Những thất bại của Mao tiết lộ cho chúng ta biết điều gì về hệ quả của việc tập trung quyền lực?
Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã giành chiến thắng toàn diện tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào giữa tháng 10. Như được kỳ vọng, ông đã giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba chưa từng có tiền lệ, ngoài ra còn tìm cách lấp đầy Bộ Chính trị và Ban Thường vụ bằng những người trung thành với mình. Trong một màn phô trương quyền lực chính trị, ông buộc hai đối thủ hàng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Uông Dương phải nghỉ hưu, dù cả hai đều chưa đến tuổi nghỉ hưu không chính thức là 68. Ngôi sao trẻ đang lên, Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm và là người được cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào bảo trợ, cũng đã bị phế truất thẳng thừng ngay phút cuối.
Tuy nhiên, thay vì đảm bảo thêm một thập niên thành công với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, chiến thắng của Tập có thể sẽ mở ra một thời kỳ cạnh tranh chính trị giữa các cấp dưới thân tín, những người đang vội vã tìm kiếm sự ủng hộ của ông và giành lợi thế trong cuộc chiến giành quyền kế vị không thể tránh khỏi trong tương lai. Sự thống trị chính trị của Tập cũng sẽ không đảm bảo sự thành công của các chính sách cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Tập đã tích lũy quyền lực đủ mạnh để khiến ông gần như bất khả xâm phạm bên trong chế độ, nhưng quyền lực này chỉ có tác dụng hạn chế đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khả năng tự túc về công nghệ, và giải quyết thảm họa nhân khẩu học sắp xảy ra.
Theo một vài cách quan trọng và thú vị, kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 20 đã gợi lại kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 9 vào tháng 4/1969. Khi đó, Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đứng đầu ĐCSTQ, đã đạt đến đỉnh cao quyền lực của mình. Giống như việc Tập sẽ làm 50 năm sau đó, Mao đã sử dụng Đại hội để lấp đầy Bộ Chính trị và Ban Thường vụ bằng những người trung thành với mình. Nhưng sự thống trị của Mao đã làm cho đảng trở nên kém ổn định hơn, chứ không phải ổn định hơn: vì không có kế hoạch kế nhiệm rõ ràng, một cuộc cạnh tranh tàn khốc đã nảy sinh giữa các cấp dưới của ông, những người đã thành lập các phe phái đối đầu nhau. Kết quả cuối cùng là một thảm họa: một đảng bị tàn phá, một đất nước bị tổn thương, và một xã hội nghèo khó. Trong vòng ba năm kể từ khi Mao qua đời vào năm 1976, di sản của ông đã bị hủy hoại, một đối thủ cũ của ông lên điều hành đảng, và ĐCSTQ đã chấp nhận những cải cách dựa trên thị trường mà Mao phản đối. Tập sẽ cần ghi nhớ kết quả nỗ lực tập trung quyền lực của Mao.
NHỮNG KẺ ĐÂM LÉN
Đối với Mao, mọi thứ đã bắt đầu sụp đổ ngay sau đại hội năm 1969. Trong vòng một năm, hai nhóm đã giúp Mao phát động Cách mạng Văn hóa năm 1966 – quân đội, do Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu lãnh đạo, và Tứ Nhân Bang, một nhóm chuyên gia tuyên giáo của đảng do vợ của Mao, Giang Thanh, cầm đầu – đã bị cuốn vào một cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc để kế vị nhà độc tài lớn tuổi. Dù Mao đã chỉ định Lâm làm người kế vị, nhưng ông ngày càng hoang tưởng về quyền lực của mình, và sau cùng quyết định đứng về phe Tứ Nhân Bang để hạ bệ phe của Lâm.
Mưu đồ chính trị của Mao đã phản tác dụng vào tháng 9/1971, khi chiếc máy bay chở Lâm và gia đình ông, những người được cho là đang cố gắng trốn sang Liên Xô sau khi thất bại trong âm mưu ám sát Mao, đã bị rơi và cháy rụi ở Mông Cổ. Theo bác sĩ riêng của Mao, sức khỏe của nhà độc tài 77 tuổi đã xấu đi nhanh chóng. Về mặt chính trị, Mao cũng không bao giờ phục hồi, vì ông không thể giải thích với đảng lý do tại sao ông lại chọn một người kế vị tàn nhẫn đến mức dám âm mưu ám sát ông, và cũng không thể tìm được một ứng viên hợp lý nào khác để thay thế. Năm 1974, ông buộc phải đưa Đặng Tiểu Bình trở lại, người mà ông đã chế nhạo là “kẻ lót đường cho chủ nghĩa tư bản” và bị thanh trừng khỏi đảng năm 1966, để điều hành chính phủ, và theo đó mở đường để Đặng chuẩn bị cho sự trở lại chính trị của mình – rồi phá bỏ phần lớn di sản của Mao – chỉ ba năm sau đó.
Những nguy cơ tương tự có thể đang chờ đợi Tập. Trong thập niên vừa qua, ông đã thăng chức một cách có hệ thống cho những cộng sự thân cận từng làm việc với mình khi ông giữ các chức vụ trong đảng ở Phúc Kiến, Chiết Giang, và Thượng Hải, cũng như các quan chức từ tỉnh Thiểm Tây, quê hương ông, nơi ông đã làm việc hơn bốn năm với tư cách là một “trí thức hạ phóng” trong Cách mạng Văn hóa. Trong số sáu thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Lý Cường (nhân vật số hai và sẽ trở thành thủ tướng) là cấp dưới của Tập tại Chiết Giang trong ba năm (2004–2007). Thái Kỳ, thành viên đứng thứ năm, làm việc dưới quyền của Tập ở cả Phúc Kiến và Chiết Giang. Đinh Tiết Tường, dự kiến sẽ trở thành Phó thủ tướng Thứ nhất, đã có một thời gian ngắn làm việc dưới quyền của Tập tại Thượng Hải vào năm 2007, và trong 10 năm qua đã giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng. Còn Triệu Lạc Tế (thành viên đứng thứ ba và sắp tới sẽ là người đứng đầu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – tức Quốc Hội) và Lý Hy (người sẽ đảm nhiệm chương trình chống tham nhũng của đảng) đều đến từ Thiểm Tây.
Từ góc nhìn của Tập, việc không có kế hoạch kế nhiệm ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Việc chỉ định người kế vị tại Đại hội 20 gần như chắc chắn sẽ khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo “vịt què.” Nhưng những gì là hợp lý trong ngắn hạn có thể khiến Tập – và ĐCSTQ – phải trả giá đắt. Có một vài yếu tố sẽ khiến cho việc không có kế hoạch kế nhiệm trở nên rủi ro hơn. Dù những người trung thành với Tập đã nhờ ông mà có được vị trí của mình, nhưng dường như giữa họ không có mối liên hệ cá nhân sâu sắc, vì con đường sự nghiệp của họ không giao nhau. Trong thế giới cạnh tranh của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cấp cao hoàn toàn không thể phát triển quan hệ cá nhân sâu sắc nếu họ không làm việc cùng nhau suốt một thời gian dài. Việc Tập thích thăng chức cho những người từng là cấp dưới của mình là minh chứng cho tầm quan trọng của lòng tin được vun đắp thông qua các tương tác cá nhân trực tiếp. Việc thiếu niềm tin cá nhân trong vòng tròn thân tín có thể gây mất đoàn kết và châm ngòi cho ganh đua.
Hơn nữa, những người ủng hộ Tập có thể sẽ thành lập các phe nhóm của riêng họ. Ngoại trừ Vương Hỗ Ninh, vị cựu học giả đã là nhà lý luận tư tưởng chính của đảng trong gần 30 năm, gần như tất cả những người trung thành với Tập trong Ban Thường vụ đều có mạng lưới những người ủng hộ riêng, mà họ đã xây dựng qua nhiều năm làm lãnh đạo đảng tại địa phương. Họ phải tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp của những người ủng hộ mình để mở rộng cơ sở quyền lực của chính họ. Thành công của họ trong việc củng cố mạng lưới cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Tập. Để giành được sự ủng hộ của nhà lãnh đạo, gần như chắc chắn họ sẽ cạnh tranh với nhau, nếu không muốn nói là xung đột với nhau. Trong khi đó, việc trao quyền sẽ không dễ dàng, bởi vì quá trình ra quyết định dưới thời Tập đã trở nên tập trung cao độ. Trao quyền có thể bị nhầm lẫn với thiên vị. Trao thêm quyền lực cho một phe có thể khơi dậy sự ghen tị và oán giận nơi các đối thủ của phe đó.
Chắc chắn, sự cạnh tranh phe phái có thể có lợi cho Tập, vì ông có thể khiến các phe chống lại nhau. Tập được hưởng lợi từ sự căng thẳng giữa những người ủng hộ mình, vì sự cạnh tranh khiến họ phụ thuộc vào ông để đảm bảo an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, xung đột công khai giữa các phe phái sẽ buộc Tập phải chọn phe. Điều này có thể dẫn đến hậu quả thậm chí còn tồi tệ hơn. Cạnh tranh phe phái trong những năm cầm quyền cuối cùng của Mao đã dẫn đến tình trạng “rối loạn chức năng chính trị” ở cấp lãnh đạo cao nhất, sau đó lên đến đỉnh điểm trong một cuộc đấu tranh sinh tử, chỉ được giải quyết bằng một cuộc đảo chính do quân đội hậu thuẫn. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như trong trung hạn, bài kiểm tra quan trọng nhất của Tập sẽ là giữ vững liên minh mới của ông và tránh để xảy ra một cuộc tranh giành quyền kế vị tàn khốc giữa những người trung thành với ông.
Quyền lực tập trung của Tập còn tạo ra những vấn đề khác. Giống như tất cả những lãnh đạo cứng rắn khác, ông sẽ sớm nếm trải điều mà nhà tâm lý học Dacher Keltner gọi là “nghịch lý quyền lực” (the power paradox). Một biểu hiện của nghịch lý này là mối quan hệ nghịch đảo giữa lượng quyền lực mà một lãnh đạo cứng rắn tích lũy được và cảm giác an toàn của ông: càng có nhiều quyền lực, ông lại càng cảm thấy ít an toàn. Trong các chế độ chuyên chế, nhà lãnh đạo cứng rắn thường đạt được quyền lực bằng cách tiêu diệt các đối thủ, điều này chắc chắn sẽ tạo ra những kẻ thù không đội trời chung. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cứng rắn không có sự bảo vệ của thể chế: các nhà chuyên chế có xu hướng bị chính những người trong chế độ tước bỏ quyền lực, mà không thông qua các thủ tục chính trị thông thường.
Dù không có dấu hiệu nào cho thấy giới tinh hoa đối thủ đang âm mưu chống lại Tập, nhưng không thể chắc chắn rằng quyền lực vô biên sẽ giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của ông trước những kẻ thù mưu mô, dù có thật hay tưởng tượng. Sự bất an có thể gây ra xung đột ác liệt ở cấp cao nhất của đảng. Trong những năm cuối đời, một Mao Trạch Đông với căn bệnh hoang tưởng không thể chữa khỏi đã thanh trừng Lâm và Đặng, đồng thời phát động một chiến dịch làm mất uy tín của Chu Ân Lai, vốn dĩ là người ủng hộ nhiệt thành nhất của Mao. Mao dường như lo sợ rằng Chu đã giành được quá nhiều quyền lực sau khi Lâm bị sụp đổ.
TẬP KHÔNG MẠNH ĐẾN THẾ?
Quyền lực của một nhà lãnh đạo chuyên chế luôn có giới hạn. Trong một chế độ chuyên chế đầu sỏ, quyền lực của nhà lãnh đạo hiếm khi vượt ra ngoài vòng tròn nội bộ của giới tinh hoa hàng đầu. Trong trường hợp của Trung Quốc, vòng tròn đó chính là các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương (gồm 205 thành viên chính thức và 171 thành viên dự khuyết). Để thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những người bên ngoài vòng tròn này, Tập sẽ phải dựa vào các công cụ khác, chẳng hạn như sức hấp dẫn về ý thức hệ và sức hút cá nhân (điều mà Mao sở hữu rất nhiều) hoặc ủy quyền cho cấp dưới có năng lực (vốn là chuyên môn của Đặng).
Nhưng bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ của đảng vào việc phục hồi ý thức hệ Cộng sản chính thống trong những năm gần đây, tư tưởng đó đã mất đi sức hấp dẫn. Và dù Tập Cận Bình có thể nổi tiếng với những công dân Trung Quốc bình thường, nhưng ông chắc chắn không phải là một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn ở tầm của Mao. Giải pháp thay thế duy nhất mà Tập đã tìm ra cho ý thức hệ và sức hút cá nhân là chủ nghĩa dân tộc. Nhưng thành tích của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong vai trò công cụ thúc đẩy tinh thần lại không được khả quan. Trong những năm gần đây, nó dường như chẳng đạt thành tích nào ngoài việc thúc đẩy tư tưởng bài ngoại.
Tập Cận Bình sẽ dần cảm nhận được mức độ hạn chế trong quyền lực của mình. Loại quyền lực mà ông giành được tại Đại hội 20 có thể rất quan trọng trong việc quyết định cơ cấu của giới tinh hoa ở cấp cao nhất và để ngăn chặn những thách thức đối với quyền lực của ông. Nhưng quyền lực đó lại không hữu dụng mấy đối với việc thực hiện các chính sách mà ông tâm đắc, chẳng hạn như dự án “thịnh vượng chung” theo chủ nghĩa quân bình, khả năng tự túc về công nghệ, an ninh kinh tế lớn hơn, và tăng trưởng bền vững. Để hoàn thành những mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác của bộ máy hành chính rộng lớn của đảng, và quan trọng hơn, là sự hợp tác của hàng trăm triệu công nhân, doanh nhân, và chuyên gia, những người chủ yếu bị thúc đẩy bởi tư lợi, chứ không phải bởi lòng trung thành với nhà lãnh đạo. Trên thực tế, biểu hiện của nghịch lý quyền lực có thể sẽ cản trở chương trình nghị sự hướng tới an ninh đầy tham vọng của Tập. Ông có thể sẽ nhận ra chính sách của mình thường xuyên không đạt được kỳ vọng, bất chấp quyền lực cá nhân to lớn của ông.
Những nhà lãnh đạo chuyên chế không thể mang lại kết quả ấn tượng phải đặc biệt chú ý đến các phe phái và cuộc tranh giành quyền kế vị. Mao đã thất bại trong việc ngăn chặn cả hai điều đó. Việc ông không thể duy trì liên minh của mình sau năm 1969 đã làm hỏng kế hoạch kế nhiệm của ông, và ông qua đời mà không có người kế vị thực sự. Cũng không thể khẳng định rằng Đặng đã thành công không tỳ vết trong việc tuyển chọn người kế vị, nhưng ông đã làm tốt hơn Mao nhiều. Sau khi thanh trừng hai nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do vào những năm 1980, ông đã cố gắng cứu vãn di sản của mình bằng cách chọn hai nhà kỹ trị thận trọng – đầu tiên là Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào – cho vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng. Họ tiếp tục dự án “cải cách và mở cửa” của Đặng, dù với tốc độ không đồng đều, trong 20 năm, cho đến khi Tập lên nắm quyền. Khả năng biến quyền lực thành thành công kinh tế của Đặng cũng giúp bảo tồn di sản của ông, mà đến nay phần lớn vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp những đảo ngược chính sách mà Tập đã thực hiện trong thập niên qua.
Là một người yêu thích lịch sử, Tập hẳn phải nhận thức được những thất bại của Mao sau khi giành được quyền thống trị vào năm 1969, và thành công của Đặng dù phải chia sẻ quyền lực với các nhà cách mạng khác trong thập niên 1980. Không thể biết được liệu Tập có rút ra bài học gì từ hai ví dụ tương phản này. Nhưng ông nên xem xét khả năng rằng ưu thế chính trị có thể là một lời nguyền ẩn trong vẻ bề ngoài của một phước lành. Thay vì cho phép ông lãnh đạo đảng và đất nước vượt qua thời kỳ nguy hiểm, quyền lực không được kiểm soát có thể gây ra xung đột nội bộ và cản trở quản trị hiệu quả.
Vì vậy, đối với Tập Cận Bình, chiến thắng trong trận chiến quyết định tại Đại hội Đảng lần thứ 20 không phải là đảm bảo cho những thắng lợi trong tương lai của ông. Tập nên xem xét những thất bại của Mao trong những năm cuối đời để đảm bảo rằng ông sẽ không có một kết cục tương tự.
T.P