Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViện Kiểm sát nhân dân tối cao kêu gọi Chủ tịch AIC...

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kêu gọi Chủ tịch AIC ra đầu thú

VKSND tối cao đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, cùng 8 bị can đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Như đã đưa tin, cách đây 6 ngày, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, VKSND tối cao truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC và 35 bị can ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử với 5 tội danh nói trên.

Đáng chú ý trong số 36 bị can bị truy tố vụ án này, có tới 8 bị can bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC.

Ngoài ra, còn có Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.

Do đó, VKSND tối cao đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp tiếp tục bỏ trốn, VKSND tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và truy tố theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào tháng 11, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các đồng phạm bỏ trốn ra nước ngoài vẫn được xét xử vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, ông Nguyễn Thái Học nhiều lần nhấn mạnh: “Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”.

Ông Học phân tích thêm Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa. Trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì tòa có thể xét xử vắng mặt.

“Việc xét xử với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào xử vắng mặt thì vẫn phải tuân theo quy định của luật pháp. Do vậy, đối với các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài chúng ta đã tiến hành khởi tố, điều tra nếu có đầy đủ chứng cứ, cơ sở, việc truy nã không có kết quả thì có thể vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý”, ông Học nêu.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 35 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Dự kiến phiên tòa bắt đầu từ ngày 21/12 và diễn ra trong 20 ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Phiên tòa có 29 luật sư bào chữa trong các bị cáo. Mặc dù, đang bỏ trốn và bị truy nã song bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn có 1 luật sư bào chữa. Ngoài ra, tòa án triệu tập 69 cá nhân, đại diện các đơn vị tham gia phiên tòa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới