Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThực hư tin đồn về ông Tập

Thực hư tin đồn về ông Tập

Khoảng 3 tuần nữa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức Đại hội 20. Tuy nhiên từ cuối tuần trước, ông Tập lại đang bị cuốn vào tin đồn “binh biến”, “giam lỏng” do không lộ diện sau chuyến thăm Trung Á và vắng mặt trong cuộc họp quân sự quan trọng ở Bắc Kinh hôm 21/9.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand vào ngày 16/9/2022.

Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 21/9 đã diễn ra Hội thảo về cải cách quân đội và quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh nhưng vắng mặt Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. Phó chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp đã phát biểu tại cuộc họp, còn ông Tập chỉ đưa ra “chỉ thị” yêu cầu quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.

Sau buổi họp vắng mặt này, Internet bắt đầu lan truyền rất nhiều tin tức bất lợi cho ông Tập.

Ví dụ: “Ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thuyết phục thành công ông Tống Bình – cựu Ủy viên Ban thường vụ Trung ương, và khống chế được Cục Cảnh vệ Trung ương. Ngày 16/9 khi ông Tập về nước [sau chuyến thăm Trung Á] thì bị bắt tại sân bay và giam lỏng tại nhà ở Trung Nam Hải, đợi đến khi tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 [vào ngày 9/10]”.

Hôm 22/9, tờ South China Morning Post của Hong Kong đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến Bắc Kinh gặp ông Tập vào tháng 11. Nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng, tờ báo này thường là kênh phát tán một số thông tin nội bộ của ĐCSTQ, có lúc tin tức không nhất định đến từ một phe phái, có nhân tố đấu đá nội bộ. Ví như tin tức trên có thể coi là do phe Tập tung ra để ám chỉ việc ông Tập tái đắc cử.

Ngày 25/9, Tân Hoa Xã công bố danh sách 2.296 đại biểu tham dự Đại hội 20, trong đó có tên ông Tập Cận Bình.

Cùng ngày, tờ Der Standard của Áo đưa tin, ông Tập đang bị cuốn vào các tin đồn như “binh biến”, “giam lỏng”. Bài viết nói rằng, “ĐCSTQ thường xuyên được miêu tả là chiếc hộp đen”, và “cần phải biết được điểm này thì mới có thể hiểu được tin đồn đang lan truyền trên mạng từ thứ Sáu tuần trước (23/9): Nghe nói Chủ tịch Tập Cận Bình đã bị tước quyền và đang bị giam lỏng tại Trung Nam Hải”.

Bài báo cho biết, tin đồn này được lan truyền bởi một cựu Bộ trưởng Ấn Độ với hơn 10 triệu người theo dõi trên Twitter, các thẻ hashtag #whereisxi (Tập ở đâu) và #chinacoup (Trung Quốc đảo chính) được lan truyền rộng rãi, nhưng cũng có rất nhiều lời chế giễu và mỉa mai về tin đồn này.

Cuối cùng, tờ báo của Áo kết luận: “Hiện tại không có thông tin đáng tin cậy để xác thực, cũng như không có bất kỳ thông tin nào để phủ nhận nó”.

Chuyên gia phân tích: Tin đồn không đúng, thiếu sở cứ
Trong chương trình “Chính luận Thiên hạ” số đăng ngày 24/9, Giáo sư Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) phân tích rằng, vì ông Tập Cận Bình đại diện cho một nhóm người (gọi chung là phe Tập), nên nếu ông Tập bị bắt thì cả nhóm người sẽ bị kéo xuống cùng.

Ví như sau Đại hội 18, ông Tập đã kéo tập đoàn đảo chính Bạc Hy Lai ngã ngựa, còn có các quan chức cấp cao khác như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, v.v. và có ít nhất hơn 100 quan chức cấp tỉnh, cấp bộ đã ngã theo.

Nhưng hiện tại không có vụ vây bắt quy mô lớn nào. Hơn nữa hai ông Vương Tiểu Hồng và Thái Kỳ vẫn đang hoạt động bên ngoài, một người đứng đầu Cơ quan Mật vụ phụ trách bảo vệ các phó lãnh đạo quốc gia, một người là Bí thư thứ nhất của Đảng ủy Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh, cho nên có thể nói ông Tập vẫn an toàn.

Việc ông Tập ẩn mình cũng không phải chưa từng xảy ra. Trước Đại hội 18 năm 2012, ông cũng từng biến mất hơn 10 ngày.

Giáo sư Chương còn chỉ ra rằng, hôm 20/9 tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài viết có tiêu đề “Lời giải thời đại về Con đường trở thành một đội quân hùng mạnh mang đặc sắc Trung Quốc – Bình luận về việc thúc tiến xây dựng quốc phòng và quân đội trong thời đại mới”, dẫn nguồn từ Xinhuanet.

Bài viết mang tính chất xu nịnh ông Tập, nói rằng trong 10 năm ông Tập làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã khai sáng ra một thời đại mới cho quân đội. Các cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) cũng đăng tải lại bài viết này.

Cho nên nếu như ông Tập bị giam vào ngày 16/9, đến ngày 20/9 các kênh truyền thông nhà nước lại đăng bài viết đề cao địa vị của ông trong quân đội, thì không hợp lý chút nào. Nó không logic, không phù hợp với thường thức về chính trị như chúng ta vẫn biết.

Các nhà quan sát cho rằng, không cần đợi tới ngày 16/10 khai mạc Đại hội 20 để xác minh tin tức trên, sắp tới có ngày Quốc khánh 1/10 và ngày 9/10 triệu tập Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19. Theo lý thì ông Tập sẽ phải xuất hiện trong hai ngày này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới