Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, liên minh này sẽ không tuân theo chính sách cứng rắn nhất của Mỹ với Trung Quốc.
“Chắc chắn, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của EU, nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ không có cùng cách tiếp cận với Washington trong chính sách với Trung Quốc”, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp hôm 22/11.
Trước đó, giới chức Hà Lan lên tiếng phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một mặt trận chung, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn. Công ty Hà Lan ASML là một trong số ít công ty toàn cầu của châu Âu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
SCMP cho hay, phát biểu của ông Josep Borrell phần nào cho thấy sự tan băng trong quan hệ EU – Trung Quốc sau loạt cuộc gặp giữa lãnh đạo các quốc gia EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình đã gặp nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Tây Ban Nha những tuần gần đây, tại các cuộc gặp được tổ chức ở Bắc Kinh và bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.
Tại các cuộc gặp này, Trung Quốc và các thành viên EU đều tuyên bố mong muốn duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt, ngay cả khi tiếp tục lên tiếng về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
Theo ông Borrell, mô hình quản trị khác nhau và tầm nhìn riêng về chủ nghĩa đa phương… không ngăn cản EU và Trung Quốc hợp tác cùng nhau. Ông kêu gọi các nhà lập pháp “tính đến thực tế và sự cần thiết của Nghị viện châu Âu để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hai bên”.
Thời gian qua, khi Nghị viện châu Âu chỉ trích Trung Quốc, đại sứ của EU tại Bắc Kinh được triệu tập hoặc nhận được thông báo ngoại giao chính thức về sự không hài lòng của Trung Quốc. Hồi tháng 8, tờ SCMP đưa tin, chính phủ Trung Quốc coi những tuyên bố của Nghị viện châu Âu là chính sách chính thức của EU.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ – Trung xấu đi rõ rệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Sau động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ ngừng hợp tác với Washington trong loạt lĩnh vực, trong đó có đối thoại quân sự cấp cao và các cuộc gặp an ninh.
Gần đây, lãnh đạo Mỹ – Trung tổ chức nhiều cuộc gặp trực tiếp. Đầu tiên, Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Indonesia, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Sau đó là cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2022 ở Bangkok (Thái Lan).