu xa ở Trung Quốc. Và sự phân liệt ấy rõ ràng là có lợi cho bọn quân phiệt Nhật. Chính sách của Mao Trạch Đông làm suy yếu mặt trận dân tộc thống nhất kháng chiến và có giá trị bằng sự tham gia của hàng chục sư đoàn Nhật bổ sung vào cuộc đấu tranh trên các mặt trận của Trung Quốc.

Trong các việc làm nhằm bảo vệ sự thống nhất của khối chống Nhật, Tưởng Giới Thạch cũng không phải là không đáng chê trách. Ông ta là kẻ thù của những người cộng sản Trung Quốc, điều này không phải là một điều bí mật đối với mọi người. Nhưng với ông ta còn có thể hợp tác trong khuôn khổ mặt trận thống nhất kháng Nhật. Và ông ta cũng mong muốn điều đó. Ông ta đã nhiều lần mời Mao Trạch Đông hiệp thương, nhưng Mao lại bác bỏ hoặc làm thất bại. Ví dụ như trong những năm 1942, 1943. Tình hình đó vẫn tiếp diễn đến nay.

Mao Trạch Đông nhìn thấy nguy cơ đối với chính sách của mình trong những trường hợp có những chiến thắng của Tưởng Giới Thạch ở các mặt trận. Tưởng Giới Thạch phải bị suy yếu đi bằng mọi giá. Ở đây, tất cả các phương tiện đều tốt. Toàn bộ thực chất chính sách của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là ở đó. Và cứ để mặc cho quân Nhật xâm chiếm đất đai Trung Quốc, đốt cháy các đô thị!…

Mao Trạch Đông tự xưng là một người cộng sản. MỘt người cộng sản sao lại có thể chi viện cho bọn xâm lược đóng Tổ quốc mình, cướp phá của cải vật chất của Tổ quốc mình? Chính Mao không hề lầm lẫn gì về khối thống nhất kháng Nhật. Mao hiểu rõ rằng đó là một lực lượng thực tế, nhưng Mao lại thích để Tưởng Giới Thạch mặt đối mặt chống chọi với bọn Nhật và bọn bù nhìn, còn bản thân Mao thì tham gia vào cuộc kháng chiến hạn chế ở mức chiến tranh du kích.

18 – 20 tháng 10

Ở Pháp đã kết án tử hình bọn phản bội.

Bây giờ ở Nhật, tuổi nghĩa vụ đi lính là 17.

Ngày 15 tháng 10 ở Hung, một cuộc đảo chính đã diễn ra. Một gã Phê-ren-xơ Sa-la-si nào đó tự xưng là “lãnh tụ của dân tộc”.

Nhiệm vụ của Hớc-lây: cố đạt tới bổ nhiệm Xtin-oen làm chỉ huy toàn bộ quân đội Trung Quốc và làm dịu quan hệ gay gắt giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng.

Tên quân phiệt Diêm Tích Sơn đã được Chính phủ trung ương bổ nhiệm làm chỉ huy một khu quân sự đã phụ thuộc vào hắn từ lâu.

Tưởng Giới Thạch đã làm như vậy để giữ quân đội của Diêm Tích Sơn khỏi chạy sang phía quân Nhật. Tưởng thường gặp gỡ hắn, mời hắn tới hành dinh của mình.

Diêm Tích Sơn không chạy sang phía quân Nhật, nhưng hắn duy trì những quan hệ buôn bán bí mật với chúng, trong khi vẫn giữ địa vị độc lập đối với Chính phủ Trùng Khánh.

Quân độ của Đặc khu đã đanh tan quân đội của Diêm Tích Sơn, lợi dụng những thất bại quân sự của Tưởng Giới Thạch, với mục đích duy nhất là mở rộng lãnh thổ của mình. Diêm Tích Sơn không đe dọa gì Đặc khu vì yếu và vì về hình thức cũng là nằm trong Mặt trận thống nhất kháng Nhật…

Ở Trùng Khánh, người ta lo ngại về sự hiểu biết lẫn nhau giữa ban lãnh đạo Đảng cộng sản và “Phái bộ quan sát Đồng minh” ngày càng tăng lên.

Người Mỹ cho rằng điều kiện đã chín muồi để đổ bộ quân độ vào Trung Quốc, đó sẽ là chỗ dựa tốt nhất để tấn công thắng lợi quân Nhật. Theo niềm tin sâu sắc của người Mỹ thì quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc trong nhiều tỉnh giáp giáp bờ biển đã đồng ý chuẩn bị (hoặc là đã chuẩn bị rồi) những căn cứ cho những cuộc đổ bộ của Đồng minh.

22 tháng 10

Chu Ân Lai, về thực chất, đã tổ chức môt bộ máy điều tra không phụ thuộc vào Cục trưởng Cục tình báo. Những nhân vật chính trong bộ máy này là Lưu Thiếu Văn (bí danh: Trường Minh) và Trịnh Gia Khang. Bộ máy này đặt Chu vào một vị trí độc lập đối với Khang Sinh và đảm bảo cho Chu có được những quan hệ chính trị đối ngoại bí mật, việc này có một giá trị đặc biệt với Mao Trạch Đông.

Mao thường xuyên đến hỏi ý kiến Chu, vì Chu có những tin tức riêng đúng từng câu từng chữ và biết được những điều bí mật của người ta. Chu bảo vệ cẩn thận những người hợp tác với Chu. Rõ ràng Chu là một ngoại lệ trong số tất cả những cán bộ to, Chu có một bộ máy vững chắc gồm những người thông thạo về các vấn đề kinh tế và chính trị. Nhưng, những sự tiếp xúc bền vững và nhiều mặt với những người Mỹ và người Anh là có giá trị đặc biệt. Ông ta có cảm tình với người Anh nhiều hơn. Những buổi chiều cùng tiệc tùng linh đình, cười, đùa ầm ĩ ở nhà Mao Trạch Đông cho phép hiểu được phần nào điều đó.

Có thể nói một cách không quá đáng rằng, trong một ý nghĩa nhất định, ông ta có trong bộ máy chính quyền với Đảng một tổ chức riêng của mình, chẳng những gắn bó với ông ta về công việc mà còn cả về quan hệ cá nhân nữa.

24 tháng 10

Hồng quân tiến vào miền Đông nước Phổ!

Trong không trung, có nhiều dư âm về cuộc đến thăm Mát-xcơ-va của Sớc-sin. Mục đích chủ yếu của hiệp thương là vấn đề Ba Lan. Bản thân Sớc-sin đã ở Cai-rô rồi.

Bọn lưu vong Ba Lan thổi bùng lên chiến dịch chống Liên Xô.

Đồng minh đã đạt được mục đích của họ. Những trận chiến đấu trong các khu rừng già ở miền Bắc Miến Điện đã kết thúc: phục hồi cái gọi là “con đường Xtin-oen” (“con đường sống”.

Số người chết vì bị sốt rét, bị rắn độc cắn… vượt rất nhiều những tổn thất trong chiến đấu. Phương tiện vận chuyển chắc chắn nhất là những con la.

Hớc-lây nhiệt tình “làm môi giới” ở Trùng Khánh giữa Xtin-oen và Tưởng Giới Thạch, ác cảm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Sau khi giải quyết xong sự xung đột ở Trùng Khánh, cần phải chờ “người môi giới” đó cả ở Đặc khu.

Mã Hải Đức cứ lải nhải cố nài để tìm được làm bác sĩ ở chỗ Diệp Kiếm Anh. Tham mưu trưởng Diệp Kiếm Anh được thông báo về toàn bộ mọi kế hoạch của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mã Hải Đức cố tìm mọi cách (và hắn đã làm được) để theo Diệp Kiếm Anh đi săn.

Buổi chiều Mã Hải Đức giết thì giờ bằng cách tụ tập với các bạn đồng nghiệp người Mỹ của hắn.

28 tháng 10

Người Mỹ thông tin về những trận chiến đấu ác liệt với quân Nhật tại Philippines. Trong những trận giao chiến ở Philippines, hạm đội Nhật bị thất bại hoàn toàn…

Ngày hôm qua, Sớc-sin phát biểu ý kiến tại Hạ viện. Đề tài bài phát biểu của ông là vấn đề Ba Lan.

Ở Ý, tòa án xét xử bọn phát-xít.

Viên tướng “4 sao” ngã quỵ dưới những đòn đả kích của viên tướng “hai sao”. Cấp bậc của Xtin-oen trong quân đội Mỹ cao nhất: đại tướng, hay là cấp tướng cao nhất. Theo tôi biết thì hiện nay loại cấp tướng như vậy trong các lực lượng vũ trang của Mỹ có tất cả 6 người.

Viên tướng “4 sao” đã bàn giao công việc và bay trở về Mỹ, Hớc-lây cừ thật đấy! Người môi giới cừ thật!

Bằng việc Mỹ công nhận Đặc khu về chính trị, Mao Trạch Đông có ý định làm cho hai cường quốc va chạm nhau về quyền lợi, và kiếm chác ở cả hai, đó là sách lược dễ thấy của Mao…

Không thể chinh phục Nhật Bản, mà không giải phóng miền Bắc Trung Quốc, đó là niềm tin vững chắc của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Miền Bắc Trung Quốc được một mạng lưới căn cứ địa của Đảng cộng sản Trung Quốc bao bọc. Vì vậy, họ nghĩ đén Diên An tất nhiên phải có sự hợp tác với quân đội của Đảng cộng sản…

Trong những lần gặp gỡ rất hiếm với người Mỹ, (chúng tôi tránh nói chuyện về những đề tài chính trị), song tôi đã hơi tìm hiểu được rõ về Uy-li-am Bu-lít (những ý kiến chống Liên Xô nhiều vô kể không rời khỏi đầu óc ông ta). Ông xuất thân từ một gia đình giàu có, là một chính khách tương đối nổi tiếng và cũng là một nhà ngoại giao của “đường lối mới”. Ông đã là đại sứ Mỹ ở Mát-xcơ-va và Paris. Bu-lit là bạn của Ru-dơ-ven và dường như là một cố vấn của Tổng thống về các công tác đối ngoại. Đáng chú ý là hiện nay, trong giới lãnh đạo chính trị của Mỹ, lại đang có một con người có quan điểm chống Liên Xô lộ liễu đến như thế!

Theo tôi, mục đích của Bu-lit là làm cho Ru-dơ-ven xem lại chính sách đối với Liên Xô.

Đa-vít Ba-rét là một chính khách rất trầm tĩnh và thận trọng. Nếu ông ta nói nhiều thì không có câu nào căn bản hết. Vui đùa, ân cần… Rõ ràng một trong những nguyên tắc của ông là quan biết càng nhiều càng tốt.

Các đồng chí Trung Quốc kể lại rằng Ba-rét nói với họ về mơ ước của ông ta là có một ngôi nhà lớn ở Phlo-ri-đa, chăm sóc một khu vườn tuyệt đẹp và bán hoa quả.

Ba-rét có điểm yếu nhất định là ham gái đẹp.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới