Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Ranh giới đỏ” trong cuộc gặp của Biden Tập Cận Bình

“Ranh giới đỏ” trong cuộc gặp của Biden Tập Cận Bình

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia được tổ chức trong tuần tới bàn nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, điều thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế nhiều nhất lại là cuộc gặp của hai vị nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi Tổng thống Nga V.Putin không tham dự hội nghị và cũng từ chối phát biểu trực tuyến thì kế hoạch tham dự, phát biểu ý kiến và gặp gỡ song phương giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Hai bên thông báo đã “hoàn tất kế hoạch hội đàm” vào ngày 14/11.

Cuộc gặp được chờ đợi bởi đây sẽ là lần đầu tiên họ gặp nhau trực tiếp, kể từ khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm 2021. Tổng thống Mỹ cho biết thái độ rõ ràng của ông: “Không có gì thay thế được các cuộc trò chuyện trực tiếp. Đây sẽ là một cuộc thảo luận chuyên sâu và chiến lược”.

Cụ thể, đó sẽ là các điểm nóng về chính sách đối ngoại đang làm gia tăng căng thẳng trên toàn cầu. Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Trung Quốc “có lịch sử làm việc cùng nhau” về các vấn đề chung quanh Bán đảo Triều Tiên, nơi các sự cố xuyên biên giới đã nổ ra khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung và Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập sẽ thảo luận về tình hình cuộc chiến Nga – Ukraine. Ngoài ra hai bên sẽ tìm cách cùng nhau giải quyết những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.Tổng thống Biden hi vọng sẽ tìm ra giải pháp “thiết lập các quy tắc chung” trong việc quản lý cạnh tranh song phương; đồng thời tìm cách xoa dịu những lo ngại của ông Tập về các chính sách của Nhà trắng. Các chính sách đó không nhằm ngăn cản Trung Quốc.

Hiện tại chính quyền Mỹ đang áp dụng các quy định hạn chế công nghệ Trung Quốc trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn. Phía Mỹ giải thích rằng, họ quan tâm đến những công nghệ cao cấp hỗ trợ cho sự phát triển của các ứng dụng quân sự từ Bắc Kinh. Đó là cách tiếp cận có mục tiêu, được thúc đẩy bởi những mối quan tâm về an ninh quốc gia và quân sự, hoàn toàn không nhằm mục đích phá hoại nền kinh tế Trung Quốc, hoặc người dân Trung Quốc.

Tổng thống Biden tiết lộ, ông dự định đặt ra “ranh giới đỏ của mỗi bên, từ đó xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không”. Nếu trong trường hợp có xung đột, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa. Ông Biden cũng nói thẳng vấn đề Đài Loan, vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm nhất làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. “Học thuyết Đài Loan không hề thay đổi ngay từ đầu” – Tổng thống Mỹ khẳng định. Ông nói như đinh đóng cột: “Tôi chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ thảo luận về Đài Loan. Tôi cũng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận thẳng thắn về một số vấn đề khác”.

Hôm 10/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với báo chí: “Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi cam kết tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi với Mỹ. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình”.

Ông Triệu nói về “miếng gân gà” khó nhá Đài Loan: “Vấn đề trọng tâm là các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nguyên tắc Một Trung Quốc là nền tảng chính trị cho quan hệ Trung Quốc-Mỹ”. Triệu Lập Kiên cũng khẳng định, hai nước cần nỗ lực cải thiện quan hệ song phương về thương mại và kinh tế. Washington không nên chính trị hóa vấn đề. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là đôi bên cùng có lợi. Mỹ nên ngừng sử dụng các vấn đề kinh tế và thương mại như một công cụ chính trị hoặc biến chúng thành vấn đề ý thức hệ.

Ông Triệu nói y hệt Tổng thống Mỹ: “Trung Quốc luôn ủng hộ quan hệ đối tác toàn diện, không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào và từ chối ép buộc các quốc gia phải lựa chọn bên”.

Cứ như kịch bản chuẩn bị sẵn thì cuộc gặp bên lề G20 giữa hai “Ông lớn” quá là suôn sẻ. Việc gặp gỡ giữa ông Biden và ông Tập chỉ như hai diễn viên chính trị lão luyện, đối đáp theo đáp án của Bộ ngoại giao đã lập trình sẵn. Thế thì còn gì phải bàn nữa!

Nhưng đó là cách nói làm đẹp lòng nhau. Bởi hai bên đang vướng nhất là những lợi ích cốt lõi mâu thuẫn nhau. Không ai đi đàm phán để nhận phần thua. Nếu cả hai bên cùng thắng thì ai sẽ làm bá chủ thế giới? Quốc gia nào cũng tuyên bố, mọi hoạt động đối ngoại đều hướng về lợi ích của người dân, vì hòa bình và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Nói thì như thế nhưng khi chạm vào “ranh giới đỏ” thì Nước Mỹ, hay Trung Quốc đều đặt mình trên hết. Nếu không vì thế Trung Quốc âm mưu chiếm trọn Biển Đông để làm gì? Khi thất thủ thì cái bánh vẽ “lợi ích trên toàn thế giới” sẽ tan thành mây khói.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới